Kinh doanh thời vụ mùa lễ hội

Huyện Phú Bình là địa phương có nhiều lễ hội truyền thống nhất tỉnh, chủ yếu diễn ra vào dịp đầu Xuân. Do đó, các hoạt động kinh doanh dịch vụ mang tính thời vụ diễn ra khá nhộn nhịp, đem lại nguồn thu nhập cho nhiều hộ dân.

Mặt hàng gà đồi Phú Bình được bày bán nhiều tại Cụm di tích Đình - đền - chùa Cầu Muối.

Hàng năm, Lễ hội Đình - đền - chùa Cầu Muối thu hút hàng vạn người dân và du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái. Nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm đồ lễ, ăn uống của du khách, Ban Quản lý Cụm di tích đã cho phép mở gần 100 gian hàng, tăng gấp 3,5 lần so với năm 2023. Từ mùng 2 Tết Nguyên đán, các tiểu thương đã bắt đầu bày bán nhiều mặt hàng dọc tuyến đường xung quanh khu vực Di tích.

Anh Trần Văn Hà, xã Tân Thành, cho biết: Công việc chính của tôi là đầu bếp tại 1 công ty trên địa bàn huyện. Hàng năm, vào dịp tổ chức Lễ hội Đình - đền - chùa Cầu Muối, tôi thường thuê mặt bằng để bán gà quay, gà đắp đất, xôi, bánh cuốn, bún phở để kiếm thêm thu nhập. Năm nay, tôi nhập khoảng 2 tấn gà đồi, trên 6 tạ thóc nếp, 5 tạ gạo tẻ và hiện đã tiêu thụ được được khoảng 50% lượng hàng. Tôi dự kiến bày bán hàng đến hết tháng Giêng và nếu bán hết sẽ lãi khoảng 80 triệu đồng.

Tại những lễ hội truyền thống khác, hoạt động kinh doanh thời vụ cũng diễn ra khá nhộn nhịp. Ngoài hàng quán ăn uống, bán đồ lễ còn có các dịch vụ trông giữ xe, viết sớ, bán đồ lưu niệm và trò chơi dành cho trẻ em.

Chị Đào Minh Nguyệt, thị trấn Hương Sơn (Phú Bình), cho biết: Bên cạnh công việc chính là giáo viên, hơn 10 năm nay, cứ vào thời điểm đầu Xuân, tôi và gia đình lại di chuyển tới các lễ hội lớn trên địa bàn để kinh doanh dịch vụ tô tượng. Tại mỗi lễ hội, tôi thường chuẩn bị khoảng 600 tượng lớn nhỏ là hình các con vật để phục vụ nhu cầu giải trí của trẻ em và du khách. Trung bình mỗi lễ hội, tôi thu được lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết và lượng khách.

Mùa lễ hội là dịp nở rộ các dịch vụ kinh doanh thời vụ tại các điểm tâm linh.

Theo thống kê, huyện Phú Bình có 64 lễ hội truyền thống. Để các lễ hội diễn ra văn minh, an toàn và lành mạnh, ngay từ cuối tháng 12-2023, UBND huyện đã ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương, ban tổ chức lễ hội đẩy mạnh tuyên truyền các cơ sở kinh doanh dịch vụ chấp hành quy định về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, niêm yết giá công khai. Các cơ sở kinh doanh thực phẩm cần chấp hành quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, nhập hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Đối với cơ sở trông giữ xe, huyện giao cho các địa phương tuyên truyền và yêu cầu các cá nhân, đơn vị được giao khoán tổ chức thu phí theo quy định hiện hành của tỉnh.

Từ mùng 1 Tết Nguyên đán đến nay, huyện Phú Bình đã thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra 13 đợt tại các lễ hội trên địa bàn huyện. Qua đó, Đoàn đã nhắc nhở và yêu cầu 15 trường hợp chấp hành nghiêm quy định về việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; không kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, chấp hành các quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình, cho biết: Huyện đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh tại lễ hội, di tích lịch sử. Đặc biệt, mới đây, khi nắm bắt được thông tin báo chí phản ánh về hoạt động thu phí gửi xe không đúng quy định tại Cụm di tích Đình - đền - chùa Cầu Muối, UBND huyện đã yêu cầu Đội Quản lý thị trường, Công an huyện và chính quyền các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra. Đồng thời yêu cầu các điểm trông giữ xe niêm yết bảng giá dịch vụ theo Quyết định số 42 ngày 20/12/2016 của UBND tỉnh. Nếu phát hiện trường hợp vi phạm, huyện sẽ kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-thai-nguyen/202402/kinh-doanh-thoi-vu-mua-le-hoi-4430a46/