Kiên quyết đẩy lùi tà đạo

Thời gian qua, không ít tà đạo, hiện tượng tín ngưỡng mới có nguồn gốc từ nước ngoài và một số địa phương trong nước du nhập vào địa bàn tỉnh Điện Biên, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống cũng như tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn. Trước thực tế đó, BĐBP Điện Biên đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng và cấp ủy, chính quyền địa phương chủ động phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh, từng bước đẩy lùi tà đạo.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Thơm, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân, nhằm ngăn chặn hoạt động truyền đạo trái pháp luật. Ảnh: Hà Khánh

Hoạt động truyền đạo trái pháp luật diễn biến phức tạp

Điện Biên có 19 dân tộc, trong đó, hơn 82% là đồng bào dân tộc thiểu số. Những người theo tà đạo chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí còn hạn chế. Theo ghi nhận, hiện, Điện Biên có 4 tôn giáo đang hoạt động, tuân thủ pháp luật là: Công giáo, Tin lành, Phật giáo, Cơ đốc phục lâm Việt Nam. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số tà đạo, đạo lạ hoạt động, gây mất ổn định tình hình an ninh tôn giáo.

Trong đó phải kể đến như: “Hội thánh của Đức Chúa trời mẹ”; “Ân điển cứu rỗi”; “Đức Chúa trời toàn năng”; “Pháp môn diệu âm”; “Tín ngưỡng tâm linh Hồ Chí Minh” (Hoàng Thiên Long); “Đoàn Từ thiện tâm đạo Hồ Chí Minh” (Long Hoa Hội); “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ”. Đáng chú ý, tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ” xâm nhập vào địa bàn tỉnh Điện Biên từ năm 2017, gây ảnh hưởng xấu về nhiều mặt trong đời sống xã hội, gieo rắc tư tưởng ly khai, tự trị và kêu gọi người Mông tham gia lập “Nhà nước riêng”, gây phức tạp về an ninh trật tự.

Bằng các chiêu trò thông qua tuyên truyền trực tiếp hoặc qua Internet, các đối tượng dụ dỗ người dân rời bỏ tôn giáo được Nhà nước công nhận và chính quyền địa phương chấp thuận cho đăng ký sinh hoạt điểm nhóm (Giáo hội Cơ đốc phục lâm Việt Nam) để theo tà đạo; làm rạn nứt khối đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định chính trị, xã hội. Đặc biệt, đầu năm 2019, các đối tượng trong tổ chức “Giê Sùa” và “Bà Cô Dợ” đã thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền đạo trái pháp luật tại các huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà và Tuần Giáo; tự coi mình là tôn giáo chính thống, còn các tôn giáo khác là tà giáo. Các đối tượng trong các tổ chức đạo trên đã phỉ báng phong tục truyền thống của người dân tộc thiểu số; kêu gọi người dân không cho con em đi học, không chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không làm căn cước công dân, không nhận các chính sách hỗ trợ khó khăn...

Giai đoạn 2021 - 2022, một số đối tượng cốt cán trong tổ chức “Bà Cô Dợ” đã tuyên truyền, kêu gọi người dân không tham gia tiêm vaccine phòng Covid-19 với luận điệu xuyên tạc, gây rối, chống phá Đảng và Nhà nước, gây ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Ngoài tuyên truyền trực tiếp, các đối tượng còn triệt để lợi dụng không gian mạng để tuyên truyền lôi kéo hoạt động mê tín dị đoan, trái thuần phong mỹ tục, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá Nhà nước.

Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động

Để nhân dân không tin, không nghe theo luận điệu của kẻ xấu và đấu tranh xóa bỏ tà đạo, BĐBP Điện Biên đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đấu tranh đẩy lùi tà đạo. Phối hợp chặt chẽ với Huyện ủy, UBND, Ban Chỉ đạo 160 các huyện biên giới, lực lượng chức năng nắm chắc tình hình địa bàn, đối tượng có liên quan đến hoạt động tuyên truyền đạo trái pháp luật, các hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới, có tính cực đoan, không để hình thành tổ chức hoạt động trái pháp luật, gây bức xúc trong xã hội. Bên cạnh đó, tuyên truyền nhận diện bản chất của các loại tà đạo bằng nhiều hình thức, như: Thông qua các hội nghị, cuộc họp dân, ngày lễ hội cổ truyền của từng dân tộc, các buổi biểu diễn văn hóa văn nghệ, "Tiếng loa Biên phòng"...

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Na Cô Sa phối hợp tuần tra bảo vệ đường biên, mốc quốc giới và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật. Ảnh: Hà Khánh

Đặc biệt, với vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn biên giới còn hạn chế trong việc đọc và nghe tiếng phổ thông, BĐBP đã tăng cường tuyên truyền miệng, phát tờ rơi, tờ gấp bằng nhiều thứ tiếng đến từng cá nhân và hộ gia đình. Chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch tăng cường lực lượng hoặc phân công đảng viên phụ trách các địa bàn có người dân theo tà đạo. Phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo 160 các cấp, lực lượng chức năng trực tiếp gặp các đối tượng theo tà đạo “Bà Cô Dợ”, nhất là đối tượng cầm đầu tiến hành tuyên truyền về bản chất lừa mị, dối trá, kích động ly khai, tự trị, lôi kéo người theo để thành lập “Nhà nước Mông” chống phá Đảng, Nhà nước của “Bà Cô Dợ” với hàng trăm buổi và hàng trăm người nghe.

Các đơn vị BĐBP tích cực tổ chức tuần tra đường biên, mốc quốc giới, phát hiện, xử lý kịp thời những vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ; phòng chống xuất, nhập cảnh trái phép, các loại tội phạm. Đồng thời, tích cực tham gia thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đấu tranh phản bác các hoạt động tôn giáo lệch lạc, trái với thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, phát hiện, đấu tranh có hiệu quả với các hành vi lợi dụng tôn giáo để hoạt động trái pháp luật.

Đại tá Vừ A Khua, Phó Chỉ huy trưởng nghiệp vụ BĐBP Điện Biên cho biết: "Thời gian tới, đơn vị tiếp tục tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những quy định của địa phương, nhất là về an ninh, trật tự và tín ngưỡng, tôn giáo đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân. Cùng với đó, BĐBP Điện Biên tiếp tục chú trọng phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong tham gia phối hợp tuyên truyền, vận động, xóa bỏ tà đạo “Bà Cô Dợ” trên địa bàn biên giới. Thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Duy trì và phát huy hiệu quả các chương trình, mô hình giúp dân phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo mà các đơn vị đang thực hiện nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và vùng bị ảnh hưởng tà đạo nói riêng, coi đây vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa là nhiệm vụ lâu dài của cả hệ thống chính trị".

Từ năm 2021 đến nay, các đơn vị BĐBP Điện Biên đã trực tiếp gặp gỡ, tuyên truyền, vận động cá biệt tại 8 bản thuộc 5 xã với 20/20 hộ theo tà đạo “Bà Cô Dợ” được 192 buổi/575 lượt người tham gia. Từ tháng 8/2021 đến nay, đã tuyên truyền, vận động được 8 hộ/41 khẩu và 1 cá nhân ký cam kết từ bỏ tà đạo "Bà Cô Dợ" (địa bàn Đồn Biên phòng Nậm Kè 5 hộ/25 khẩu, địa bàn Đồn Biên phòng Mường Mươn 3 hộ/16 khẩu). Ngoài ra, các đơn vị thuộc BĐBP tỉnh đã phối hợp tuyên truyền 3 hộ/13 khẩu tại địa bàn xã Na Cô Sa, 2 cá nhân tại xã Nà Hỳ, 1 cá nhân tại xã Leng Su Sìn viết cam kết từ bỏ đạo lạ "Tia chớp Phương đông"; 1 hộ/5 khẩu xã Mường Nhé từ bỏ đạo lạ "Nhân chứng Giê Hồ Va" chuyển sang theo các hệ phái tôn giáo chính thống được Nhà nước công nhận. Xử lý 5 vụ/11 đối tượng liên quan đến tuyên truyền tà đạo “Bà Cô Dợ”.

Hà Khánh - Trần Dũng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/kien-quyet-day-lui-ta-dao-post467890.html