Kinh doanh ô tô: Doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa biết bao giờ mới 'lớn'

'Kinh doanh ô tô là một những ngành kinh doanh có nhiều rủi ro. Vì vậy, doanh nghiệp đang rất mong chờ những chính sách và thay đổi từ Chính phủ mới', ông Nguyễn Tuấn - Giám đốc công ty Thiên An Phúc cho biết.

Ông Nguyễn Tuấn - Giám đốc công ty Thiên An Phúc

LTS: Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, BizLIVE đã thực hiện một chuỗi bài phỏng vấn các doanh nhân, các chuyên gia để lắng nghe những chia sẻ, góc nhìn của họ về các chính sách của Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, cũng như nói lên tâm tư, suy nghĩ nhân ngày tôn vinh cộng đồng doanh nhân Việt.

Trao đổi với PV BizLIVE, doanh nhân Nguyễn Tuấn - Giám đốc công ty Thiên An Phúc và doanh nhân Quang Thế - Giám đốc công ty Hoàng Gia Auto đã chia sẻ về những khó khăn mà doanh nghiệp này đang gặp phải. Đây cũng là hai trong số các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang găp khó khăn trong lĩnh vực kinh doanh ô tô nhập khẩu.

Thưa ông Nguyễn Tuấn, trong quá trình kinh doanh, khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp của ông gặp phải là gì?

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ như chúng tôi, hầu hết đều có tuổi đời 7 - 10 năm nói là lâu đời thì cũng không phải mà mới thành lập cũng không đúng. Trải qua một thời gian nhất định gắn bó với nghề nhưng để phát triển thì cũng không phải là điều dễ dàng.

Hồi mới lập nghiệp chúng tôi cũng phải đi làm thuê cho các công ty khác để học hỏi kinh nghiệm. Từ đó, tôi đúc kết ra rằng, cần 3 yếu tố để trở thành doanh nhân: "Tiền bạc - Kinh nghiệm - Mối quan hệ". Nếu có 2/3 yếu tố hoặc cả 3 yếu tố thì chắc chắn tỷ lệ thành công sẽ cao hơn người khởi nghiệp với chỉ 1 yếu tố.

Vào thời điểm những năm 2004, khi còn đang làm việc cho một công ty xuất nhập khẩu, tôi đã thấy cơ hội cho dòng ô tô con khi Việt Nam gia nhập WTO. Vì vậy, tôi đã thành lập một công ty riêng vào năm 2005 để đón đầu động thái "mở cửa" của Việt Nam.

Từ năm 2006 đến 2010, công ty tôi đang trên đà phát triển rất tốt và đã bước sang giai đoạn "trưởng thành". Khi nhìn thấy được cơ hội và chuẩn bị trước cơ sở vật chất, tài chính để đón đầu xu hướng nhập ô tô vào Việt Nam, công ty tôi nhanh chóng ổn định, thu hồi vốn và bước khởi nghiệp khá dễ dàng.

Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, công ty tôi gần như bị đóng băng, phải chuyển đổi hướng kinh doanh hoặc hoạt động cầm chừng bởi một biến cố rất lớn về mặt chính sách khi Thông tư 20 ra đời.

Một phần mặt bằng salon ô tô đã được công ty Hoàng Gia Auto chuyển thành kho hàng nước giải khát nhập khẩu để duy trì hoạt động (Ảnh: Nguyễn Thắm)

Tại thời điểm năm 2011, khi quy định về việc nhập khẩu ô tô phải có giấy ủy quyền chính hãng được ban hành, các doanh nghiệp đã rất ngỡ ngàng và rơi vào thế bị động khi mặt bằng salon đang thuê, nhân viên cũng đang làm việc mà lại không thể kinh doanh.

Bởi gần như các doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể lấy được giấy ủy quyền chính hãng theo quy định của Thông tư 20 được Bộ Công Thương ban hành năm 2011. Sau 5 năm, quy định này đã hết hạn song chúng tôi vẫn đang chờ quy định mới từ Bộ Giao thông vận tải.

Trên thực tế, khó khăn thì doanh nghiệp nào cũng gặp phải nhưng những yếu tố khách quan như cuộc khủng hoảng kinh tế hay những rủi ro về mặt chính sách như tăng/giảm thuế sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp song vẫn có thể vượt qua được, nhưng chính sách "hạn chế" doanh nghiệp như Thông tư 20 thì khiến chúng tôi thật sự bị "trói buộc".

Vậy ông kỳ vọng gì về những chính sách, thay đổi từ Chính phủ mới?

Tôi vô cùng hoan nghênh và đồng tình với Nghị quyết 35 của Chính phủ bởi nó cho thấy, Chính phủ đã lắng nghe và tạo điều kiện hết sức cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tôi cho rằng cần có những chính sách hỗ trợ, quy định cụ thể và nhất quán, dài hạn để doanh nghiệp yên tâm đầu tư chứ không phải chịu ảnh hưởng bởi những chính sách ngắn hạn và chứa nhiều rủi ro cho các doanh nghiệp như trước.

Đồng thời, với mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 thì tất cả các cơ chế hay chính sách đều phải để cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển, chứ không thể yêu cầu quy mô của mặt hàng kinh doanh đó lớn. Vì doanh nghiệp cũng phải từ nhỏ mà "lớn lên" chứ không thể ngay lập tức phát triển.

Thưa ông Trần Quang Thế, cần có những giải pháp cụ thể gì để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ?

Ông Trần Quang Thế - Giám đốc công ty Hoàng Gia Auto

Nếu bây giờ mà tôi bắt đầu khởi nghiệp thì chắc chắn tôi sẽ không chọn ngành kinh doanh ô tô khi có quá nhiều rủi ro về mặt chính sách. Vì vậy, nếu muốn các nhà đầu tư yên tâm kinh doanh, khởi nghiệp thì Chính phủ cần có những chính sách khuyến khích doanh nghiệp hơn nữa.

Các doanh nghiệp ngày nay cũng khác doanh nghiệp trước kia ở điểm cởi mở, muốn đối thoại với Chính phủ về chính sách, quy định,.. Vì vậy, chỉ cần Chính phủ lắng nghe và giúp giải đáp nhưng khúc mắc cho doanh nghiệp thì tôi tin rằng, chúng ta có thể đạt mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, dù điều này là rất khó.

NGUYỄN THẮM

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/doanh-nghiep/kinh-doanh-o-to-doanh-nghiep-vua-va-nho-chua-biet-bao-gio-moi-lon-2063117.html