Kiến nghị lùi thực hiện quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM kiến nghị Ngân hàng Nhà nước lùi thời hạn áp quy định 'các tổ chức tín dụng sử dụng tối đa 30% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn' tại Thông tư 08 thêm 1 năm.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đề nghị NHNN khẩn trương xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư 08/2020/TT-NHNN, gia hạn thêm 12 tháng thời điểm áp dụng quy định các tổ chức tín dụng sử dụng tối đa 30% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn.

Theo Thông tư 08, ngày 1/10 là thời điểm áp dụng quy định các tổ chức tín dụng sử dụng tối đa 30% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn.

Để hạn chế dần tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán, bất động sản, NHNN đã đề ra lộ trình giảm tỷ lệ sử dụng nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn.

HoREA đề nghị gia hạn thời điểm áp dụng quy định tổ chức tín dụng được dùng tối đa 30% vốn huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. (Ảnh: Hoàng Hà)

HoREA đề nghị gia hạn thời điểm áp dụng quy định tổ chức tín dụng được dùng tối đa 30% vốn huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. (Ảnh: Hoàng Hà)

Cụ thể, tỷ lệ đã được giảm dần từ 60% kể từ ngày 1/2/2015 về 45% từ ngày 1/1/2018, về 40% từ ngày 1/1/2020, về 37% từ ngày 01/10/2020 và về 34% từ ngày 1/10/2021.

Việc giảm tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn về 30% áp dụng từ ngày 1/10/2023 là giai đoạn cuối hoàn tất lộ trình mà NHNN đề ra.

Tuy nhiên, theo HoREA, bối cảnh của nền kinh tế nước ta hiện nay đã thay đổi rất khác so với bối cảnh lúc ban hành Thông tư 08 năm 2020 và đang đứng trước các thách thức rất lớn, từ tác động của "các cơn gió ngược" tác động bất lợi đến kinh tế - xã hội nước ta.

Trong đó có lĩnh vực bất động sản do phát sinh những nhân tố khách quan, bất ngờ, không thể dự đoán được tại thời điểm ban hành Thông tư 08.

Hiện nay, nền kinh tế và thị trường bất động sản vẫn còn rất khó khăn do tác động của “các cơn gió ngược”, đã có doanh nghiệp thuộc nhiều ngành kinh tế thu hẹp sản xuất kinh doanh nên giảm hoặc thậm chí không có nhu cầu vay tín dụng.

Riêng doanh nghiệp bất động sản vẫn có nhu cầu vay tín dụng nhưng lại khó tiếp cận tín dụng, mà nguyên nhân chủ yếu là do các dự án bất động sản, nhà ở thương mại bị “vướng pháp lý”.

Hiệp hội nhận thấy, chỉ cần các ngân hàng thương mại xem xét “nới tay” một chút cho doanh nghiệp được vay tín dụng “để bù đắp tài chính” dự án đầu tư bảo đảm tính khả thi hoặc có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất của các thửa đất đã nhận chuyển nhượng trong dự án… thì sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Đồng thời, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 14% của năm 2023. Tính đến ngày 15/9, NHNN cho biết kết quả tăng trưởng tín dụng mới đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 5,56% so với cuối năm 2022, còn gần 1 triệu tỷ đồng có thể bơm vào nền kinh tế cho tới cuối năm.

Chính vì thế, HoREA đề nghị NHNN sớm xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư 08 theo hướng gia hạn thêm 12 tháng thời điểm áp dụng quy định “các tổ chức tín dụng sử dụng tối đa 30% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn”.

Nghĩa là thời điểm áp dụng nên bắt đầu từ ngày 1/10/2024 thay vì áp dụng từ ngày 1/10/2023.

Hiệp hội cho rằng, việc này sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng được sử dụng hợp lý nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn và nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và người dân, mà vẫn không gây “rủi ro” về an toàn cho hệ thống tín dụng.

Đồng thời, việc gia hạn cũng phù hợp với định tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững của Chính phủ.

Nguyễn Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/kien-nghi-lui-thuc-hien-quy-dinh-giam-ty-le-von-ngan-han-cho-vay-trung-dai-han-2196528.html