Kinh doanh lữ hành nội địa và quốc tế sẽ cùng 'một sân chơi'

Đánh giá thẩm tra nội dung về lữ hành trong dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi), Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nêu rõ, Dự thảo đã có một số điều chỉnh cơ bản, đảm bảo sự công bằng giữa kinh doanh lữ hành nội địa và kinh doanh lữ hành quốc tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Du lịch (sửa đổi) tại Quốc hội, chiều 7-11. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Du lịch (sửa đổi) tại Quốc hội, chiều 7-11. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Chiều 7-11, theo chương trình, Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Du lịch (sửa đổi).

Nâng tính chuyên nghiệp cho ba loại lữ hành

Trong Báo cáo thẩm tra, Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu một số nội dung về các loại hình kinh doanh lữ hành; điều kiện kinh doanh lữ hành; địa điểm kinh doanh lữ hành; phí thẩm định, cấp giấy phép kinh doanh lữ hành và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh lữ hành

Theo đó, về các loại hình kinh doanh lữ hành, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo phân chia kinh doanh lữ hành thành ba loại, gồm: đón khách vào (inbound), đưa khách ra (outbound), du lịch nội địa (domestic) và có những quy định phù hợp với đặc thù của từng loại nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng dịch vụ và năng lực cạnh tranh.

Về điều kiện kinh doanh lữ hành, theo Ủy ban, Dự thảo quy định các điều kiện kinh doanh lữ hành còn đơn giản, chưa đáp ứng được tính đặc thù, phức tạp của dịch vụ lữ hành. Quy định như vậy sẽ dẫn đến việc thành lập doanh nghiệp kinh doanh lữ hành tràn lan, không kiểm soát được chất lượng. Do vậy, Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm các điều kiện đặc thù của dịch vụ lữ hành, như điều kiện liên quan đến nhân lực (trình độ, chuyên môn nghiệp vụ của người phụ trách kinh doanh lữ hành; số lượng hướng dẫn viên cơ hữu).

Bên cạnh đó, Ủy ban cũng yêu cầu Ban soạn thảo nghiên cứu lại quy định về địa điểm kinh doanh trong dự thảo. Theo Ủy ban, nếu địa điểm kinh doanh là trụ sở doanh nghiệp thì quy định này là không cần thiết, vì phải có trụ sở thì mới được cấp giấy phép đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Chương II, Luật Doanh nghiệp 2014 rồi; còn nếu là địa điểm tiến hành kinh doanh thì quy định này là cứng nhắc, ảnh hưởng đến tính chủ động của doanh nghiệp.

Theo đó, Ủy ban đề nghị, cần xem lại quy định về giấy tờ chứng minh có địa điểm kinh doanh phù hợp trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh lữ hành. Khái niệm “phù hợp” mang tính chất định tính, dễ dẫn đến tình trạng tùy tiện khi áp dụng vào thực tiễn.

Nêu ý kiến thẩm tra của mình về phí thẩm định, cấp giấy phép kinh doanh lữ hành, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đề nghị Ban soạn thảo rà soát quy định về phí thẩm định, cấp, cấp lại, cấp đổi giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa trong dự thảo Luật với Luật Phí và lệ phí 2015 để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Cho ý kiến về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh lữ hành, Ủy ban cho biết, đa số ý kiến cho rằng quy định về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được phép kinh doanh lữ hành đối với khách du lịch là công dân Việt Nam, người nước ngoài cư trú ở Việt Nam đi du lịch sẽ tạo sự bất bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, không phù hợp với chính sách về đầu tư kinh doanh được quy định trong Luật Đầu tư, không phù hợp với xu hướng hợp tác quốc tế. Do vậy, Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại quy định này.

Tuy nhiên, về nội dung này cũng có một số ý kiến khác lại thống nhất với quy định như dự thảo, và cho rằng trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay cần phải có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam.

Phân quyền mạnh cho địa phương công nhận hạng cơ sở lưu trú

Ý kiến về thẩm quyền công nhận cơ sở lưu trú, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cơ bản nhất trí với đề xuất của Ban soạn thảo phân quyền mạnh hơn cho địa phương trong việc công nhận hạng cơ sở lưu trú. Theo đó, Tổng cục Du lịch thực hiện thẩm định, công nhận hạng đối với cơ sở lưu trú du lịch từ 4 sao trở lên và giao cho cơ quan chuyên ngành ở địa phương thẩm định, công nhận cơ sở lưu trú từ hạng 3 sao trở xuống.

Với nội dung quy định về nguyên tắc tự nguyện trong xếp hạng cơ sở lưu trú, Ủy ban cho rằng, việc xếp hạng cơ sở lưu trú theo nguyên tắc tự nguyện sẽ tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo chất lượng, khó khăn trong việc quản lý, thống kê cơ sở lưu trú, dễ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp tự mạo nhận sao, quảng cáo sai thứ hạng, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách du lịch; tạo kẽ hở về pháp luật và quản lý, tác động tiêu cực đến môi trường kinh doanh du lịch, đến diện mạo và uy tín của ngành. Vì vậy, Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại quy định này.

Thẩm định lại cơ sở lưu trú trong quy định của dự thảo Luật, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nhận, thấy so với Luật Du lịch hiện hành, việc dự thảo bỏ quy định thẩm định để công nhận lại hạng cơ sở lưu trú là chưa phù hợp khi mà tính tự giác của các doanh nghiệp trong việc duy trì, đảm bảo các quy định về giá cả, chất lượng dịch vụ còn chưa cao; lực lượng chức năng thực hiện kiểm tra, giám sát còn quá mỏng. Về quy định này, Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định này và điều chỉnh thời hạn thẩm định cho phù hợp.

Về một số quy định về điều kiện kinh doanh cơ sở lưu trú, Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo bổ sung điều kiện về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực vì đây là hai điều kiện cơ bản, quyết định chất lượng cơ sở lưu trú đồng thời tạo cơ sở pháp lý để quản lý, giám sát chất lượng.

Cho ý kiến về xếp hạng một số cơ sở lưu trú khác và để đảm bảo chất lượng dịch vụ du lịch, Ủy ban đề nghị, đối với các loại hình lưu trú còn lại (trừ quy định xếp 5 hạng đối với khách sạn, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, tàu thủy lưu trú du lịch) thì cần bổ sung quy định đạt tiêu chuẩn, làm căn cứ để áp dụng Bộ Tiêu chuẩn quốc gia về phân loại, xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch.

Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến gồm: 10 Chương, 79 Điều; trong đó, bổ sung 56 Điều, quy định mới 21 Điều và giữ nguyên 2 Điều so với Luật Du lịch (đang có hiệu lực) được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ bảy thông qua ngày 14-6-2005).

THÁI AN

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31195402-kinh-doanh-lu-hanh-noi-dia-va-quoc-te-se-cung-%e2%80%9cmot-san-choi%e2%80%9d.html