Kiến trúc phục vụ cộng đồng: Đường dài và rộng mở

Với thông điệp đặc biệt về triết lý 'kiến trúc hạnh phúc' và những công trình kiến trúc vì cộng đồng, kiến trúc sư (KTS) Hoàng Thúc Hào được xem là 'cánh chim' đầu đàn trong việc xây dựng những công trình cộng đồng cho đồng bào miền núi, khu vui chơi dành cho trẻ em... PV Báo Đại Đoàn Kết có cuộc trò chuyện với KTS Hoàng Thúc Hào.

KTS Hoàng Thúc Hào.

PV: Với hơn 25 năm theo đuổi và phát triển kiến trúc phục vụ cộng đồng, đâu là động lực để ông vượt qua được hành trình đầy gian khó này?

KTS Hoàng Thúc Hào: Kiến trúc phục vụ cộng đồng với tôi là một cơ duyên, và điều quan trọng là bản thân mình thích. Cá nhân tôi thích yếu tố gắn với với lịch sử và văn hóa, trong khi đó những kiến trúc xã hội cộng đồng hay được chú ý và đẩy mạnh lên. Và dần dần yếu tố đó càng tập trung và hướng về những câu chuyện văn hóa và cộng đồng. Tuy nhiên, quá trình phát triển gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn ban đầu là nhân lực, sau đó là định hướng về phong cách, mục tiêu.

Đồng thời cũng có thêm nhiều người đồng cảm chia sẻ, kể cả những tổ chức xã hội trong nước và quốc tế. Bởi câu chuyện kiến trúc xã hội cộng đồng thực ra vô cùng rộng, đó có thể là một không gian quảng trường, sân chơi trẻ em, nhà sinh hoạt cộng đồng, không gian chơi của trường mầm non, khu vực nông thôn mới, khu nhà công nhân...

Việc xây dựng các công trình công cộng tại các vùng miền núi luôn đặt ra nhiều thách thức. Phải chăng đã có rất nhiều thử nghiệm về kiến trúc để có được thành công như ngày hôm nay? 

- Kiến trúc luôn cần tới sự thử nghiệm, từ đơn giản đến phức tạp.  Tuy nhiên, những sản phẩm kiến trúc cộng đồng cần một yếu tố cốt lõi, cho dù đổi mới bao nhiêu cũng phải gắn với thực tế của sự giản dị, phù hợp với hiểu biết, mức sống và điều kiện của người dân nghèo vùng núi.

Đơn giản chỉ là làm cách nào chế tạo được viên gạch đất trong trường Lũng Luông để có thể vừa tiết kiệm được thời gian xây dựng đồng thời viên gạch đó đủ mát, đủ độ cứng để cách nhiệt, chống thấm, chịu lực. Chúng tôi phải chế ra một máy ép gạch. Chất liệu gạch được trộn với tỉ lệ phụ gia nhất định đã được thí nghiệm của Viện Khoa học vật liệu.

Ở vùng sâu, vùng xa nếu chúng ta vận chuyển gạch vào để xây dựng công trình thì giá thành sẽ tăng lên nhiều lần. Phương pháp tốt nhất là có thể dùng được chính đất ở đó làm nguyên liệu và chuyển máy ép gạch vào.

Trường Tiểu học Lũng Luông (Thái Nguyên)- một trong những kiến trúc phục vụ cộng đồng tiêu biểu của KTS Hoàng Thúc Hào và cộng sự.

Các thiết kế của ông luôn mong muốn mang đến hạnh phúc cho mọi người. Vậy đâu là lý do để ông chọn triết lý “kiến trúc hạnh phúc” làm kim chỉ nam cho các công trình thiết kế của mình? 

- Quan điểm kiến trúc hạnh phúc của tôi có 3 phần gồm KTS hạnh phúc, Công trình hạnh phúc và người sử dụng hạnh phúc. Toàn cầu hóa mang lại những giá trị vô cùng lớn, nhưng mặt trái của quá trình này là làm mất đi sự đa dạng. Triết lý Kiến trúc bắt nguồn từ châu Âu. Ở đó các học thuyết, tư tưởng từ châu Âu lan tỏa ra khắp thế giới. Thế nhưng châu Âu không có Ấn Độ giáo, Hồi giáo… cũng không có người Tày, người Nùng như chúng ta.

Trong khi đó những cộng đồng ấy đang nắm giữ một trữ lượng kho báu văn hóa khổng lồ, đóng góp vào sự đa dạng của loài người. Kiến trúc của chúng tôi bảo vệ sự đa dạng đó. Muốn như vậy thì KTS phải có sự dấn thân, làm kiến trúc cho cộng đồng người nghèo. Nhà nước và các tổ chức xã hội ở Việt Nam cũng như các nước khác mới chỉ đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của người dân như làm ra các khu tái định cư, những vùng xóa nghèo, chống lũ.

Để phát triển những khu vực nông thôn đó có bản sắc rất khó, dường như là xa xỉ vì hầu hết những dự án đó được thực hiện với tốc độ nhanh và khối lượng lớn. Chính vì thế các kiến trúc sư phải dấn thân để dần dần tác động đến chính sách nhà nước nhằm thay đổi các nghị định, luật, đồng thời truyền cảm hứng cho xã hội.

Với tôi kiến trúc hạnh phúc là điều sẽ hướng đến có lẽ hết cả cuộc đời. Bởi có lẽ hai phần ba người dân trên thế giới tự làm kiến trúc. Và để làm ra những công trình hạnh phúc bền vững thì sản phẩm hôm nay phải xứng đáng là hạt nhân của những truyền thống mới cho ngày mai. Nên tôi nghĩ con đường này sẽ còn rất dài và rộng mở.

Bên cạnh đó, tôi cũng nghĩ rằng mỗi khu vực và cộng đồng, người dân ở đó cũng có quyền cất tiếng nói riêng của họ trong xã hội hiện đại qua văn hóa nói chung và kiến trúc nói riêng. Nhưng cộng đồng đó đa phần là những nhóm người yếm thế. Do đó, công việc của tôi cùng với rất nhiều người và tổ chức xã hội khác là cố gắng tìm kiếm cùng với chính cộng đồng địa phương xác lập tiếng nói của họ qua kiến trúc.

Trân trọng cảm ơn ông!

Minh Sơn (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/van-hoa/kien-truc-phuc-vu-cong-dong-duong-dai-va-rong-mo-383421