Kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII)

Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã được công bố, nhằm lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân từ ngày 20.10 đến 10.11.2020. Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX vừa qua, Tỉnh ủy đã tổng hợp các ý kiến đóng góp ý xây dựng dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng tại đại hội các đảng bộ trực thuộc và ý kiến góp ý của 17 Đoàn đại biểu dự Đại hội.

Với trách nhiệm trước tương lai phát triển của đất nước, của xã hội và sự trong sạch, vững mạnh của Đảng, các ý kiến góp ý đã thể hiện tâm huyết, trách nhiệm, nhất là đối với nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Dự thảo Văn kiện được chuẩn bị công phu

Hầu hết các ý kiến nhất trí cao với nội dung của các dự thảo Văn kiện và cho rằng dự thảo Văn kiện được chuẩn bị công phu, bài bản, kỹ lưỡng, nghiêm túc; kết cấu chặt chẽ, khoa học, quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển; kết tinh trí tuệ và sức sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Cán bộ, chiến sĩ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an tỉnh ) giải quyết hồ sơ cấp hộ chiếu cho người dân. Ảnh: T.L

Một trong những nội dung được quan tâm nhất là, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đánh giá đầy đủ, toàn diện, sâu sắc, sát, đúng với thực tiễn. Có ý kiến cho rằng, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã thực hiện ở nhiều nhiệm kỳ, song kết quả đạt được chưa như kỳ vọng. Riêng nhiệm kỳ Đại hội XII, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đạt nhiều kết quả hết sức quan trọng, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Nhiều chủ trương, nguyên tắc, quan điểm, giải pháp lớn về công tác cán bộ đã được thể chế, cụ thể hóa bằng quy chế, quy định, quy trình bảo đảm dân chủ, chặt chẽ...

Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đánh giá đúng kết quả công tác cán bộ trong nhiệm kỳ qua, nhiều ý kiến đánh giá cao việc Bộ Chính trị ban hành Quy định 205 về việc kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền. Tuy nhiên, về những tồn tại, khuyết điểm, một số ý kiến đề nghị bổ sung các hạn chế: Công tác dự báo, nắm bắt tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân có lúc chưa kịp thời.

Việc thực hiện thí điểm hợp nhất một số cơ quan có ưu điểm là giảm đầu mối và số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý nhưng hiệu quả công việc chưa thực sự rõ nét, chưa có quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan sau hợp nhất. Công tác giám sát chưa thường xuyên, nhất là giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn ở địa phương hiệu quả chưa cao. Việc ban hành nghị quyết từ trung ương đến địa phương khá dài, nhiều nội dung, khó nhớ, khó khăn trong tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện. Còn không ít cán bộ là người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương chưa gương mẫu, nêu gương. Vẫn còn hiện tượng ô dù, bao che của một số cán bộ cấp trên cho cấp dưới về những sai phạm, tham nhũng nên việc chống tham nhũng ở một số địa phương, ngành hiệu quả chưa cao...

Kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII)

Về phương hướng công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XIII, một số ý kiến đề nghị cần chú trọng các giải pháp: Xây dựng Đảng về đạo đức, văn hóa; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đảng viên; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; quy định rõ hơn về tổ chức đảng trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước. Cần đánh giá, rút kinh nghiệm và thực hiện đồng bộ công tác thi tuyển các chức danh lãnh đạo để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, đảm bảo đủ đức, đủ tài phục vụ nhân dân; quyết liệt hơn trong việc thu hồi tài sản do tham nhũng mà có; tăng cường kiểm soát, xác minh kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược và cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Về tầm nhìn và định hướng phát triển trong 5 năm tới đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung nội dung "Kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII)"; hoàn thiện thể chế, quy định về công tác cán bộ, nhất là các quy định, quy trình về tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm, tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ. Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng phải kiên quyết thực hiện, không xuê xoa, lấy lệ, không lợi dụng để trục lợi hoặc che giấu sai phạm; hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng và coi đây là nhiệm vụ hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa, coi tham nhũng là “giặc nội xâm”, ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ...

Thực tế, thời gian vừa qua, vi phạm của cán bộ, đảng viên không chỉ có trong việc chạy chức, chạy quyền, mà còn vi phạm ở nhiều nội dung khác như tham ô, tham nhũng, lãng phí, làm trái các nguyên tắc, làm mất đoàn kết nội bộ; chạy bằng cấp, chạy vị trí công tác có lợi cho mình, cho người thân, cho địa phương; cục bộ, suy thoái... Nếu cán bộ đó chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy vị trí công tác thì ai là người tiếp tay, tạo điều kiện để cán bộ đó thực hiện được tham vọng của mình; cán bộ tiếp tay thì phạm tội gì? có nặng tội hơn không? Đồng thời, trong công tác cán bộ chú trọng hàng đầu vẫn là công tác quy hoạch, đào tạo, nhận xét, đánh giá cán bộ rồi mới đến bổ nhiệm, bố trí, phân công. Trong bổ nhiệm, phân công, điều động hoặc luân chuyển cán bộ phải tuyệt đối tuân thủ các quy định của Đảng và Nhà nước; tránh trình trạng chạy chức, chạy quyền...

THANH THUẬN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2023/202011/gop-y-du-thao-van-kien-trinh-dai-hoi-xiii-cua-dang-kien-quyet-kien-tri-thuc-hien-nghi-quyet-trung-uong-4-khoa-xi-xii-3030234/