Kiến nghị chỉ nhập khẩu đường thô sẽ có lợi cho các DN sản xuất đường tinh luyện

Theo HSC việc Hiệp hội Mía đường kiến nghị tổ chức đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan vào đầu năm sẽ phù hợp hơn với các công ty sản xuất đường.

Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) mới đây đã công bố báo cáo cập nhật ngành mía đường trong đó nêu ra những quan điểm về kiến nghị chỉ nhập khẩu đường thô trong tương lai và tổ chức đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan vào đầu năm của Hiệp hội Mía đường.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đã gửi chính phủ hai kiến nghị liên quan đến việc đấu giá quyền nhập khẩu khoảng 89.000 tấn đường theo WTO trong năm 2017. Theo đó, Hiệp hội đề xuất tổ chức đấu giá trong quý I/2017 thay vì quý III như trước đó để trùng với mùa sản xuất từ tháng 11 - tháng 6 và đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan 100% là đường thô thay vì 50% như hiện nay.

Có lợi cho các doanh nghiệp sản xuất đường tinh luyện (RE) khi bỏ nhập khẩu đường tinh luyện

Nếu kiến nghị được thông qua, rõ ràng đây sẽ tin tốt đối với các công ty tinh luyện đường khi có thêm tinh đường thô cho tinh luyện và bán như CTCP Mía đường Biên Hòa (BHS), CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT – Kém khả quan), CTCP Mía đường Lam Sơn (LSS) nhờ giảm chi phí sản xuất khi giành được quyền sử dụng hạn ngạch. Ở mùa vụ trước, SBT đã sử dụng khoảng 100.000 tấn đường thô trong khi LSS sử dụng 14.000 đường thô trong đó 5.000 tấn là nhập khẩu theo hạn ngạch.

Hiện tại, hơn 50% hạn ngạch đường nhập khẩu theo WTO là đường tinh luyện. Trong tháng trước, tại Hà Nội, Bộ Công thương đã tổ chức buổi đấu giá quyền nhập khẩu 85.000 tấn đường bao gồm 40.000 tấn đường thô và 45.000 đường tinh luyện theo WTO cho năm 2016. Với giá khởi điểm là 1 triệu đồng/tấn, Bộ Công thương đã thu về 139,5 tỷ đồng từ buổi đấu giá. Quyền nhập khẩu 40.000 tấn đường thô thuộc về Mía đường Biên Hòa (BHS) với 14.444 tấn; Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT) với 14.444 tấn và Mía đường Khánh Hòa với 14.444 tấn.

Theo HSC đây có thể được xem là một phần trong quá trình tái cơ cấu. Do đó có thể cho rằng BHS và SBT là hai đối tượng hưởng lợi chính từ kiến nghị này và một yếu tố khác là thương vụ mua lại vùng trồng mía của HAG tại Lào trước đó (dự kiến sẽ do một trong hai hoặc cả 2 công ty cùng vận hành), điều này chưa đề cập đến những đồn đoán hiện tại về khả năng sáp nhập giữa BHS và SBT.

Thay đổi về thời gian thực hiện đấu giá sẽ phù hợp hơn với các công ty sản xuất đường

Thông thường, vụ ép bắt đầu vào tháng 11 (một số nhà máy có thể bắt đầu sớm hơn) và kết thúc vào tháng 4, sau đó những nhà máy có thể tinh luyện đường từ đường thô sẽ tiếp tục hoạt động cho đến tháng 5 - tháng 6. Đối với vụ 2015/2016, tổng diện tích trồng mía trên cả nước đã giảm 6,7% còn 284.367ha và tổng sản lượng mía cũng giảm 8% xuống 18,3 triệu tấn, theo đó năng suất là 64,4 tấn mía/ha. Sản lượng đường chế biến đạt 1.237.300 tấn (giảm 12,73% so với vụ trước), trong đó đường tinh luyện là 630.000 tấn.

Ở vụ mùa hiện tại, Hiệp hội ước tính sản lượng mía ép là 15 triệu tấn (giảm 18% so với vụ trước) cho sản lượng đường là 1,4 triệu tấn. Trong khi đó USDA báo cáo trong vụ mùa 2015/2016, tổng tiêu thụ đường của Việt Nam đã đạt 1,97 triệu tấn (tăng trưởng 8,6%) và dự báo tiêu thụ cho vụ 2016/2017 sẽ là 2 triệu tấn (tăng trưởng 1,3%).

Nguồn NDH: http://ndh.vn/kien-nghi-chi-nhap-khau-duong-tho-se-co-loi-cho-cac-dn-san-xuat-duong-tinh-luyen-2016101304290183p150c170.news