Kinh hoàng trận lụt năm ấy

Đêm. Nước lên. Tôi nghe tiếng người lớn, trẻ em khóc la, kêu cứu phía ngoài sông. Nhưng đêm tối mịt mùng, nước chảy rào rào như thác lũ. Ai cũng chỉ lo giữ lấy thân mình và thầm cầu trời mau sáng

Những ngày Đà Nẵng mưa lớn, nước ngập ở nhiều nơi, tôi lại nhớ cái cảnh chạy lụt năm nào khi còn ở quê. Nhớ nhất là cái đêm 23-10 của năm Giáp Thìn 1964.

Tiếng than khóc rất gần

Đêm ấy, cả vùng Bắc Quảng Nam nước lụt dâng lên lai láng.

Mới chạng vạng, lụt còn ngoài ngõ. Bọn trẻ chúng tôi dùng nhánh cây nhỏ như chiếc đũa, cắm trên mặt đất để xem chừng mực nước lên hay xuống.

Người dân rốn lũ khu vực đường Mẹ Suốt ở Đà Nẵng sơ tán trong đêm 7-11-2023 và hình ảnh lực lượng chức năng phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu hỗ trợ sơ tán.Ảnh: BÍCH VÂN

Đến 21 giờ thì nước tràn vô nhà. Chừng lúc khuya, bàn ghế, giường tủ mọi nhà đã kê lên hết rồi mà vẫn bị ngập. Gà kêu oang oác nhảy tìm chỗ nấp. Vài nhà đưa mấy con heo lên chồ bếp, lên cả giường ngủ, vẫn không xong.

Người ta đo mực nước lúc này theo từng nẹp phên, tức khoảng 5 tấc sau mỗi vài chục phút.

Đêm ấy mẹ tôi chuyển bụng. Bà y tá chuyên đỡ đẻ trong làng, được chú tôi mời ra khám, phải trèo lên cái gác tạm để cắt rốn cho đứa em út của tôi.

Cái gác bằng hai tấm cửa gỗ cũ, bắc qua hai vì kèo. Cha tôi tháo tấm liếp chỗ khu đĩ để lấy không khí, vì lúc đó nước bên dưới đã chấm mái tranh.

Tôi 12 tuổi, chỉ kịp bưng mủng gạo chừng chục lon đưa lên gác. Chú Út tôi phải cởi áo, lặn sâu xuống chỗ chồ bếp để nhặt vài bó củi, mấy cái chén và hũ mắm cái. Còn lại gì trong nhà, giao tất cho… thủy thần. Cha tôi ra lệnh bỏ hết, lo cho mạng người trước đã.

Đêm. Nước lên. Tôi còn nghe tiếng người lớn, trẻ em khóc la, kêu cứu phía ngoài sông. Tiếng than khóc rất gần, rồi xa hút. Chú Út tôi đoán mò: "Chắc là nhà trôi. Người ta ngồi trên mái nhà kêu đó!". Nhưng đêm tối mịt mùng, nước chảy rào rào như thác lũ. Ai cũng chỉ lo giữ lấy thân mình và thầm cầu trời mau sáng. Biết làm sao…

Mờ sáng, một người chú họ cùng người con trai đầu chống chiếc ghe nan, rúc bụi tre bơi vào vườn nhà tôi. Nhìn ngôi nhà nước đã chấm mái tranh, ông gọi lớn: Lão Hòa ơi, có sao không?

Cha tôi từ trên gác thò đầu ra, đúng lúc mũi chiếc ghe vừa trờ vào khu đĩ. Cha tôi kể chuyện mẹ tôi vừa sinh em, muốn đưa mẹ lên cổng tam quan chùa làng nhưng không có phương tiện.

Người chú họ cùng cha tôi lo lắng về thời tiết, rồi cùng bơi ghe lên chùa làng. Ngôi chùa chính đã ngập sâu trong nước, chỉ còn bờ tường chung quanh còn nhô ra vài phân.

Trên các cổng tam quan 2 tầng phía trước đã đầy người trú ẩn. Đó cũng là chỗ đầu ngọn nước từ phía sông chảy vào, trông chẳng an toàn. Họ quay về và bơi ghe vô xóm. Chỉ có khu nhà của bà Thủ N. là nơi cao nhất, nước chưa vào nhà. Một dãy nhà ngang làm nơi ở của chủ, còn ngôi nhà thờ chứa đầy sắn lát đã có hơn vài chục người dân trong xóm đến tá túc.

Họ nằm ngồi trên lớp sắn lát phơi khô chừng hơn nửa thước, có ví đan bằng tre cật bao bọc. Bên hông nhà thờ là cái chuồng trâu khung gỗ chất đầy rơm khô. Trước đó, 2 con trâu đã được thả ra, vì theo lời bà: Trâu nó còn chịu lạnh và biết bơi, nó sẽ tự kiếm ăn khi nước lụt dâng lên. Bà Thủ N. chỉ đồng ý cho mẹ và em tôi ra nằm trên cái chuồng bỏ không đó.

Trâu cũng lên mái ngói

Cha tôi lấy được hai tấm ván trôi ngoài vườn, gác lên hai vì kèo chuồng trâu, lót lên đó ít rơm khô làm chỗ nằm cho mẹ và em. Ông cũng không quên dùng dây dừa chằng níu chuồng trâu và ngôi nhà thờ kiên cố, đề phòng nước chảy xiết cuốn trôi.

Mẹ tôi và đứa em sơ sinh nằm thiếp đi trên cái gác tạm lót rơm ấy, suốt mấy ngày lụt. Trong lúc cha tôi nhen lửa nấu cơm thì chú Út tôi bơi ra vườn, vớt được một ít trứng vịt bị lụt cuốn trôi, nổi trên nước bạc. Cơm nắm và trứng vịt luộc chín được đặt trên tấm ván.

Tôi và chú Út vừa bơi vừa đẩy vào nhà bà Thủ N. Mẹ tôi ăn cơm vắt chấm muối, còn trứng đem phát cho mỗi đứa bé một cái. Lúc thằng Ch. con nhà hàng xóm đang cầm cái trứng chưa kịp ăn thì bị giật mất. Nó khóc như cha chết.

Lúc đó, tôi chứng kiến ông L. người ướt như chuột lột, tay cầm cái roi tre và đang run lẩy bẩy. Ông chỉ mặc chiếc quần đùi và áo cánh đã rách và ướt. Ông giật cái trứng trên tay thằng Ch., không kịp lột vỏ, bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến rồi bỏ đi đâu không biết.

Tôi nhìn vào gian nhà thờ đầy ắp người, đã thấy một góc nhà lòi ra mảng gạch lót nền. Trong mới một ngày đêm, người ta đã ăn sống cả một phần sắn lát khô của bà Thủ N.

Lại nghe kể: Đêm qua ông L. lội nước bạc đuổi theo mấy con bò bị nước cuốn. Bò chịu lạnh không được và bị cuốn theo dòng nước ra lung ruộng phía bờ sông. Ông L. tuyệt vọng quay về, vừa đói vừa lạnh. Khi vào đến nhà bà Thủ N., ông cứ cầm cây roi tre huơ huơ trước mặt và lẩm bẩm điều gì chẳng nghe rõ.

Cha tôi lấy được ít than củi sau khi nấu cơm, bỏ vào cái nồi đất, phủ lên một lớp tro, làm lò sưởi. Ông mang lên cái gác chuồng trâu cho mẹ và em tôi hơ ấp. Tôi leo lên cái gác ấy và nghe cha tôi kể: Ai đời trâu cũng leo lên mái ngói!

Thì ra, hai con trâu bà Thủ N. bơi qua vườn nhà bên, đói quá, bèn đi tìm lá tre để ăn. Cả hai trèo lên chái nhà hàng xóm, chỗ cái khu đĩ để kéo mấy ngọn tre xuống ăn. "May mà chưa sập nhà của họ!" - cha bình luận.

Nhưng đâu chỉ có vậy. Sau lụt, khi chúng tôi tới trường học còn nghe chuyện trâu lợi dụng nước dâng, lên nhiều mái nhà khác ở các xóm bên để ăn lá tre như ở xóm tôi. Ông nội bác tôi năm ấy 80 tuổi, bình luận: "Tao sống đến chừng ni tuổi mà lần đầu mới gặp cảnh đó!".

Nhờ cái khu đĩ đơn sơ

Nước lụt vừa rút khỏi đường làng, còn sâu hơn thước dưới ruộng, mấy thanh niên trong xóm đã có mặt không thiếu một ai.

Năm ấy, phong trào du kích đã xuất hiện nhưng chẳng phân biệt nhau. Họ chống ghe dọc mấy bụi tre, lựa xem có con bò nào mới chết, còn hơi nóng, với hy vọng chia nhau chút thực phẩm.

Một con bò được kéo về trong số bò chết vì lụt. Bếp lửa và cái chảo gang rộng gần thước tây, bắc lên trong vườn mít nhà ông Hương, cách nhà tôi khoảng trăm mét. Mấy thanh niên hì hục làm thịt bò và luộc chín. Mỗi nhà được chia mấy lát thịt lớn bằng bàn tay, như một lát bít-tết.

Tôi chỉ nhớ chúng chẳng có hương vị gì vì đã quá ngấm nước bạc. Đói thì ăn nhưng chẳng khác gì nhai… giẻ rách! Bắt được con gà ướt nhẹp còn đậu trên nhánh cây thầu đâu, chú Út tôi làm bữa cháo gà, phần dành cho mẹ, phần cả nhà ăn lót dạ để đi dọn bùn non.

Bùn non sau trận lụt này cao đến hơn 3 tấc tây, trước sân nhà tôi, đóng dày cả nền nhà và bất cứ vật dụng gì chưa bị nước cuốn trôi đi!

Bà cô ruột - em cha tôi - lấy chồng bên làng Ngũ Giáp, thật là gan dạ. Nước còn lênh láng và chảy xiết trên sông, vậy mà bà vẫn gọi chồng và mấy đứa con bơi vượt sông qua nhà tôi để chia nhau dọn dẹp, lo hơ háp cho chị dâu vừa đẻ trong lụt, sợ mẹ và em tôi không chịu nổi cái đói và cái lạnh mùa đông.

Cha tôi sai chú Út và tôi đi tìm nơi bán gạo. Chúng tôi mượn ghe nan bơi xuống phía các tiệm buôn dưới quốc lộ và ghé vô nhà bác S.

Năm ấy, bác S. làm đại lý xi măng và gạo. Nhà bác 2 tầng thì tầng trên là chỗ trú ngụ cho bà con lối xóm. Tầng dưới cả gạo và xi măng ướt không còn một hột. Các con gái lớn của bác kể trong lụt phải lấy thau chậu hứng nước mưa mới có cái nấu cơm phát cho bà con. Chỉ cơm vắt và muối thôi, cho qua bữa. Bác gái thì chỉ đống gạo ướt rồi nói với chú Út: "Mua bán gì! Em coi lấy được chừng nào thì cứ lấy về nấu thử!".

Chúng tôi mang bao gạo về. Nước chưa sôi, nồi cơm đã nhão nhoẹt, chua lè. Không ăn được!

Cùng đường, mẹ tôi đang nằm ổ và rất yếu cũng gọi tôi vào, sai đi Đà Nẵng tìm đường xin tiếp tế.

Tôi đón xe đò, ra nhà dì ruột tôi. Bà con giúp được ít quần áo cũ, hơn một ang gạo và mấy lon sữa bò về cho em dại.

Những hôm ấy, sau khi dọn dẹp bên dưới, dựng lại cái chồ bếp đã bị nước cuốn trôi, cha tôi mới bắt đầu tháo phần gác tạm trên hai vì kèo xuống và che lại phần khu đĩ trên đầu hồi ngôi nhà tôi. Một cái khu đĩ đơn sơ ấy đã giúp chúng tôi và bao gia đình nông thôn trong cơn hoạn nạn.

Tôi tra trong từ điển tiếng Việt, thấy định nghĩa khu đĩ là không gian trống, hình tam giác, ở đầu hồi nhà, được tạo nên bởi hai mái chính và mái bên (mái chái). Khu đĩ tạo ra sự thông thoáng không khí dưới mái nhà. Ra xứ Huế thì nghe người già đọc tục ngữ về thời tiết: "Chớp cửa Eo, nước trèo khu đĩ". Cửa Eo hay cửa Nộn sau được vua Minh Mạng đổi tên ra cửa Thuận An cho đến nay.

Trận lụt cách đây gần tròn 60 năm ấy, nghe đâu đã giết chết hàng ngàn người dân ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và Thừa Thiên - Huế. Và trong trận lụt ấy, cái khu đĩ của nhà tôi đã giúp bao gia đình qua cơn bĩ cực.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/kinh-hoang-tran-lut-nam-ay-20231111183653146.htm