Kiểm tra miệng: Quan trọng phương pháp thực hiện!

Quan trọng không phải là có kiểm tra miệng hay không mà mấu chốt ở chỗ giáo viên sử dụng hình thức/phương pháp kiểm tra ra sao. Áp lực vừa phải, áp lực đúng tâm sinh lý độ tuổi, áp lực nhưng không tiêu cực, chèn ép… thì vẫn ổn, đâu có sao.

Xuất phát từ khuyến nghị của Sở GD-ĐT TP.HCM về việc không nên kiểm tra bài đầu giờ “theo kiểu kêu bất chợt, hỏi bất chợt” vì sẽ khiến học sinh dễ căng thẳng, áp lực, nhiều người đồng tình, ủng hộ nhưng cũng không ít người cảm thấy không hợp lý và phản đối.

Báo Pháp Luật TP.HCM tiếp tục gửi đến bạn đọc bài viết của ThS Lê Minh Huân, Nguyên Giảng viên Khoa Tâm lý học, Đại học Sư phạm TP.HCM, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Tâm lý – Giáo dục An Nhiên để có cái nhìn đa chiều về vấn đề này.

Tiếng lòng học sinh

Đã từng là HS, thú thật, tôi thường cảm thấy lo lắng, bất an và hồi hộp khi giáo viên (GV) kiểm tra đầu giờ. Hôm nào, GV “chốt hạ”: “Hôm nay, không kiểm tra miệng”, cả lớp sẽ “ồ - yeah!” đầy vui sướng. Một người tinh ý, một GV quan tâm sẽ nhận ra, giờ học hôm đấy hiệu quả và tích cực hơn rất nhiều khi mức độ hưởng ứng, giơ tay phát biểu, lẫn “biết ơn” GV thể hiện rất rõ ràng.

Trải qua tuổi học trò đã hơn 15 năm, tôi vẫn còn toát mồ hôi hột mỗi khi mơ thấy mình sắp bị gọi lên bảng kiểm tra miệng, dù cho đã rất thuộc bài. Tôi biết, tôi đã căng thẳng, kể cả trong mơ khi bản thân đã là giảng viên đại học.

Thực tế, vấn đề kiểm tra, đánh giá luôn được các nhà sư phạm, tâm lý – giáo dục quan tâm. Đơn cử vào tháng 12-2018 một cuộc khảo sát của GS TS Huỳnh Văn Sơn và cộng sự với 181 HS THCS ở TP.HCM đã đưa ra kết quả đáng lưu ý. Với câu hỏi "Cần như thế nào mới cảm thấy hạnh phúc khi đến trường mỗi ngày?“

Thạc sĩ Lê Minh Huân tại một buổi nói chuyện ở Trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Ảnh: NVCC

82,4% HS mong GV tổ chức những tiết dạy xen lẫn vui chơi, trao đổi thảo luận.
75,4% HS hy vọng GV đừng cho học thuộc lòng quá nhiều.
66,3% HS "ước gì" GV bớt cho bài tập về nhà.
62,4% ý kiến muốn GV tăng cường những tiết dạy thực tế, kết hợp dã ngoại.
Có thể thấy, việc học thuộc lòng để trả bài/kiểm tra miệng dễ gây áp lực cho HS hơn, ít HS thấy thoải mái và thích ứng tốt với điều này. HS vẫn có thể học thuộc lòng, vẫn chấp nhận việc kiểm tra miệng nhưng đừng “quá nhiều”, thay vào đó hãy tổ chức những tiết dạy “xen lẫn vui chơi, trao đổi thảo luận”, cũng “bớt cho bài tập về nhà”, hy vọng có những tiết học tăng cường đi thực tế, dã ngoại…
Đó là tiếng lòng của HS, tuy không “bài trừ” kiểm tra miệng/học thuộc lòng hay bài tập về nhà nhưng việc gia giảm tần suất, mức độ, số lượng cho những bài kiểm tra “hình thức” sẽ tăng trưởng sự thoải mái, vui vẻ của HS hơn. Điều này, giúp tăng khả năng lĩnh hội, thể hiện kiến thức, kỹ năng của học sinh trong quá trình dạy và học.

Kiểm tra miệng chỉ là một cách đánh giá

Một tài khoản Facebook tên NK chốt hạ xanh rờn: “Giáo dục chưa bao giờ vui”. Đáng nói là nhiều người “ủng hộ nhiệt liệt” quan điểm có phần “vơ đũa cả nắm” này! Trải nghiệm chủ quan của cá nhân không thể áp lên toàn thể/tất cả, và kinh nghiệm của mấy mươi năm về trước của nhiều thế hệ, có thể đã cũ trong xã hội/con đường giáo dục vốn dĩ cần mạnh mẽ thay đổi và tiến bộ như hiện nay. Nhóm người phản bác việc “hạn chế/bỏ kiểm tra đầu giờ” đưa ra các phân tích nhằm bảo vệ quan điểm giáo dục là phải áp lực, phải căng thẳng, bỏ kiểm tra miệng giống như việc khiến HS ngày càng kém năng lực thích ứng, học tập giảm sút và không đủ sức cạnh tranh với thế giới. Điều này chỉ là võ đoán/tiếp cận bó hẹp.

Thạc sĩ Lê Minh Huân trong một buổi nói chuyện với học trò. Ảnh: NVCC

Suy cho cùng, khi tranh luận không xuất phát từ tầm nhìn chung/góc nhìn đa diện, sẽ chỉ là “cuộc cãi vã” không hồi kết, lạc hướng và thể hiện sự đấu đá hay sự hạn hẹp về mặt kiến thức và trải nghiệm. Ngoài ra, nếu thiếu góc nhìn đúng đắn dựa vào chuyên môn sư phạm, tâm lý, giáo dục thì các nhận định chưa đủ sức thuyết phục.

Công bằng mà nói, trả bài đầu giờ chỉ là một trong các hình thức kiểm tra – đánh giá trong giáo dục, bên cạnh các kì kiểm tra, thi cử, các bài thu hoạch, bài tập, thực hành... Không vì “trả bài đầu giờ” mà khiến HS giỏi hơn hay dở hơn, một khi GV có thực lực, có năng lực sư phạm, vừa khéo léo, vừa tinh tế, tâm lý thì giúp HS nắm được kiến thức, tiến bộ về mặt đạo đức là chuyện không khó khăn gì. Quan trọng nhất là phương pháp, tầm nhìn và năng lực sư phạm của người Thầy.

Việc giữ hay hạn chế/bỏ kiểm tra miệng theo đó cần những giải pháp hợp lý, tích cực hơn trong khâu triển khai, thực hiện để trẻ cảm thấy áp lực vừa đủ, tâm lý vẫn thoải mái, vui vẻ đón nhận, nỗ lực học tập để đạt được kết quả như kì vọng.

Trường hợp 1: Vẫn giữ kiểm tra miệng

Việc kiểm tra bài HS đầu giờ có cái lý của nó trong việc dạy học nhưng làm kiểu bất chợt, áp lực, tung hỏa mù, gây căng thẳng chắc chắn là không nên. Tình trạng, GV vì ghét HS mà kiểm tra nhiều lần trong ngày/tuần càng thể hiện sự yếu kém trong năng lực quản lý cảm xúc và năng lực sư phạm. Thiếu gì cách kiểm tra miệng đầy dễ thương, sư phạm, tích cực, nghiêm túc nhưng không chèn ép sẽ vẫn giúp tăng trưởng kiến thức ở HS.

Chẳng hạn: đố vui kiến thức, đưa ra hình ảnh để HS đoán từ/câu khóa, kể chuyện liên quan đến bài học, trắc nghiệm ngắn, cho HS điền khuyết vào giấy, lấy tinh thần xung phong, lấy điểm cao đối với HS làm bài tập/thu hoạch sau mỗi bài học, thậm chí cho điểm phát biểu vào cột kiểm tra miệng khi học sinh phát biểu tốt.

Trường hợp 2: Hạn chế/bỏ kiểm tra miệng

Chúng ta phải đồng ý rằng, giữa rừng đồng nghiệp luôn kiểm tra miệng, có một GV không kiểm tra miệng/ít kiểm tra miệng được xem như "quý nhân" của HS. HS đem lòng yêu mến, quý trọng vì “GV hiểu tâm lý”. Đôi khi vì yêu mến, vì kính trọng mà sợ Thầy Cô buồn nên học đầy trách nhiệm và bài vở đâu vào đấy. Khi tâm lý thoải mái, sức tập trung chú ý phát huy tác dụng, HS học hành tiến tới hơn nhiều. Điều này không thể chối cãi.

Việc kiểm tra bài đột xuất, đôi khi tạo ra tác dụng ngược, chẳng những đánh giá thiếu toàn diện/sai năng lực của trẻ, còn ảnh hưởng xấu đến tâm lý chung của HS.

Không kiểm tra miệng không phải là "khai tử" kiến thức của HS. Mỗi người có phong cách học tập khác nhau (nghe, nhìn, vận động - cảm giác, đọc/viết) cho nên kiểm tra miệng chỉ phù hợp với HS có kiểu ghi nhớ bằng nghe là chủ yếu. Trong khi đó kiểm tra viết phù hợp với HS có phong cách học tập nhìn/viết, kiểm tra bằng sơ đồ phù hợp với HS kiểu nhìn/vận động – cảm giác, kiểm tra bằng thơ ca, vè, họa, hoạt động... lại phù hợp với học kiểu HS vận động – cảm giác hơn...

Không kiểm tra miệng mà HS vẫn học tốt, vẫn giữ được phong độ hay tiến bộ mới đáng bàn - năng lực sư phạm ở chỗ đó.

Ủng hộ hay phản đối?

Với vai trò là giảng viên giảng dạy tại Đại học Sư phạm TP.HCM nhiều năm, tôi vẫn thường nhắc nhở sinh viên của tôi – những thầy cô giáo tương lai: “Hãy hạn chế kiểm tra miệng, đặc biệt đừng quá chú trọng đánh giá năng lực, kiến thức của trẻ chỉ qua việc nhớ và trả bài”. Nếu nhà trường bắt buộc phải có cột kiểm tra miệng, hãy khéo léo tạo ra những giờ kiểm tra miệng ý nghĩa, thoải mái nhưng vẫn đủ nghiêm túc, mô phạm. Quan trọng không phải là có kiểm tra miệng hay không mà mấu chốt ở chỗ giáo viên sử dụng hình thức/phương pháp kiểm tra ra sao. Áp lực vừa phải, áp lực đúng tâm sinh lý độ tuổi, áp lực nhưng không tiêu cực, chèn ép… thì vẫn ổn, đâu có sao.

Hiện tại, dù đã trở thành giảng viên đại học, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn mơ thấy mình đang toát hết mồ hôi hột vì GV đứng lớp gọi lên trả bài. Tôi cảm thấy áp lực còn “dư vị” đến tận hơn 20 năm. Tôi biết, tôi hiểu và tôi thông cảm cho thầy cô tôi rất nhiều – vì tôi quan sát chung quanh, ai cũng làm vậy cả! Trước đây, thầy cô tôi không có quá nhiều điều kiện để tiếp cận các môn: Tâm lý học giáo dục, Tâm lý học lứa tuổi, Tâm lý học sư phạm, Tổ chức hoạt động giáo dục, Giáo dục phổ thông, Giao tiếp sư phạm… như tôi đã được học và đang giảng dạy cho sinh viên các trường sư phạm. Còn bây giờ, GV trẻ được học đầy đủ nhưng vẫn kiểm tra theo cách cũ thì tôi không ủng hộ.

Tóm lại, kiểm tra miệng vẫn ổn nhưng đừng cố gắng “thị uy”, gây hoang mang, tung hỏa mù, “làm đau tim” học trò là được. Thay vào đó, hãy lựa chọn những phương pháp mới mẻ, thú vị, phản ánh đúng thực lực của học sinh. Còn nếu bỏ qua/ngưng kiểm tra miệng hãy kiểm tra năng lực tiếp thu, ghi nhớ, lưu trữ và tái hiện thông tin/kiến thức của trẻ qua những câu hỏi trong giờ giảng, những bài tập tại lớp hay những phương pháp dạy – học – kiểm tra – đánh giá tích cực hơn.

Riêng tôi, tôi ủng hộ việc giảm/thay đổi hình thức kiểm tra kiến thức đầu giờ như Sở GD&ĐT TP.HCM khuyến nghị. Thậm chí, từ từ bỏ hẳn kiểm tra miệng về sau nhưng phải quán triệt rằng, hạn chế/hoặc bỏ đi kiểm tra miệng… không đồng nghĩa với việc thả lỏng, dễ dãi trong kiểm tra - đánh giá HS/ghi nhận thành tích, cố gắng của trẻ, vẫn rất cần sự công tâm, quan tâm và sâu sắc suốt quá trình học tập của trẻ, hướng dẫn học tập, giáo dục một cách nghiêm túc, tích cực để có đánh giá phù hợp, phát triển tốt nhất nhân cách người học.

ThS Lê Minh Huân, Nguyên Giảng viên Khoa Tâm lý học – ĐH Sư phạm TP.HCM, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Tâm lý – Giáo dục An Nhiên.

Nguồn PLO: https://plo.vn/kiem-tra-mieng-quan-trong-phuong-phap-thuc-hien-post752775.html