Kinh doanh vận tải 'ngồi trên lửa' vì...phí

Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải thực sự như đứng trên "đống lửa", khi thời hạn thu phí bảo trì đường bộ bắt đầu từ 1/6/2012 đang đến gần.

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa hoàn tất dự thảo Thông tư về hoạt động thu - chi của Quỹ Bảo trì đường bộ. Bản dự thảo đã được chuyển sang Bộ Tài chính, mức thu phí bảo trì đường bộ cơ bản có sự thay đổi hợp lý hơn so với trước. Tuy nhiên đối với lĩnh vực vận tải, việc tính phí cần được xem xét lại.

Những bất cập

Các chủ DN kinh doanh vận tải hàng hóa là đối tượng chịu tác động mạnh nhất từ chủ trương này. Nhiều chủ DN cho biết, trong điều kiện khó khăn hiện nay, thêm mức đóng phí cao như thế thì DN càng lâm vào khó khăn.

Bà Lương Phạm Tuyết - Giám đốc Cty TNHH giao nhận vận tải và dịch vụ Công Thành cho biết: " Quan niệm của tôi, việc thu phí bảo trì đường bộ là đúng, người sử dụng đường bộ phải có trách nhiệm đóng góp để nhà nước bảo quản, xây dựng mở rộng đường sá. Tuy nhiên, Bộ GTVT cần xem lại những vấn đề chưa phù hợp thực tế. Đối với nhóm xe đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc, Nghị định quy định vừa đánh phí trên cả đầu phương tiện là "máy kéo" vừa đánh trên " rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi ôtô, máy kéo" là không phù hợp với thực tế hoạt động của loại phương tiện này. Bản thân sơ mi rơ moóc là thiết bị cơ, nếu không gắn động cơ, không thể tự hành được.

Chỉ khi nào gắn với đầu kéo hợp thành tổ hợp xe thì mới lưu thông để vận tải hàng hóa (chứa trong các container). Mỗi chiếc đầu kéo - một lần - cũng chỉ kéo theo được một rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc nên nghị định tách thành hai thiết bị riêng biệt để đánh phí đối với loại xe tổ hợp chuyên dụng này là hoàn toàn vô lý và sẽ tạo gánh nặng về phí cho các DN vận tải. Thực tế, nhiều DN số lượng sơ mi rơ moóc lớn hơn 3 - 4 lần số lượng xe đầu kéo...", bà Tuyết cho biết.

Đại diện Cty Transimex - Sài Gòn cũng bức xúc: "Đối với nhóm xe vận tải, thực tế có thể một số phương tiện bị hư hỏng phải sửa chữa, xe bị tai nạn, bị tạm giữ, xe vận chuyển nội bộ trong cảng, khu công nghiệp... sẽ không tham gia sử dụng đường bộ những vẫn phải nộp phí hàng năm là không phù hợp. Tương tự như thế đối với nhóm xe cá nhân ( xe mô tô, xe du lịch ), sẽ có những phương tiện trong cùng thời điểm không sử dụng hệ thống đường bộ nhưng vẫn phải đóng phí.

Luật sư Thái Văn Chung - Tổng thư ký Hiệp hội Giao nhận hàng hóa TP HCM nhận định: "Quy định thu phí theo kỳ đăng kiểm cũng sẽ là một khó khăn vô cùng lớn cho các DN sắp tới. Nay nhà nước lại áp dụng phương thức thu phí trên đầu xe theo kỳ đăng kiểm ( hoặc là 3 tháng, 6 tháng, 1 năm hoặc 2 năm... tùy theo đời xe cũ hay mới ) thì sẽ có DN phải đi vay để đóng phí. Với một DN có hơn trăm xe đầu kéo và gần ngàn sơ mi rơ moóc thì số tiền phải đóng phí lên tới cả tỉ đồng/tháng, gom hết cả lợi nhuận, có khi cũng không đủ đóng phí. Đối với nhiều tuyến vận tải hiện nay (như tuyến từ Cảng Cát Lái đi Cần Thơ) DN vận tải đang phải chịu chi phí cho cầu đường bộ lên đến 19%/tổng giá cước cho một chuyến hàng. Cùng với các chi phí khác như lãi suất vay ngân hàng, dầu, vỏ lốp... quá cao thì gần như nhiều DN vận tải đang kinh doanh không có lợi nhuận, nhiều DN đã bán xe vì lợi nhuận không bảo đảm duy trì và tái đầu tư DN. Hơn nữa, phải nộp phí trước cho việc sử dụng dịch vụ sau chẳng khác nào ép buộc để chiếm dụng vốn của DN cả", vị đại diện này cho biết.

Và những hệ lụy

Việc đóng phí quá cao, nếu quá sức chịu đựng, DN sẽ bán xe đổi nghề, hoặc buộc phải tìm cách để tồn tại. Nhiều ý kiến của DN cho biết: Có thể sẽ xảy ra những trường hợp không đưa xe đi đăng kiểm, và chấp nhận trả cho các chi phí "không chính thức". Việc mua bán xe nhưng không sang tên xe, cung dễ thất thu, đồng thời chi phí cho tổ chức thu phí đối với phương tiện xe mô tô rất cồng kềnh và tốn kém...

Nhà nước cần cân nhắc xem lại mức phí, nhóm phương tiện chịu phí một cách vừa hợp pháp, hợp lý và hợp tình để hạn chế thấp nhất những tác động xấu đến đời sống kinh tế xã hội. Để tránh thất thu và bảo đảm tính công bằng, Chính phủ xem xét sửa đổi nghị định về lâu dài cho thu phí quỹ bảo trì đường bộ thông qua xăng dầu, người nào sử dụng đường bộ nhiều, tiêu hao nhiên liệu nhiều thì đóng phí nhiều.

Làm sao cho việc đóng phí không là gánh nặng cho người dân và DN, đảm bảo cho mạch máu của nền kinh tế là hàng hóa được lưu thông bình thường; tránh trường hợp DN bán xe, hạn chế đầu tư gây ách tắc về vận chuyển hàng hóa sau thời điểm các văn bản có hiệu lực áp dụng trên thực tế là vấn đề cần được quan tâm.

(Theo DDDN)

Nguồn VietnamNet: http://vef.vn/2012-04-13-kinh-doanh-van-tai-ngoi-tren-lua-vi-phi