Kinh đô điện ảnh Hollywood và hành trình vượt qua nỗi ám ảnh ngày 11/9

Vụ khủng bố làm kinh hoàng nước Mỹ ngày 11/09/2001 từng khiến Hollywood đoạn tuyệt với các bộ phim hành động, chết chóc, đặc biệt không dám tái hiện lại vụ tấn công trên màn ảnh. Nhưng sau đó, ngày 11/9 lại trở thành nguồn cảm hứng, đề tài được khai thác triệt để, giúp điện ảnh Mỹ thành công vang dội.

Thảm họa từ màn ảnh ra đời thực

Những gì đã diễn ra vào ngày 11/09/2001 chẳng khác gì những hình ảnh đi ra từ trí tưởng tượng trong các thước phim Hollywood. Và thực tế những cảnh tượng như vậy đã được nhìn thấy trên màn ảnh rất lâu trước đó. Trung tâm thương mại thế giới tại New York bị phá hủy từng xuất hiện trong ba bộ phim bom tấn cuối những năm 90 thế kỷ trước. Đó là Ngày độc lập (Independence Day), Thảm họa hủy diệt (Deep Impact) và Ngày tận thế (Armageddon)!

Nhưng rồi khi những hình ảnh thảm khốc, chết chóc đó đi từ các bộ phim ra ngoài đời thực, tại chính nước Mỹ, chính nơi đó và gần như theo cách đó, người Mỹ cần gì phải xem chúng trên màn ảnh nữa. Những gì diễn ra trong đời thực đã quá ám ảnh, quá đau thương… Để rồi, những bộ phim với những cảnh quay khoa trương về bạo lực hàng loạt đã biến mất trong lòng điện ảnh Mỹ ngay sau đó.

Các cuộc tấn công ngày 11/9 đã gây ra một cơn địa chấn ngay lập tức cho nền văn hóa đại chúng - chỉ vài giờ sau đó, các hãng phim Hollywood bắt đầu xóa hình ảnh Tòa tháp đôi khỏi áp phích, như các bộ phim Siêu người mẫu (Zoolander), Duyên số (Serendipity), Vỉa hè New York và Những người tôi biết.

Trong những tháng căng thẳng sau đó, nhiều bộ phim về sự kiện 11/9 đã bị trì hoãn, biên tập lại, thay đổi hoặc hủy bỏ hoàn toàn vì sợ làm mất lòng khán giả, khi nước Mỹ vẫn chưa thể vượt qua sự kiện đau thương đó.

Nicolas Cage ở Trung tâm Thương mại Thế giới - Ảnh: EPA

Từ United 93 đến siêu phẩm Worth

Song sau đó vài năm, những gì từng được cho là quá đau thương lại trở thành niềm cảm hứng cho điện ảnh - nếu không trực tiếp, thì cũng là những câu chuyện ẩn dụ, bắt đầu với Thế giới đại chiến (War of the Worlds) của Steven Spielberg vào năm 2005, với những hình ảnh các thành phố bị tàn phá chỉ còn lại đống tro tàn.

Đến năm 2006, 5 năm sau các cuộc tấn công, một số hãng phim đã mạnh dạn tái hiện lại vụ tấn công hơn. Tim Bevan, nhà sản xuất phim Chuyến bay số hiệu 93 (United 93) nhớ rằng, không có bất kỳ sự chỉ phản đối kể nào vào thời điểm khởi quay bộ phim.

Các nhà làm phim trong dự án United 93 đều cho biết họ còn nhận được sự hợp tác và lời chúc từ những gia đình mất người thân trên chiếc máy bay bị cướp cuối cùng. “Nếu họ không muốn tôi làm thì tôi đã không làm phim,” nhà biên kịch Paul Greengrass nói.

United 93 lại tập trung vào các tình tiết, sư kiện về hoạt động kiểm soát không lưu, trụ sở quân đội và đặc biệt “chủ nghĩa anh hùng” khi các hành khách đã ngăn được vụ tấn công, khiến chiến máy bay bị đánh cắp rơi xuống một cánh đồng tại Pennsylvania

Mục đích của bộ phim United 93 là tránh chính trị hóa, “cố gắng và tìm cách kể nó càng đơn giản càng tốt” như lời của Greengrass. “Nếu bạn kể câu chuyện đó một cách trung lập nhất, bạn sẽ thấy những ý nghĩa khác, thay vì khiến sự kiện trở nên phức tạp hơn” .

“Khi mọi người nói còn quá sớm để thực hiện bộ phim, tôi nói không phải quá sớm. Tôi đã làm bộ phim làm với sự cẩn thận nhất, với những tiêu chuẩn cao nhất, chỉn chu nhất, để dành cho những gia đình có người thân bị mất trong vụ việc”, Greengrass kể thêm về hành trình thực hiện bộ phim gây nhiều xúc động cho người xem này.

Stephanie Zacharek, một nhà phê bình phim kỳ cựu ở New York, đánh giá bộ phim “được dàn dựng xuất sắc” và là “trải nghiệm xem phim kinh hoàng nhất trong đời tôi”. Trong khi đó cây bút Peter Bradshaw của The Guardian bình luận rằng về United 93 như một “hành động dũng cảm”.

Một cảnh quay trong phim Worth - Ảnh: AP

“Chủ nghĩa siêu anh hùng” lên ngôi

Để rồi, dần dần sau đó, những nỗi sợ hãi và lo lắng hậu 9/11 đã không còn bị né tránh trong các bộ phim. Ngược lại, đây còn trở thành niềm cảm hứng, một chủ đề được khai thác nhiều nhất và mang lại thành công lớn cho Hollywood. Các bộ phim chủ nghĩa siêu anh hùng đã thống trị phòng vé toàn cầu. Những bộ phim kể về các siêu anh hùng Mỹ chống lại sự các thế lực, thậm chí siêu nhiên, viễn tưởng hay đến từ các hành tinh khác, vô cùng ăn khách.

McSweeney nói: “Nếu bất kỳ thể loại nào phim nào cho thấy rằng cái bóng của ngày 11/9 vẫn còn bao trùm trong nền văn hóa đại chúng thì đó là các bộ phim siêu anh hùng, nơi sự kiện 11/9 tiếp tục được phục dựng và tái hiện”.

Những bộ phim như Biệt đội siêu anh hùng 2: Đế chế Ultron (Avengers: Age of Ultron) đã gợi lên hình ảnh nổi tiếng từ các cuộc tấn công. Nói chung, phim siêu anh hùng như muốn viết lại sự kiện 11/9 trở thành một ngày mà không ai phải chết.

Sau đó, những bộ phim về công chiến chống khủng bố, những chuyến đi tới Afghanistan, tới Trung Đông… của các lực lượng đặc nhiệm Mỹ cũng được khán giả đón nhận, như Lính bắn tỉa Mỹ (American Sniper) của Clint Eastwood vào năm 2014. Bộ phim do Jason Hall viết kịch bản và dựa trên cuộc đời của lính bắn tỉa Chris Kyle đã thu về được tới 547 triệu USD.

Bradley Cooper trong phim "Lính bắn tỉa Mỹ" - Ảnh: Keith Bernstein / AP

Theo các nhà sản xuất, các bộ phim có cốt truyện càng đơn giản, mạch lạc và rõ ràng về mặt đạo đức càng thu hút được người xem. Điều này làm cho bộ phim mới nhất đề cập đến khía cạnh 11/9 có tên Worth (Đáng giá) do Netflix sản xuất và công chiếu mới đây rất được đánh giá cao.

Bộ phim đề cập tới những vấn đề gai góc, những câu chuyện xúc động về những khó khăn, thiệt thòi mà các nạn nhân 11/9 phải chịu, từ lúc nó diễn ra cho cho tới ngày nay; trong đó đặc biệt tập trung lên án cách vận hành các quỹ bồi thường nạn nhân. Worth còn được đánh giá như bộ phim về ngày 11/9 hay nhất cho đến nay.

Hoàng Hải

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/kinh-do-dien-anh-hollywood-va-hanh-trinh-vuot-qua-noi-am-anh-ngay-11-9-post155477.html