Kim cương đang ế ở Trung Quốc

Doanh số bán kim cương đang giảm mạnh tại thị trường Trung Quốc. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do người trẻ không muốn kết hôn.

Doanh số kim cương đang sụt giảm tại thị trường tiêu dùng đá quý lớn thứ hai thế giới. Ảnh minh họa: Lifestyle Asia.

Sự phục hồi doanh số bán kim cương tại Trung Quốc đã bị đình trệ sau khi cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, các biện pháp hạn chế Covid-19 đã dẫn đến tình trạng không có nhiều người đính hôn, việc này ảnh hướng trực tiếp đến thị trường tiêu dùng đá quý lớn thứ hai thế giới, theo Financial Times.

Không còn mặn mà với kim cương

Theo dữ liệu từ Paul Zimnisky, một công ty phân tích kim cương độc lập, cho thấy doanh số bán trang sức kim cương đã giảm 3% trong năm ngoái, xuống còn 12,8 tỷ USD ở Trung Quốc, bao gồm Hong Kong, Ma Cao và Đài Loan.

Ngành công nghiệp đá quý từng hy vọng rằng Trung Quốc sẽ là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất. Tuy nhiên doanh số đã sụt giảm trong 2 năm liên tiếp.

Do đó, các nhà sản xuất và thương nhân trong ngành dự đoán giá của kim cương thô tự nhiên sẽ tiếp tục giảm mạnh trong năm nay.

Kim cương không còn hấp dẫn đối với người tiêu dùng Trung Quốc. Ảnh minh họa: Bluestone

Al Cook, giám đốc điều hành của De Beers, công ty khai thác kim cương lớn nhất thế giới tính theo giá trị, cho biết nhu cầu của Trung Quốc đã bị kéo xuống do sự suy giảm những người mua nhà mới. Theo văn hóa Trung Quốc, khi mua nhà, mọi người thường mua thêm đá quý.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang mua trang sức bằng vàng. Ngoài ra, nguyên nhân còn đến từ việc sau nhiều năm phong tỏa vì đại dịch các cặp đôi không thể gặp nhau hay tiến đến hôn nhân.

“Chúng ta cần phải thấy những yếu tố đó được giải quyết. Nhưng thành thật, tôi nghĩ việc đó sẽ mất nhiều thời gian hơn mọi người nghĩ. Các vấn đề của người tiêu dùng Trung Quốc dường như sẽ kéo dài trong một thời gian nữa”, Cook nói với Financial Times.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cũng đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng kéo dài nhiều năm trong lĩnh vực bất động sản, cũng như tình trạng giảm phát và tâm lý nhà đầu tư kém.

Kết hôn cũng không cần kim cương

Giá kim cương đánh bóng tự nhiên đã giảm 18% trong năm ngoái, theo WWW International Diamond Consultants. Nguyên nhân đến từ nhu cầu của Trung Quốc giảm, cộng với việc người tiêu dùng Mỹ chuyển sang dùng kim cương nhân tạo có giá rẻ hơn thay vì kim cương tự nhiên.

Các nhà phân tích cho biết người tiêu dùng Trung Quốc vẫn rất ưa chuộng kim cương tự nhiên, nhưng một số nhà bán lẻ đang bị nghi ngờ bán đá nhân tạo nhưng lại quảng cáo đó là đá quý tự nhiên được khai thác.

Nikunj Haresh Dobariya, nhà bán kim cương Zuri (Hong Kong), cho biết nhu cầu về kim cương tự nhiên của Trung Quốc đã giảm tới 50% về số lượng so với mức trước đại dịch.

“Hiện tại rất khó khăn để kinh doanh kim cương ở Trung Quốc. Tôi dự đoán sẽ phải mất thêm một năm nữa để nhu cầu quay trở lại”, ông nhận định.

Các yêu cầu giãn cách xã hội, ảnh hưởng từ đại dịch cũng góp phần khiến thị trường kim cương Trung Quốc yếu đi.

Theo Bộ Nội vụ, chỉ có 6,8 triệu cặp đôi kết hôn ở Trung Quốc vào năm 2022, giảm so với mức đỉnh 13,5 triệu vào năm 2013. Các nhà phân tích cho biết tình hình này vẫn sẽ tiếp tục kéo dài do dân số Trung Quốc giảm.

Lai Ming Yii, giám đốc nghiên cứu của công ty tư vấn Daxue, có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết người tiêu dùng trẻ tuổi chọn cuộc sống độc thân để phát triển nghề nghiệp vì họ thiếu nguồn tài chính cho hôn nhân.

Những người quyết định kết hôn cũng tránh xa kim cương. Ảnh minh họa: Glamour UK.

Thậm chí những người quyết định kết hôn cũng tránh xa kim cương. Bobo Liang (25 tuổi, Nam Kinh) là một trong nhiều phụ nữ Trung Quốc dự định kết hôn nhưng lại không cần nhẫn đính hôn trong ngày trọng đại.

“Nền kinh tế đang chậm lại, tôi không dám kỳ vọng về thu nhập cao trong tương lai. Tôi tránh xa những thứ mất giá trị ngay khi mua chúng”, Bobo Liang nói.

Theo nghiên cứu của công ty tư vấn Bain & Company, nhu cầu kim cương giảm đã cản trở sự phục hồi của thị trường xa xỉ Trung Quốc, vốn đã tăng 12% vào năm 2023, nhờ hoạt động mua sắm thời trang, trang sức và túi xách.

Người tiêu dùng Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến trang sức bằng vàng như một cách an toàn để cất giữ tài sản.

Hiệp hội Vàng Trung Quốc cho biết doanh số bán trang sức vàng tăng 7,97% vào năm 2023. Doanh số này được thúc đẩy nhờ sự đổi mới và thiết kế nhẹ của các sản phẩm trang sức vàng.

Theo dữ liệu thương mại của Thụy Sĩ, nhu cầu của Trung Quốc tiếp tục tăng trước dịp Tết Nguyên đán đã giúp xuất khẩu vàng của Thụy Sĩ đạt mức cao nhất trong 7 năm qua.

Thiên An

Nguồn Znews: https://znews.vn/kim-cuong-dang-e-o-trung-quoc-post1465876.html