Kiếp nào có yêu nhau?

Có 8.000 lớp nhân duyên trong kiếp trước thì kiếp này mới một lần đi qua phố mà có thể chạm nếp áo vào nhau. Có thật thế không? Khi ta còn đặt ra tình thế như vậy, nghĩa là ta còn tin vào định mệnh. Trong một bối cảnh phim hiện đại, con người sống giữa nhiều phép tính của lý trí, định mệnh vừa là chìa khóa giải mã bất hạnh nhưng cũng là sự an ủi, nương tựa để chữa lành, giúp con người chấp nhận hiện tại mà mình đã chọn lựa hoặc cách nào đó, phải chu đáo với một chọn lựa.

Có thể mượn câu hát trong bài hát cùng tên của nhạc sĩ Phạm Duy Kiếp nào có yêu nhau? để nói về cái dư âm khó gọi thành tên khi xem Past Lives (tựa tiếng Việt là Muôn kiếp nhân duyên) của đạo diễn Canada gốc Hàn Quốc Celine Song: “Kiếp nào có yêu nhau, thì xin nhìn đến mai sau…”

Điểm chạm của “in-yun”

“In-Yun”, trong tiếng Hàn, tức, Nhân Duyên là cái tứ để câu chuyện tình giản dị này được nhà làm phim khai triển một cách cuốn hút.

Hea Sung và Nora, hai đứa bé 12 tuổi có cuộc sống êm đềm tại Seoul, từng có cảm xúc đặc biệt dành cho nhau – kiểu cảm xúc yêu thương của thuở thiếu thời. Mọi thứ trở nên hẫng hụt khi Nora phải theo gia đình ra đi. Mọi thứ tưởng chừng cắt đứt và vùi chôn. Nhưng mãi đến hơn 20 năm sau thì họ lại gặp nhau ở New York trong tình cảnh “nghìn trùng xa cách”: cô gái đã có chồng và chàng trai vẫn đi tìm cách nối lại một sợi dây tình vương trong tâm tưởng.

Chuyện chỉ có vậy. Nhưng ta lại thấy khả năng “chạm” vào sâu thẳm tâm hồn mình, là cảm xúc thổn thức, là những khoảnh khắc dịu dàng tha thiết khó nói thành lời.

Thực ra, đã có một cuộc “gặp” khác giữa họ, khi họ là những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi. Hea Sung tìm cách liên hệ với Nora qua mạng. Những kết nối qua tin nhắn và cuộc gọi đầy bồi hồi, tưởng đã nối kết họ trở lại. Nhưng lúc bấy giờ Nora đang theo đuổi giấc mơ trở thành một nhà văn ở New York, cô phải sống cho hiện tại của mình còn Hea Sung thì chưa thể bỏ chương trình học kỹ thuật cơ khí để đến New York gặp lại Nora.

Nhân duyên, một triết lý nhà Phật lại được tìm thấy và phát ngôn bởi một chàng trai Mỹ gốc Do Thái, Arthur. Arthur gặp gỡ và yêu Nora từ một trại sáng tác dành cho các nhà văn triển vọng; anh tìm cách học tiếng Hàn để hiểu vợ và cố cắt nghĩa sự gắn kết trong mối quan hệ vợ chồng. Anh cũng là người lắng nghe được trong giấc mơ, vợ mình thường nói thứ tiếng mẹ đẻ. Người ta để thành vợ chồng thì trải qua gấp bội lần 8.000 lớp nhân duyên – anh ta củng cố niềm tin như thế dù cuộc hôn nhân giữa họ khá nhanh chóng và lý trí “kiểu Mỹ”, là để tiết kiệm chi phí ăn ở đắt đỏ (đối với đôi uyên ương làm nghề nhà văn) ở New York và để Nora sớm có thẻ xanh…

New York hiện đại, quyến rũ bằng những lớp nhà cao tầng ken kín, tượng Nữ thần Tự do, cầu Brooklin…, tất cả choáng ngợp, có phần hào nhoáng trong cuộc du ngoạn ngắn ngày của chàng trai Hàn Quốc. Ở Hea Sung toát lên vẻ phong nhã của một thanh niên phương Đông hiện đại, quyến rũ, trầm tĩnh trong cuộc kiếm tìm, nối dài một xúc cảm mà anh biết chắc không thể tựu thành một điều gì.

Cuộc dạo chơi, ánh mắt tình tứ, câu chuyện giữa họ đã mở ra những tưởng tượng về tiền kiếp và hậu kiếp, để minh giải cho hiện tại và cũng để chấp nhận sống cho hiện tại.

“Liệu kiếp trước chúng ta là gì?”, Hea Sung hỏi. “Có khi chỉ là một bóng chim đậu vào cành cây…”, Nora đáp. “Và kiếp sau chúng ta sẽ là gì?”, “Em không thể biết”, “Anh cũng không thể biết được…”

Cuộc tiếp chạm nhẹ nhàng đó, về nhân duyên, về định mệnh khiến bộ phim hấp dẫn bởi sự tiết chế và chậm rãi, hướng nội.

Màu của lặng im

Diễn xuất bằng ánh mắt, đó là những gì khiến khán giả bị chinh phục khi xem bộ phim này. Các trường đoạn tạo những “lớp cửa” đan xen được “thiết kế” tài tình. Có thể lấy ví dụ, cuộc gặp giữa Arthur, Nora và Hea Sung trước khi Hea Sung rời New York tạo ra thứ ẩn ngữ đầy lôi cuốn. Câu chuyện riêng, chung, giao thoa giữa họ được các cú máy chuyển và phân cảnh kể đầy ý tứ. Vẻ mặt âu lo, thẫn thờ, và cả ngơ ngác nữa của Arthur khi biết vợ đứng trước một cơn sóng mà anh vừa cùng đương đầu vừa cần một khoảng cách. Sự che đậy và công khai trong cách chuyện trò và nhìn ngắm nhau giữa Nora và Hea Sung là biểu đạt một thứ tình cảm vi tế, mà không cần đến con mắt nhạy cảm của Arthur – nhà văn, ta cũng có thể cảm nhận thấy sâu xa.

Không đặt nhân vật vào những chọn lựa khốc liệt, một cú máy dài sang trái để chia tay và một cú máy dài sang phải để trở về khiến người xem nấc nghẹn và vỡ òa theo nhân vật.

Có 500 lần ngoái nhìn nhau trong kiếp trước thì kiếp này mới một lần đi qua và chạm nếp áo vào nhau. Có thật thế không? Khi ta còn đặt ra tình thế như vậy, nghĩa là ta còn tin vào định mệnh. Trong một bối cảnh phim hiện đại, con người sống giữa nhiều phép tính của lý trí, định mệnh vừa là chìa khóa giải mã bất hạnh nhưng cũng là sự an ủi, nương tựa để chữa lành, giúp con người chấp nhận hiện tại mà mình đã chọn lựa hoặc cách nào đó, phải chu đáo với một chọn lựa.

Một chút Vương Gia Vệ trong Tâm trạng khi yêu, một chút Park Chan-wook trong Quyết tâm chia tay, một chút Michael Curtiz trong Casablanca…, Celine Song chạm vào tình cảm người xem bằng một bộ phim tình tứ, chậm buồn và mê đắm.

Cũng như những bài thơ đẹp thường đi theo một nhịp chậm, tiết chế, mở ra những khoảng trống mênh mông giữa những ký tự, một bộ phim nhiều dư vị cũng vậy, các scene tinh tế sẽ đánh thức những rung động không lời trong tâm tưởng của mỗi người xem phim.

Nguyễn An Nam

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/kiep-nao-co-yeu-nhau/