Kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô

(baodautu.vn) Thông điệp dường như lại một lần nữa được Chính phủ đưa ra. Đó là không có chuyện nới lỏng chính sách, mà sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để ổn định kinh tế vĩ mô.

Có thể nói, đó là một động thái rất cần thiết và quan trọng, khi các dấu hiệu bất ổn vĩ mô, như lạm phát, nhập siêu... vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Thực tế cho thấy, khi nền kinh tế phục hồi khá rõ nét, với tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 9 tháng đầu năm ở mức 6,52% và dự báo, cả năm có thể đạt 6,7%, thì cũng bắt đầu xuất hiện quan điểm cho rằng, nên nới lỏng chính sách để thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, nên hay không, khi chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 đã tăng tới 1,31% so với tháng trước đó, khiến lạm phát trong 9 tháng đầu năm tăng lên mức 6,46%? Trong khi đó, các yếu tố khiến giá cả tăng cao vẫn tiềm ẩn trong những tháng cuối năm, khả năng hoàn thành mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 7 - 8% trong năm nay khá bấp bênh... Nên hay không, khi nhập siêu vẫn khá căng thẳng (dự báo nhập siêu khoảng 13,5 tỷ USD trong năm nay), tác động lên cán cân thanh toán quốc tế, qua đó gây áp lực lên tỷ giá, ảnh hưởng tới giá cả thị trường trong nước...? Câu trả lời dường như đã rõ, khi mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị về việc tăng cường thực hiện các biện pháp bình ổn giá cả, thị trường trong những tháng cuối năm. Hàng loạt nhiệm vụ cụ thể đã được giao cho các bộ, ngành, địa phương. Chẳng hạn, Bộ Công thương rà soát lại năng lực sản xuất, hệ thống cung ứng để có phương án cụ thể bảo đảm cân đối cung - cầu các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng từ nay đến hết năm 2010 và nhu cầu hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Tân Mão 2011. Bộ Tài chính chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát các yếu tố hình thành giá và việc xác định giá bán các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, nhất là các mặt hàng thuốc chữa bệnh, sản phẩm sữa, thép xây dựng - vật liệu xây dựng, khí ga... Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước cũng phải nghiên cứu để có chính sách, cơ chế phù hợp cho phép các ngân hàng thương mại có thể rút nhanh tiền ra khỏi lưu thông để giảm bớt áp lực tăng giá, nhất là vào dịp cuối năm, khi khối lượng thanh toán các công trình, dự án được thực hiện với mật độ cao và dịp lễ, tết khi lượng tiền thưởng, tiền lương được chi trả với khối lượng lớn... Nếu đặt lên bàn cân hai mục tiêu tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, thì dường như, cán cân đang nghiêng hơn về mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Điều này là rất đáng hoan nghênh, bởi các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đã luôn nhắc tới sự thận trọng cần thiết của Chính phủ trong việc lựa chọn chính sách. Nếu sớm nới lỏng chính sách, kinh tế vĩ mô thiếu sự ổn định, thì hệ lụy tới nền kinh tế là khôn lường. Nới lỏng chính sách, nền kinh tế có thể tăng trưởng cao trong ngắn hạn, nhưng kéo theo đó là bất ổn vĩ mô và điều đó có thể sẽ khiến nền kinh tế tụt dốc trong trung và dài hạn. Trong khi đó, điều mà nền kinh tế Việt Nam đang hướng tới là tăng trưởng ổn định và vững bền. Bởi thế, kiểm soát giá cả thị trường trong những tháng cuối năm không hẳn chỉ vì mục tiêu kiềm chế lạm phát trong năm nay, mà còn là sự chuẩn bị cho năm 2011 và những năm tiếp theo, cho mục tiêu tăng trưởng trung và dài hạn. Quyết tâm lớn là điều nhìn thấy rõ từ thông điệp của Chính phủ. Vấn đề còn lại phải trông chờ vào sự quyết liệt thực thi của các bộ, ngành, địa phương, cũng như sự ủng hộ của người dân.

Nguồn Đầu Tư: http://www.baodautu.vn/portal/public/vir/baivietkinhtedautu/repository/collaboration/sites%20content/live/vir/web%20contents/chude/kinhtedautu/chinhsachvimo/b3349d017f00000101065e09f53269be