Kiên quyết dừng tuyển sinh đối với các trường không đảm bảo điều kiện đào tạo khối ngành sức khỏe

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Dung đề nghị, tăng cường kiểm tra, giám sát hậu kiểm các cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe, kiên quyết dừng tuyển sinh đối với các trường không đảm bảo điều kiện.

Thảo luận trước Quốc hội về nội dung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, trong phiên họp ngày 1/11, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) bày tỏ băn khoăn về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực y tế, đáp ứng nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Nữ Đại biểu Quốc hội cho biết: Tại Việt Nam, số lượng cơ sở đào tạo nhân lực y tế đã tăng nhanh trong 10 năm trở lại đây, chỉ tính các trường đào tạo từ trình độ đại học và cao đẳng hiện nay đã có 172 trường. Trong đó, có 66 trường đại học và 32 trường đào tạo bác sĩ, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2014. Với bối cảnh thiếu hụt 10 triệu nhân viên y tế vào năm 2030, theo Tổ chức Y tế thế giới dự báo mà Việt Nam cũng không nằm ngoài, nhất là Ban Bí thư vừa ban hành Chỉ thị 25 về y tế cơ sở thì có nhiều cơ sở đào tạo nhân lực y tế ở nước ta là điều cần thiết.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp.

Theo Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, con người là yếu tố cốt lõi của sự phát triển, không thể phủ nhận sự đóng góp quan trọng của các trường đào tạo nhân lực y tế trong sự phát triển của ngành y tế, đặc biệt là giai đoạn dịch COVID - 19 vừa qua. Tỷ lệ bác sĩ trên 1 vạn dân cũng là một trong hai chỉ tiêu thuộc lĩnh vực y tế vượt kế hoạch được giao theo Nghị quyết 16 của Quốc hội. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, còn nhiều hạn chế và thách thức với các cơ sở đào tạo nhân lực y tế hiện nay.

Cụ thể là số sinh viên quá đông, trong khi chi phí đào tạo được quy định quá thấp so với các nước trong khu vực. Ở Việt Nam, chi phí đào tạo nhân lực y tế chưa bằng 1/10 các nước trong khu vực và hiện nay chỉ có trường VinUni đào tạo thu học phí với mức đào tạo ngành Điều dưỡng là 350 triệu đồng/năm và với ngành đào tạo bác sĩ là 800 triệu/năm, có thể tính đến bằng với khu vực.

“Việt Nam thiếu bệnh viện thực hành cho sinh viên, chỉ có 19/66 trường đại học và 2/106 trường cao đẳng có bệnh viện trực thuộc. Thái Bình cũng là tỉnh duy nhất mà cả trường Đại học Y dược và Cao đẳng Y tế được đầu tư có bệnh viện trực thuộc trong trường. Sinh viên thực hành lâm sàng tại các cơ sở y tế, cơ hội thực hành còn hạn chế do nhiều rào cản, cả về phía các quy định của pháp luật, của cơ quan chuyên môn và từ cả phía người bệnh. Chương trình là phương pháp đào tạo vẫn mang tính truyền thống, chưa hiện đại, giảng viên còn thiếu và hạn chế về năng lực chuyên môn, chi phí cho đào tạo nhân lực y tế có từ nhiều nguồn khác nhau. Trong đó, học phí cho sinh viên nộp thường rất thấp so với nhu cầu chất lượng đào tạo mong muốn. Hệ thống trường tư phát triển mạnh trong những năm gần đây, song hệ thống kiểm định chất lượng chưa hình thành và cơ chế đảm bảo chất lượng còn yếu”, Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung nói.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Dung phát biểu.

Bà Nguyễn Thị Thu Dung cũng cho rằng, bên cạnh những trường chú trọng đào tạo đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giảng viên đủ tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng phát triển chương trình và phương pháp giảng dạy tiên tiến, hiện đại thì vẫn có nhiều trường chưa đảm bảo điều kiện đào tạo theo quy định. Vẫn tuyển sinh ồ ạt, trong khi công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra của các bộ, ngành và cơ quan chức năng chưa thường xuyên, kịp thời dẫn đến nhiều hệ lụy cho người học.

Nữ Đại biểu Quốc hội khẳng định, nhân lực y tế là thành phần cốt lõi vô cùng quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ y tế có chất lượng, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến sức khỏe.

Từ thực tiễn thời gian qua, Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành tập trung chỉ đạo một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hậu kiểm các cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe, kiên quyết dừng tuyển sinh đối với các trường không đảm bảo điều kiện. Quy định các trường đào tạo khối ngành sức khỏe phải đạt tiêu chuẩn kiểm định chậm nhất vào năm 2026. Đối với các trường đào tạo trình độ đại học, đặc biệt là trường đào tạo bác sĩ phải đạt kiểm định khu vực và quốc tế để tiến tới hội nhập, công nhận trình độ.

Toàn cảnh phiên họp ngày 1/11.

Thứ hai, cần quy định các điều kiện chuyên môn đặc thù của khối ngành sức khỏe trong tổ chức đào tạo. Đối với cả khối giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học, trong suốt quá trình từ khâu đầu vào như điều kiện thành lập trường có đào tạo lĩnh vực sức khỏe, điều kiện mở ngành cho phép đào tạo quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh lĩnh vực sức khỏe, giảng viên lâm sàng, giường bệnh trên sinh viên thực hành đến quá trình đào tạo như đào tạo thực hành lâm sàng trong các cơ sở khám chữa bệnh, quy định dạy học lâm sàng, kiểm tra lượng giá và đến khâu đầu ra là kiểm định chất lượng đào tạo lĩnh vực sức khỏe.

Xây dựng bộ tiêu chí kiểm định chất lượng giáo dục y tế đặc thù cho các ngành đào tạo nhân lực y tế, đảm bảo chuẩn đầu ra trong đào tạo nhân lực y tế. Bên cạnh đó, cần phát triển nhân lực y tế làm về kiểm định chất lượng đào tạo trong y tế, từng bước chuẩn hóa chất lượng đào tạo tại các trường đào tạo nhân lực y tế.

“Tôi đồng quan điểm tổ chức hoạt động của Hội đồng y khoa theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, tôi đề nghị nghiên cứu thêm theo hướng các trường đủ điều kiện có thể tham gia đánh giá năng lực hoặc chọn mỗi khu vực một trường đầu tư nâng cấp để tham gia tổ chức đánh giá năng lực trước khi cấp giấy phép hành nghề, tạo điều kiện thuận lợi và giảm gánh nặng cho Hội đồng y khoa quốc gia. Quy định rõ vai trò và sự phối hợp của bộ, ngành chuyên môn đặc thù như ngành y tế trong đào tạo các ngành đặc thù, đặc biệt là mở ngành đào tạo và sớm sửa Nghị định 111 quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe để phù hợp với tình hình thực tế, nhất là trong bối cảnh thực hiện tự chủ của cả cơ sở đào tạo và các bệnh viện, làm rõ trách nhiệm phối hợp đào tạo của các cơ sở y tế”, Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung nhấn mạnh.

Theo nữ Đại biểu Quốc hội, cần hoàn thiện quy hoạch tổng thể về phát triển nguồn nhân lực y tế với các giải pháp chiến lược, khả thi, lâu dài và mang tính bền vững. Nâng cao năng lực dự báo nhu cầu nhân lực y tế, xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển nhân lực y tế, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học.

N.Hường

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/kien-quyet-dung-tuyen-sinh-doi-voi-cac-truong-khong-dam-bao-dieu-kien-dao-tao-khoi-nganh-suc-khoe-post270776.html