Kiến Giang - bầu trời kỷ niệm

Dòng Kiến Giang đối với nhiều người Lệ Thủy, là cả một bầu trời kỷ niệm. Chỉ nhắc tên thôi cũng đã chạm vào cảm xúc.

Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Xin trân trọng giới thiệu bài viết Kiến Giang - bầu trời kỷ niệm của tác giả Nguyễn Thế Thịnh.

“Bảo tàng” của những chuyện tình

" Con sông nhỏ một thời tắm mát

Nơi mối tình đầu tôi đã đánh rơi..."

Đó là hai câu trong ca khúc “Nhớ về Quảng Trị” của Nguyễn Tất Phú viết về dòng Thạch Hãn nhưng lại rất đúng tâm trạng của nhiều người. Và, đặc biệt đúng với anh họ tôi, người được biết đến là “binh nhì Nguyễn Thế Tường”. Đó là vì, vào cái thời tướng lĩnh mới viết tự truyện thì anh viết “Hồi ức của một binh nhì”. Sau truyện ngắn (mà chính là chuyện anh và đồng đội) nổi tiếng đó, người ta đã làm hai phim, một nhựa, một truyền hình, đều hay!

Một khúc sông Kiến Giang. (Ảnh Nguyễn Thế Thịnh)

Gần nửa thế kỷ qua, mỗi lần về quê, anh lại ra bến sông và ngồi lặng yên dõi sang bờ bên kia. Đó là những giây phút anh sống với “mối tình đầu tôi đã đánh rơi”.

Chỗ anh ngồi là bến Trôổng Nẹo, một trong hơn ngàn bến nước đôi bờ Kiến Giang.

Trôổng Nẹo là một địa danh cổ thuộc làng Lộc An, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). Ngày trước, các vị tiền hiền chọn vùng đất này lập nghiệp đã tạo ra con đường đất men theo bờ sông. Cứ mỗi đoạn chừng 300m có một cái ngõ đi vào, gọi là trôổng (kiểu như ngõ, kiệt). Người dân làm nhà hai bên đường trôổng. Còn Nẹo là một từ có nhiều cách giải thích nhưng không thống nhất, kiểu như nhà tôi ở trôổng Dỏ, các trôổng khác đều là từ cổ như trôổng Eo, trôổng Trữa...

Ngày anh còn nhỏ, bác tôi tập bơi cho anh bằng cách buộc một sợi dây thừng vào bụng, bồng anh lên thuyền, đi ra phía lái rồi ném xuống sông. Anh cứ thế mà quẫy đạp, uống no nước thì bác kéo lên. Dăm bảy lần như thế anh biết bơi. Hầu hết đám trẻ trong làng, theo một cách nào đó biết bơi từ nhỏ, cứ tự nhiên rồi hết thảy như rái cá.

Cuối năm 1972 đầu năm 1973, sau cuộc “đấu tăng” ở Cửa Việt (Quảng Trị), anh bị mảnh đạn cắm vào đầu đúng vào thời điểm ký Hiệp định Pari. Được đưa ra Bắc bằng xe tải rồi xuống thuyền để đến trạm quân y. Lúc đó đầu anh băng kín không nhìn thấy gì, nhưng khi ngang qua, anh vẫn nhổm dậy hỏi mọi người “Có phải vừa đi ngang bến Trôổng Nẹo không?”. Lúc đó bác gái tôi ngồi trên bến, nhìn xuống thấy thương binh nhưng không ngờ đó lại là con trai của mình. Sau này kể ra, ráp lại mới hay.

Trôổng nào cũng có một bến nước, trồng ngô đồng hoặc bàng, đặt ghế đá như công viên. (Ảnh Nguyễn Thế Thịnh)

Vài năm sau anh bình phục, học tiếp đại học rồi đi làm. Một lần về quê, anh trúng tiếng sét của cô gái đang ngồi giặt áo bên kia sông. Duyên số không thành nhưng tiếng sét đó làm anh… nao núng cho đến tận bây giờ.

Mà đâu chỉ anh, bọn trẻ lớn lên bên bờ Kiến Giang, mỗi đứa một cách, đều có những phiên bản của mối tình “đánh rơi” như thế, đôi lúc chỉ là rất trẻ con.

Dòng sữa mẹ

Những dòng suối phía Tây Nam huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) khởi nguồn từ dãy Trường Sơn hợp lưu lại ở Trôốc Vực (tiếng địa phương trôốc là đầu, vực thì vẫn nghĩa là cái vực sâu) từ đó chảy về Kiến Giang theo hướng Nam - Bắc, qua 58km rồi đổ về phá Hạc Hải. Vì hầu hết sông đều chảy theo hướng Tây- Đông (từ núi ra biển) nên trong sử sách nó còn có tên Nghịch Hà (sông chảy nghịch).

Ngày trước, có đường đất chạy ven sông, không gọi bằng đường cái mà gọi là đường bến. Vì mỗi trôổng có một bến cho nên người ta mới nói, không có con sông nào nhiều bến như sông Kiến Giang.

Thế hệ chúng tôi về trước chưa có nước máy, thậm chí chưa ai đào giếng nên tất cả đều nhờ vào dòng sông. Phương tiện vận chuyển chủ yếu bằng thuyền chèo tay trên sông, nước uống được gánh từ sông lên đổ vào chum, tắm giặt đều ở bến sông. Ngày hè, đám trẻ con dầm mình giữa lòng nước hàng giờ. Giờ kể lại chuyện uống nước sông có vẻ rất... “rùng rợn”, nhưng thời đó, sông vẫn chảy hiền hòa và nước trong vắt. Nói không ngoa đâu, dòng nước còn có mùi hương, hương gì thì rất khó cắt nghĩa. Thế nên mới có câu ca dao: “Lệ Thủy gạo trắng nước trong/ Ai về Lệ Thủy thong dong con người”. Sau này, trong ca khúc “Đưa em về Kiến Giang”, nhạc sĩ Xuân Đồng viết: “Kiến Giang ơi dòng Kiến Giang/ Dòng sông thơ như dòng sữa mẹ/ Mà ta yêu nhau năm tháng/ Gạo trắng nước trong cho da em trắng/ hồng bao nhiêu hạt phù sa quê ta xứ Lệ/ Để Kiến Giang xanh xanh mãi một màu/ Để duyên đôi ta như dải lụa màu”.

Lệ Thủy trước đây là huyện thuần nông, nổi tiếng với cánh đồng màu mỡ thẳng cánh cò bay. Cá tự nhiên rất nhiều nên nhiều người làm nghề đánh cá. Hàng đêm, trên sông vang lên tiếng lòng còng của người thả lưới. (Lòng còng là tiếng gõ vào thanh gỗ xua cá chạy). Cũng có người làm nghề “đi trể”. Đi trể là chèo một chiếc thuyền nhỏ, nghiêng về bên gắn một tấm ghép nhiều miếng gỗ quét vôi trắng. Người chèo cho thuyền lướt nhẹ, cá cứ thế theo tấm trắng nhảy vào thuyền. Nhắc đến chuyện đi trể, không ai không nhớ ông Lê Chửng ở làng Thạch Bàn.

Sáp nhỏ tụi tôi không gì thú vị bằng đi câu. Dây câu không chỉ gắn một lưỡi mà hai, ba lưỡi câu, đôi khi dính hết.

Sông Kiến Giang đổ về phá Hạc Hải tạo thành vùng nước phong phú về thủy sản. Lúc đó chưa nuôi trồng mà chỉ đánh bắt tự nhiên. Một vựa tôm cá.

Dòng sông không chỉ “như” mà chính là dòng sữa mẹ, nuôi bao nhiêu thế hệ lớn lên cả vật chất và tâm hồn.

Đôi bờ

Tôi và 100 bạn đồng trang lứa nhập ngũ tháng 6 năm 1974 đúng vào ngày thi tốt nghiệp cấp 3. Vào thời điểm đó chưa có chiếc cầu nào bắc qua sông Kiến Giang ngoài chiếc cầu xe lửa Mỹ Trạch có từ thời Pháp.

Mỗi đoạn trên dòng Kiến Giang có một bến đò ngang, hầu hết là ở vị trí các chợ: Chợ Trạm, Chợ Tréo, chợ Hôm, chợ Thùi... Chỉ có một bến đò duy nhất không có chợ, đó là bến đò ông Vần. Bến đò chủ yếu phục vụ nhu cầu của học sinh hai xã Phong Thủy, Lộc Thủy sang sông đi học cấp 3. Dân quanh vùng không ai không biết ông Vần. Đó là một bác đã già, sau mãi bác vẫn già như không thể già hơn. Bác cụt một chân, làm nghề chèo đò không biết từ bao giờ, tụi tôi lớn lên đã thấy thế.

Mãi đến năm 2012, chiếc cầu đầu tiên bắc qua một nhánh sông Kiến Giang nối xã Phong Thủy với xã Liên Thủy (cầu Phong Liên) mới được xây dựng. 4 năm sau, một chiếc cầu khác bắc qua nhánh sông chính nối hai xã Phong Thủy - Xuân Thủy (cầu Phong Xuân) thông xe. Sau đó, tiếp tục thông xe cầu Liên Xuân, nối hai xã Liên Thủy và Xuân Thủy. Do Kiến Giang chảy về đoạn chợ Tréo thì chia làm hai nhánh, tạo nên mũi đất rất đẹp gọi là Mũi Viết nên ba chiếc cầu tạo thành thế rất đẹp. Đẹp hơn là nó đã xóa bỏ câu “cách sông trở đò”.

Con đường men theo hai bờ sông và các con đường trôổng được bê tông hóa. Phương tiện giao thông đường bộ phát triển nên thuyền bè vắng dần.

Dòng sông, con thuyền là nơi người Lệ Thủy chọn làm bối cảnh để lưu giữ khoảnh khắc, sau này sẽ trở thành kỷ niệm. (Ảnh Nguyễn Thế Thịnh)

Một chiếc cầu khác sắp được thông xe, từ đường Hồ Chí Minh qua Lộc Thủy (quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp) tại vị trí chợ Thùi để nối với QL1A. Niềm mơ ước của bao người sắp thành hiện thực.

Từ chân cầu phía Đông đi ngược sông chừng cây số là Nhà lưu niệm Đại tướng ở thôn An Xá, xã Lộc Thủy. Hồi nhỏ, mỗi lần Bác Giáp về làng, bọn trẻ chúng tôi ở phía bên này lặn qua sông, lên bờ, sờ vào chiếc Volga màu đen của Bác. Bảo vệ đuổi, lại nhảy xuống sông lặn về. Về kể với nhau cả tháng chưa hết chuyện.

Dọc con sông này là quê hương của các danh nhân được lịch sử ghi lại, đương thời có Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhiều nhà khoa học, tướng lĩnh, lãnh đạo cấp cao...

Những năm thập niên 60 của thế kỷ trước, đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Đảng và Chính phủ cử về Quảng Bình chỉ đạo nông nghiệp. Ông từng ăn ngủ và làm việc với HTX Đại Phong (xã Phong Thủy), giúp Đại Phong không chỉ làm lúa ngoài đồng mà tiến lên khai hoang đất đồi trồng cây công nghiệp… ở Bến Tiến, phá thế độc canh. Trong ca khúc “Quảng Bình quê ta ơi” của nhạc sĩ Hoàng Vân có câu “Có ai về Đại Phong/Xin vô ghé thăm vùng Bến Tiến” là vậy.

Vào thời điểm đó, cả nước có các là cờ đầu của các lĩnh vực nghề biển, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giáo dục: “Duyên Hải, Đại Phong, Thành Công, Ba Nhất”.

Tết Độc Lập

Ở Lệ Thủy, có một lễ hội vui nhất vào dịp Quốc khánh 2/9, dân địa phương quen gọi là Tết Độc Lập. Đua thuyền thì nhiều nơi có nhưng không có nơi nào như lễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang. Do con sông hẹp nên người dân tiếp cận gần nhất với các thuyền bơi đua. Dịp đó, không chỉ du khách mà con cháu ở xa cũng về dự hội, gọi là “coi bơi”. Suốt cả tuần, từ bơi xã, bơi cụm cho đến bơi huyện, hàng chục ngàn người tràn ra hai bên ở sông, một không khí cổ vũ cuồng nhiệt hiếm thấy.

Ở An Xá quê Bác Giáp, có một đền thờ gọi là Đền Bà Lỗ (tiếng địa phương là ở truồng). Tương truyền bà từng khỏa thân đánh lừa trai bơi các làng khác để đò bơi An Xá vượt lên về đích trước. Sau đó, vì bị đàm tiếu, người đàn bà ra sông tự vẫn. Dân làng tưởng nhớ công lao của bà nên lập đền thờ, gọi là Đền Bà Lỗ. Giới trẻ ngày nay tôn bà là “Thánh Cổ động viên”.

*

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử cùng với sự phát triển của cuộc sống thì nó vẫn nguyên vẹn trong câu hát của nhạc sĩ Hoàng Đình Luyện: “Kiến Giang xanh rọi bóng làng xanh/đồng xanh lúa lượn, sóng gợn quanh quanh biển trời...”

Dòng Kiến Giang đối với nhiều người Lệ Thủy, là cả một bầu trời kỷ niệm. Chỉ nhắc tên thôi cũng đã chạm vào cảm xúc.

Nguyễn Thế Thịnh

Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng

Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do Báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.

Cơ cấu giải thưởng: 01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng.

Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TP. HCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TP.HCM nhận giải.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: https://vietnamnet.vn/bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/song-kien-giang-bau-troi-ky-niem-2270242.html