Kiên cường trong chiến đấu, bình dị giữa đời thường

Nữ điệp báo - Anh hùng CAND có những năm tháng chiến đấu trong lòng địch thật oai hùng. Khi trở về đời thường, họ là người vợ, người mẹ rất đỗi thân thương, bình dị. Phẩm chất ấy càng làm đẹp thêm hình ảnh những nữ chiến sỹ Công an kiên cường trong chiến đấu, dễ mến trong đời thường.

Nữ điệp báo - những chiến sỹ Công an hoạt động trong lòng địch vốn được ca tụng rất nhiều. Bản thân chúng tôi, những người được sinh ra trong thời bình khi được đọc, được nghe kể về những việc họ đã làm thì vô cùng ngưỡng mộ. Không quản gian khó, hiểm nguy, các nữ chiến sỹ điệp báo lăn lộn trong lòng địch. Họ tìm kiếm, thu thập thông tin tình báo, tiêu diệt ác ôn... Khi chẳng may bị địch bắt, họ vẫn kiên gan trước đòn roi của chúng. Thế nên khi được gặp gỡ, được nghe họ kể về quãng đời hoạt động tình báo và cả những câu chuyện đời thường của người vợ, người mẹ, chúng tôi càng thêm yêu kính họ - Nữ điệp báo - Anh hùng CAND.. Năm nay đã 72 tuổi, nhưng bà Năm Thu, tên thường gọi của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đoàn Thị Thu, ở thành phố Hồ Chí Minh vẫn có dáng đi nhanh nhẹn, khỏe mạnh. Bà nhìn chúng tôi mệt nhọc leo từng bậc lên Đền Hạ và nhoẻn cười. "Quả thực là lớp trẻ bọn con thua xa về độ dẻo dai, bền bỉ của lớp đi trước như các bà" - tôi nói với bà Năm Thu. "Bọn địch nó đóng đinh các ngón tay cô nè, chết đi sống lại bao nhiêu lần nhưng mình phải chiến thắng chúng nó về mặt tinh thần chớ" - và bà Năm Thu bắt đầu cuộc trò chuyện rất sôi nổi với chúng tôi. Bà Năm Thu sinh ra và lớn lên ở vùng đất thép Củ Chi, TP HCM, trong một gia đình truyền thống cách mạng. Ngay từ khi còn nhỏ, bà đã biết nhà mình có căn hầm bí mật nuôi giấu cán bộ lãnh đạo Khu ủy. 17 tuổi, Năm Thu bắt đầu nhận nhiệm vụ in tài liệu cho các chú, các anh. Tiệm may của Năm Thu rất đông khách, trong đó không ít khách là đám lính bảo an đang đồn trú trong xã. Thông qua đám này, Năm Thu đã nắm tình hình địch cũng như các hoạt động của chúng. Mỗi đêm, Năm Thu cùng các đoàn viên, thanh niên trong ấp tham gia đào địa đạo và vót chông. Anh hùng Nguyễn Thị Lài (đứng giữa) cùng đồng đội thời kháng chiến chống Mỹ. Sau vụ tổ chức cho đồng đội tiêu diệt tên xã trưởng Quản Sang nổi tiếng ác ôn, Năm Thu bị địch nghi ngờ. Một buổi sáng năm 1958, chúng thấy các chiến sĩ cách mạng ở nhà Năm Thu nên bao vây. Năm Thu chạy một mạch vào rừng và thoát ly theo cách mạng từ đó. Tháng 3/1963, Năm Thu công tác ở An ninh T4, nhiệm vụ của bà là chuyển thư từ, tài liệu và đưa đón cán bộ cách mạng ra vào nội thành. Rất nhiều cơ sở cách mạng do bà xây dựng được thành lập, khắp các xã, huyện ven Củ Chi. Đến năm 1965, bà nhận nhiệm vụ vào hoạt động trong nội thành và xây dựng cơ sở cách mạng tại đây. Với tấm căn cước mang tên Phạm Thị Bửng, một thời gian dài, bà đã qua mắt được chính quyền nơi đây. Ban đầu, bà tiếp tục với nghề may và sinh sống tại nhà một người bà con ở quận Tân Bình. Sau đó, bà làm thuê cho một tiệm vàng, tiếp theo nữa, người ta lại thấy bà quẩy gánh cháo đi khắp hang cùng ngõ hẻm ở đất Sài Gòn và không ai ngờ, cô hàng cháo ấy lại là một nữ biệt động thành, đã gây ra những trận đánh khiến địch vô cùng khiếp sợ. Tháng 7/1967, do một người trong cụm cơ sở mà Năm Thu phụ trách chỉ điểm, bà bị địch bắt. Đó là một ngày tháng 7 năm 1970, sau cuộc họp quan trọng chuẩn bị đánh địch, Năm Thu viết báo cáo giấu vào đôi dép và bí mật chuyển cho giao liên. Không ngờ, lúc đi qua trạm kiểm soát, khi bà đưa ra tấm căn cước, đã bị một tên cảnh sát xé luôn trước mặt và chúng lôi bà vào cho hai cảnh sát nữ khám xét. Do được chỉ điểm từ trước nên chúng đã xé rách đôi dép của bà và phát hiện bản báo cáo. Nơi đầu tiên bà trải qua cảnh tù ngục là Ty Cảnh sát Tân Bình. Tại đây, trước những ngón đòn tra tấn dã man của kẻ thù, bà nhất định không khai nhận và cũng không chỉ nơi giấu hầm súng ở đâu. Bất lực trước nữ chiến sĩ cách mạng kiên cường, bọn cảnh sát ở Ty Cảnh sát Tân Bình đã phải đưa bà sang trung tâm thẩm vấn cầu Băng ky - nơi nổi tiếng với các đòn tra tấn hiểm ác. Tất cả các ngón đòn ở đây bà đều trải qua, từ chích điện, đổ nước xà phòng vào mặt, dùng dùi cui đánh vào người. Nhưng kết quả mà chúng nhận được vẫn chỉ là cái lắc đầu "không biết". Chúng tiếp tục chuyển bà về bốt Hàng Keo và tiếp tục màn tra tấn. Đến khi biết rằng không thể khai thác được gì ở Năm Thu, chúng chuyển bà xuống Trung tâm cải huấn Thủ Đức. Một thời gian sau, bà bị đưa về Tổng nha Cảnh sát. Đây cũng không có gì khác ngoài các màn tra tấn, nhưng tài liệu để chúng buộc bà phải nhận mình là Năm Thu thì nhiều hơn. Chúng đưa ra hình ảnh một số đồng đội của bà và bắt bà nhận dạng, trong đó có Bảy Hoàng, người từng giao lại cho bà cụm cơ sở giao liên. Sau 3 ngày tra tấn, chúng dẫn bà tới một căn phòng, bên trong đã có Bảy Hoàng ngồi đợi. Bảy Hoàng nói với bà: "Họ đánh quá anh không chịu nổi đã nhận hết rồi". Giận con người phản bội, bà giơ tay tát luôn Bảy Hoàng và bị bọn địch đánh ngất luôn. Khi bà tỉnh lại, chúng buộc bà vào ghế băng, đổ nước vào miệng bà đến khi đầy lại thúc chân vào bụng. Kinh khủng nhất là chúng dùng đinh đóng vào mười đầu ngón tay. Nhưng điều chúng nhận được chỉ là ánh mắt căm hờn của nữ chiến sĩ cách mạng can trường, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, quyết hy sinh tính mạng mình để bảo vệ cách mạng. Sau này, chúng đưa bà ra tòa, Năm Thu bị xử 1 năm án treo. Chồng bà cũng bị bắt năm 1967 và bị địch đày ra Phú Quốc. Ông bị tra tấn đến mù hai mắt nhưng vẫn giữ vững khí tiết không khai bất cứ lời nào. Năm 1980, ông đã mất do bệnh tật. Bà ở vậy thờ chồng nuôi con và trước khi về hưu giữ cương vị Trưởng Công an quận Tân Bình. Anh hùng Nguyễn Thị Lài. Anh hùng Nguyễn Thị Lài, nữ chiến sỹ Điệp báo hoạt động nội thành, thành phố Huế thời kỳ kháng chiến chống Mỹ thật bình dị trong vòng tay của các cháu học sinh tiểu học. Nụ cười của cô vẫn tươi rói như thủa đôi mươi. Cô hồ hởi cho biết, được tham gia cuộc hành quân đặc biệt giữa thời bình, được cùng 1.000 Anh hùng về Hà Nội dự Đại lễ, cô rất đỗi tự hào. Là người con gái Huế, sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống cách mạng nên cô tham gia hoạt động từ thời niên thiếu. 14 tuổi, cô con gái duy nhất vốn được bố mẹ rất đỗi yêu thương, cưng chiều đi ở theo yêu cầu của tổ chức. Cô bé "ô sin" nhỏ bé nhưng nhanh nhẹn biết làm đủ việc, từ dọn dẹp nhà cửa, bế em đến đi chợ, nấu nướng. Thế nên những vị chủ nhà vốn là cảnh sát ngụy rất yêu quý cô bé giúp việc nhanh nhảu, chu toàn này. Họ không nghĩ rằng, người giúp việc cho "ngài Cảnh sát" hàng đêm vẫn đi dán truyền đơn, khẩu hiệu. Sự trưởng thành của thiếu niên yêu nước Nguyễn Thị Lài được các đồng chí lãnh đạo của ta ở khu vực nội thành, thành phố Huế ghi nhận. Bằng chứng là cô chính thức gia nhập lực lượng điệp báo, được giao trọng trách là tổ trưởng tổ trinh sát. Người con gái quê gốc ở xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tham gia nhiều trận đánh. Có những trận mà hôm nay nhắc lại vẫn vẹn nguyên trong cô những cảm xúc tươi mới. Đó là năm 1971, theo yêu cầu của tổ chức, cô buộc phải có mối quan hệ yêu đương với một Đại úy ngụy tên Quang. Giữa cô và Quang trước đây vốn là bạn học cũ. Khi lớn lên, mỗi người chọn cho mình một con đường. Cô được giác ngộ, nguyện đi theo lý tưởng của người Cộng sản. Còn Quang, gia nhập quân đội ngụy. Tổ chức của ta quyết định phải giác ngộ Quang. Người có khả năng làm nhiệm vụ này là cô Lài. Thế nên, khi bắt tay thực hiện nhiệm vụ này cũng đồng nghĩa với việc, cô nhận lời là người yêu của Quang. Nhờ vỏ bọc là bạn gái của Đại úy Quang, nữ điệp báo Nguyễn Thị Lài đã thu nhận được nhiều thông tin quý báu. Cũng từ mối quan hệ này mà khi thực hiện nhiệm vụ diệt ác, trừ gian của cô thuận lợi hơn. Năm 1971, cô Lài bị địch bắt khi thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt tên Liên Thành, Trưởng ty Cảnh sát Thừa Thiên - Huế. Vụ mưu sát không thành, cô bị địch bắt và bị tra tấn dã man. Trong nhà lao của địch, cô vẫn mưu trí, khôn khéo đấu tranh để chúng không moi được bất kỳ thông tin nào. Cùng với đồng đội trong lực lượng trinh sát vũ trang như đồng chí Trần Đình Phong (sau này là Trưởng Công an thành phố Huế)..., cô đã có đóng góp tích cực trong cuộc đấu tranh Mỹ, ngụy. Năm 1976, một năm sau ngày cả nước thống nhất, cô vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Vốn là một nữ chiến sỹ điệp báo, một Anh hùng CAND nên suốt những năm công tác tại Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, cô đã phát huy những phẩm chất tốt đẹp của người chiến sỹ cách mạng. Hạnh phúc riêng của cô được gây dựng năm 1980 cùng người đồng chí Phạm Xuân Dương. Cả hai vợ chồng cùng công tác trong ngành Công an là một vinh dự lớn. Đến nay, hai con của cô cũng là những chiến sỹ trẻ công tác tại Công an thành phố Huế. Trong đời thường, nữ Anh hùng Nguyễn Thị Lài rất bình dị. Cô luôn nhận được sự tin yêu của bà con lối xóm, tổ chức đoàn thể. Nữ điệp báo - Anh hùng CAND có những năm tháng chiến đấu trong lòng địch thật oai hùng. Khi trở về đời thường, họ là người vợ, người mẹ rất đỗi thân thương, bình dị. Phẩm chất ấy càng làm đẹp thêm hình ảnh những nữ chiến sỹ Công an kiên cường trong chiến đấu, dễ mến trong đời thường

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/trongmatdan/2010/10/138528.cand