Kiến tạo làn sóng xuất khẩu lần 2

Thị trường hàng hóa thế giới đang có sự thay đổi mạnh mẽ, thế nhưng cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn chưa có sự bứt phá. Vì vậy, cần một cuộc kiến tạo làn sóng xuất khẩu lần 2 để thay đổi năng lực cạnh tranh của sản phẩm, nâng tầm thương hiệu, hình ảnh quốc gia.

Đó là nhận định của ông Nguyễn Phú Hòa, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tại Diễn đàn xuất khẩu 2017 do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) vừa tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.

Xuất khẩu 7 tháng tăng trưởng tốt

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, xuất khẩu 7 tháng tăng trưởng 18,7% so với cùng kỳ. Có 20 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó có 8 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD. Xuất khẩu vào các nước có Hiệp định thương mại tự do ngày càng tăng cao cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội Hiệp định mang lại.

Chế biến điều xuất khẩu tại Công ty Nhật Huy (tỉnh Bình Dương). Ảnh: Đình Huệ

Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều tăng trưởng tốt. Xuất khẩu gạo trong 7 tháng đạt gần 3,5 triệu tấn (tăng 18,6% so với cùng kỳ 2016), trị giá đạt hơn 1,5 tỷ USD (tăng 16,5% so với cùng kỳ). Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã đặt mục tiêu xuất khẩu gạo cả năm đạt khoảng 5,7 triệu tấn, tăng 800 nghìn tấn so với năm 2016. Các mặt hàng khác như thủy sản, rau củ quả, cà phê, tiêu… đều có mức tăng trưởng khá.

Tại Diễn đàn, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) đánh giá, hàng xuất khẩu Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ chủ yếu vẫn là quần áo, giày dép… nhưng thời gian gần đây có nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng, chứng tỏ Việt Nam đã thành công trong thay đổi dây chuyền cung ứng, gia tăng giá trị cho sản phẩm.

Tuy vậy, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng, khả năng cung ứng của doanh nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế. Ông Yasuo Nishitohge, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Aeon Việt Nam cho biết, nhiều sản phẩm Việt Nam rất được ưa chuộng tại Nhật. Thông qua hệ thống siêu thị Aeon, năm vừa qua mặt hàng cá tra xuất khẩu vào Nhật là gần 1.500 tấn, trị giá hơn 8 triệu USD. Xoài, dù chỉ mới thâm nhập thị trường Nhật nhưng rất được người tiêu dùng nước này ưa thích. Trong năm 2016, chỉ riêng hàng may mặc và đồ dùng gia đình Nhật Bản nhập khẩu trị giá 600 triệu USD. Có 687 nhà cung cấp nước ngoài cung ứng mặt hàng này, nhưng chỉ có 50 doanh nghiệp Việt Nam tham gia cung ứng với giá trị khoảng 28,4 triệu USD, trong khi đó Trung Quốc có 430 nhà cung ứng với giá trị chiếm khoảng 400 triệu USD. Đại diện một số doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng, hàng Việt Nam hoàn toàn có cơ hội tăng sản lượng xuất khẩu nếu tập trung vào chất lượng cũng như tạo sự khác biệt cho sản phẩm.

Thay đổi để thích ứng

Theo dự báo của Bộ Công Thương, xuất khẩu cả năm 2017 sẽ đạt khoảng 200 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ. Dự báo xuất khẩu năm 2017 và 2018 sẽ tiếp tục xu hướng tăng trưởng, tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, chủ yếu là xuất thô, nghiêng về số lượng. Theo ông Nguyễn Phú Hòa, hiện làn sóng xuất khẩu lần thứ 1 theo mô hình này đã đến ngưỡng, vì vậy cần một cuộc kiến tạo làn sóng xuất khẩu lần 2 để cải thiện năng lực cạnh tranh của sản phẩm.

Ông Nguyễn Phú Hòa phân tích tình hình thế giới đang có nhiều biến đổi lớn nên các thách thức đến từ bên ngoài rất nhiều. Điển hình như việc Hoa Kỳ nêu quan điểm về bảo hộ sản xuất trong nước, đặt ra các rào cản kỹ thuật với hàng nhập khẩu. Khó khăn có thể thấy trước mắt là cơ quan Thanh tra an toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đang chuẩn bị áp dụng Chương trình giám sát cá da trơn. Theo đó, các tiêu chuẩn, quy định mới do Chương trình này đặt ra rất cao sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu. Ngoài ra Châu Âu cũng sẽ tiếp tục giám sát chặt về xuất xứ hàng hóa cũng như các vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Một thị trường lớn khác của Việt Nam là Trung Quốc cũng đang tái cơ cấu, tập trung vào thị trường nội địa, tự sản xuất để đáp ứng các nhu cầu trong nước, như trồng đại trà Thanh Long để giảm nhập khẩu từ Việt Nam…

Trong khi đó, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động hết sức mạnh mẽ, làm thay đổi sâu sắc phương thức sản xuất, quản trị xã hội, dịch vụ, thương mại… Theo ông Hòa, thế giới đang tiến quá nhanh vào tự động hóa, robot hóa, trí thông minh nhân tạo… làm cho chiến lược phát triển của các nước dựa vào thu hút đầu tư nước ngoài và lợi thế lao động giá rẻ có nguy cơ phá sản. Những diễn biến trên sẽ tạo ra những khoảng cách lớn và rủi ro khó tránh khỏi cho doanh nghiệp Việt Nam nếu không mau chóng thay đổi.

Theo các diễn giả tại Diễn đàn xuất khẩu 2017, để đáp ứng được những thay đổi trên thị trường thế giới, về phía doanh nghiệp cần có những sản phẩm khác biệt, có chất lượng, đặc biệt cần áp dụng công nghệ, thay đổi quy trình sản xuất. Về phía Chính phủ, tập trung thực hiện tốt cải cách môi trường kinh doanh để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, đáp ứng được các yêu cầu thị trường đang thay đổi.

Đặng Loan

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/875227/kien-tao-lan-song-xuat-khau-lan-2