Kiên quyết xử lý xây dựng không phép, sai phép

Ngày 5-8, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã chủ trì hội nghị sơ kết tình hình thực hiện quản lý trật tự xây dựng 7 tháng đầu năm 2017 trên địa bàn TP.

Hội nghị đã nêu ra nhiều giải pháp xử lý nhằm ngăn chặn hiệu quả vấn nạn này.

Không phép, sai phép tăng vì… sốt đất

Hai địa phương có tỷ lệ xây dựng không phép, sai phép tăng cao so với năm ngoái là quận 9 và huyện Củ Chi. Ông Hoàng Minh Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND quận 9, cho biết, đầu năm đến nay trên địa bàn quận có 63 trường hợp xây dựng không phép, tăng 51 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái. Sai phạm tập trung ở các phường có diện tích rộng như Long Phước, Long Trường, Trường Thạnh. Sự gia tăng đột biến của người lao động ngoại tỉnh đã kéo theo nhu cầu nhà ở. Cơn sốt đất vừa qua có một phần nguyên nhân từ việc người dân nhập cư mua giấy tay, xây nhà trên đất biền rạch, đất quy hoạch cây xanh, hành lang an toàn rạch; dẫn đến xây dựng không phép tăng đột biến, chiếm hơn 50%. Một số trường hợp xây dựng không phép xảy ra trên đất thuộc quy hoạch khu trung tâm hành chính quận, vì quy hoạch này kéo dài gần 20 năm, đến lúc người dân sửa chữa nhà không được buộc phải xây mới, dẫn đến xây dựng không phép. Một nguyên nhân nữa là một số nhân viên đội trật tự đô thị quận xin nghỉ vì lương quá thấp.
Tại huyện Củ Chi, chỉ 7 tháng đầu năm có 209 trường hợp xây dựng không phép, tăng 139 trường hợp so với 2016. Bên cạnh sự gia tăng đột biến của người nhập cư, việc xây dựng không phép diễn ra còn bởi quy hoạch treo. Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cho biết: Tình trạng xây dựng không phép tăng ở 5 xã thuộc quy hoạch khu đô thị Tây Bắc Củ Chi, với 144 trường hợp. Vì quy hoạch hiện nay là cây xanh, không thể cấp phép xây dựng trong khi nhu cầu xây nhà của dân là thật, không cho họ cũng lén làm.

Báo cáo tại hội nghị, ông Lý Thanh Long, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP, công bố số liệu cho biết, 7 tháng đầu năm phát hiện 1.925 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, tăng 216 trường hợp so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, xây dựng sai phép có 686 trường hợp, tập trung tại các quận 7, 9 và huyện Hóc Môn. Xây dựng không phép có 957 trường hợp, tăng 107 trường hợp so với cùng kỳ, tập trung ở quận 9, huyện Củ Chi, Cần Giờ. Trong đó, quyết định xử phạt vi phạm hành chính các trường hợp vi phạm với tổng số tiền 20,1 tỷ đồng. Ngoài ra, 5 cán bộ thuộc một số đội thanh tra địa bàn quận, huyện cũng đã bị buộc thôi việc, cảnh cáo, khiển trách… do để xảy ra tình trạng xây dựng không phép, sai phép.

Áp dụng cấp phép trực tuyến ngay trong tháng 10

Giải pháp từ nay đến cuối năm, theo Giám đốc Sở Xây dựng TP Trần Trọng Tuấn là “xử lý triệt để và kịp thời”. Sở và các quận, huyện, phường, xã phải kiên quyết xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng. Đặc biệt là các công trình xây dựng không phép phức tạp, như dự án Thảo Điền Saphire (quận 2), hoặc việc chuyển đổi công năng nhà cao tầng, sở sẽ phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra để phát hiện, ngăn ngừa, xử lý ngay từ đầu các công trình xây dựng không phép; công khai minh bạch trong xử lý…

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến khẳng định, muốn hạn chế xây dựng sai phép, không phép, thì trước hết thủ tục cấp phép phải tốt, nhanh hơn, ít phiền hà nhũng nhiễu hơn. Phải có giải pháp xử lý răn đe, nếu cần có thể khởi tố hình sự đối với các trường hợp đầu nậu lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi, phân lô hạ tầng không hoàn chỉnh, có khi không có hạ tầng để người nghèo mua đất xây nhà không phép. Đồng chí Trần Vĩnh Tuyến cũng lưu ý Sở Xây dựng cần áp dụng công nghệ kỹ thuật để quản lý nhiều hơn, tốt hơn; cần người giỏi để quản lý chứ không cần số lượng. Về giải pháp cụ thể, yêu cầu Sở Xây dựng trong tháng 8 này trình UBND TP ký phê duyệt Đề án cấp phép xây dựng trực tuyến. Theo đó, sẽ làm 2 hình thức, vừa thủ công vừa trực tuyến, liên thông nội bộ; tiến tới liên thông điện tử và chấm dứt việc chuyển bằng văn bản hành chính, tức là chủ đầu tư chỉ biết mỗi Sở Xây dựng. Đối với các quận - huyện, chậm nhất là cuối tháng 10 tới phải có dịch vụ cấp phép xây dựng nhà riêng lẻ trực tuyến, nếu không phải giải trình với UBND TP.

Đồng chí Trần Vĩnh Tuyến nói: “Việc này các nước trên thế giới làm rồi. Căn cứ theo chỉ tiêu quy hoạch, các quy định của nhà nước thì đăng ký xây dựng, chứ không cấp phép. Quá trình xây dựng sẽ tiến hành kiểm tra, nếu đúng sẽ xây dựng bình thường. Đây cũng là giải pháp thông thoáng cho việc cấp phép xây dựng”. Ngoài ra, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu Sở Nội vụ phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông trong tháng 9 năm nay phải hoàn thành việc nhân rộng mô hình giám sát của quận Bình Thạnh đến 23 quận - huyện: người dân sử dụng điện thoại thông minh ghi hình ảnh xây dựng không phép, lấn chiếm lòng lề đường gửi về cho lãnh đạo quận huyện, giám đốc sở để nắm bắt, xử lý. Đối với quản lý sau cấp phép, Sở Xây dựng, các quận - huyện có phân tích, đánh giá tình hình để tìm ra giải pháp ngăn ngừa, kiểm soát và xử lý…

4 khu vực phải thực hiện nghiêm lập lại trật tự lòng lề đường

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBNDTP Trần Vĩnh Tuyến chỉ đạo các địa phương phải nghiêm túc thực hiện việc lập lại trật tự lòng lề đường. Phải phối hợp đồng bộ trong công tác tuyên truyền, giám sát của người dân, mặt trận đoàn thể; kiên quyết, kiên trì, giữ được trật tự, nơi nào mất trật tự thì xử lý nghiêm. Có 4 khu vực phải xử lý nghiêm: khu vực ảnh hưởng giao thông (dành cho đi bộ, phương tiện giao thông) như chợ tự phát, buôn bán kinh doanh lấn chiếm; khu vực phản cảm như quán nhậu; khu vực mua bán kinh doanh gây mất trật tự, mất vệ sinh; các bãi giữ xe trên vỉa hè (trừ các trường hợp sau: những hoạt động lễ lớn như đường hoa Nguyễn Huệ; trụ sở cơ quan nhà nước giải quyết thủ tục hành chánh cho người dân; hoặc những nơi giải quyết các dịch vụ phục vụ người dân như điện, nước, bưu điện… vì lý do nào đó phải giữ xe tạm, nhưng có lộ trình đến hết năm nay sẽ không thu tiền giữ xe).

LƯƠNG THIỆN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/kien-quyet-xu-ly-xay-dung-khong-phep-sai-phep-459998.html