Kiên Giang cắt giảm cường lực khai thác để bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản

Theo Viện Nghiên cứu hải sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển, vùng biển Kiên Giang có nguồn lợi thủy sản phong phú, đa dạng, nhưng đang bị suy giảm nghiêm trọng do tình trạng khai thác quá mức. Để bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản, Kiên Giang cần cắt giảm đội tàu, giảm cường lực khai thác.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh phát biểu tại cuộc họp.

Ngày 25-3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh chủ trì cuộc họp Hội đồng nghiệm thu dự án điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản trên vùng biển Kiên Giang.

Theo kết quả điều tra của Viện nghiên cứu hải sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vùng biển Kiên Giang là nơi có đa dạng sinh học cao đồng thời có nhiều loài đang được đánh giá ở các mức độ nguy cấp. Vùng biển Kiên Giang có nguồn lợi hải sản phong phú, trữ lượng cao, khả năng tái tạo nguồn lợi lớn. Trữ lượng thủy sản hàng năm khoảng 278.449 tấn.

Hiện sản lượng khai thác của các đội tàu Kiên Giang nói chung và sản lượng khai thác ở vùng biển Kiên Giang liên tục suy giảm trong khi cường lực khai thác liên tục tăng lên. Năm 2022-2023, sản lượng khai thác 207.632 tấn, giảm 9% so sản lượng khai thác trong năm 2014-2015 (228.089 tấn) nhưng cường lực khai thác đã tăng 134,6%.

Việc kiểm soát hoạt động khai thác theo ngư trường, kiểm soát vị trí thực của tàu khai thác trong chuyến biển còn hạn chế. Thực tế hoạt động khai thác cho thấy, đã xảy ra nhiều vụ khai thác vượt tuyến ra vùng biển nước ngoài dẫn đến vi phạm các quy định quốc tế về hoạt động khai thác hoặc khai thác vi phạm tuyến biển ngay trong phạm vi vùng biển Việt Nam tại các khu vực bãi đẻ, bãi giống.

Sản lượng thủy sản khai thác của tỉnh Kiên Giang sụt giảm qua các năm do tình trạng khai thác quá mức.

Đơn vị tư vấn đề xuất nhiều phương án khôi phục bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng biển Kiên Giang, trong đó bao gồm mở rộng phạm vi các khu vực cấm khai thác quanh năm và bổ sung khu vực cấm khai thác có thời hạn ở quần đảo Nam Du; khoanh vùng bảo vệ toàn bộ khu vực từ vịnh Rạch Giá đến Hà Tiên, bờ Đông Phú Quốc và quần đảo Nam Du.

Trong phạm vi vùng cấm khai thác có thời hạn, quy định cấm đối một số nghề khai thác bao gồm: nghề lưới kéo đáy (kéo đôi, kéo đơn), nghề lưới vây ánh sáng, nghề mành điện, nghề pha xúc, nghề chụp, nghề lú. Đây là những nghề khai thác gây rủi ro sinh thái cao đối với các loài hải sản sau mùa sinh sản làm ảnh hưởng tới lượng bổ sung hàng năm, gây giảm khả năng tái tạo nguồn lợi.

Bên cạnh đó, đơn vị tư vấn đề xuất phương án quản lý nghề cá ở Kiên Giang theo hướng giảm cường lực khai thác và tăng khả năng tái tạo nguồn lợi. Theo phương án này cần cắt giảm 1.766 tàu cá để giảm số ngày tàu khai thác trên biển theo hướng tiếp cận quản lý nghề cá thận trọng…

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến đóng góp của thành viên hội đồng nghiệm thu đề tài để bổ sung, chỉnh sửa dự án sát với thực tiễn tại địa phương, có chất lượng tốt hơn. Hội đồng nghiệm thu đề tài đánh giá cao nội dung nghiên cứu của đơn vị tư vấn, đảm bảo các quy định về kỹ thuật, thực hiện đảm bảo chất lượng, tính pháp lý đủ điều kiện để phê duyệt. Kiên Giang có một thời gian dài thiếu các biện pháp đảm bảo phát triển bền vững ngành nghề thủy sản, đây là cơ sở giúp cho tỉnh có những phương án sắp xếp lại cơ cấu nghề, cơ cấu đội tàu phù hợp với đặc điểm nguồn lợi thủy sản ở vùng biển Kiên Giang trong thời gian tới.

Tin và ảnh: THÙY TRANG

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/trong-tinh/kien-giang-cat-giam-cuong-luc-khai-thac-de-bao-ve-tai-tao-nguon-loi-thuy-san-19623.html