Kiểm tra, giám sát các hoạt động tàu cá không thể làm kiểu 'thầy bói xem voi'

Trong lần thanh tra thứ 4, Ủy ban châu Âu (EC) vẫn duy trì cảnh báo 'thẻ vàng' với thủy sản Việt Nam. Một trong vấn đề được EC cảnh báo đó là việc xử phạt tình trạng tàu cá mất kết nối còn hạn chế.

Tình trạng kiểm tra, giám sát các tàu cá đặc biệt các tàu cá mất kết nối từ 6 tháng trở lên vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.

Khó kiểm soát hoạt động các tàu mất kết nối

Theo báo cáo của Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cả nước vẫn còn 4.375 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên không duy trì kết nối VMS trên 6 tháng; có 15.198 tàu cá chưa đăng ký tại các địa phương; cá biệt vẫn còn 7 tàu cá ở Kiên Giang (5 tàu cá), Quảng Ngãi, Tiền Giang có chiều dài 24m trở lên vượt ranh giới trên biển.

Chia sẻ tại “Hội nghị trực tuyến về hướng dẫn truy xuất nguồn gốc thủy sản, phục vụ đợt kiểm tra sắp tới của đoàn công tác Ủy ban châu Âu (EC)” ngày 21/2, ông Vũ Duyên Hải, Trưởng Phòng Khai thác thủy sản (Cục Thủy sản), cho biết: Hiện nay những tàu mất kết nối tập trung ở các tỉnh Nghệ An, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Bến Tre, Hải Phòng, Thái Bình, Kiên Giang, Bình Thuận… Đây là những địa phương có số tàu trên 15m mất kết nối dài ngày trên 6 tháng nhiều nhất.

Theo ông Hải, Cục Thủy sản đã có công văn yêu cầu các địa phương cần báo cáo cụ thể về vị trí và tình trạng của những con tàu mất kết nối dài ngày nhưng hiện nay những báo cáo gửi về còn rất sơ sài, chủ yếu chỉ báo cáo về vị trí của các tàu, chưa có báo cáo chi tiết về tình trạng và hoạt động các tàu gây khó khăn trong công tác kiểm soát các hoạt động của các tàu cá mất kết nối trên biển.

Ông Vũ Duyên Hải, Trưởng Phòng Khai thác thủy sản (Cục Thủy sản), cho biết việc cập nhật danh sách về các tàu cá nguy cơ vi phạm IUU còn hạn chế.

Mặt khác, việc cập nhật danh sách về các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm chống khai thác thủy sản trái phép IUU cũng còn hạn chế.

“Vừa qua, Cục Thủy sản đã phát triển công cụ trên hệ thống phần mềm giám sát tàu cá VMS để các tỉnh cập nhật tàu cá có nguy cơ cao vi phạm IUU của địa phương mình. Đề nghị các địa phương sau khi có danh sách tàu cá nguy cơ cao vi phạm IUU sẽ chủ động cập nhật lên trên cơ sở dữ liệu của VMS để thuận tiện cho các cơ quan quản lý giám sát hoạt động của các tàu này”, ông Hải chia sẻ.

Tăng cường kiểm soát các hoạt động tàu cá có nguy cơ vi phạm quy định IUU

Cục trưởng Thủy sản Trần Đình Luân cũng nhận định: Hiện nay một số báo cáo về quản lý các hoạt động của tàu cá chưa thực sự thể hiện được thực tế tại địa phương. Chia sẻ câu chuyện đi kiểm tra thực tế ở Thái Bình, Cục trưởng đã thẳng thắn phê bình báo cáo của tỉnh mới chỉ mang tính chất “Thầy bói xem voi” chưa phản ánh được đúng thực tế về tình trạng tàu cá thực tế tại địa phương.

Cục trưởng Thủy sản Trần Đình Luân phê bình các địa phương làm báo cáo về việc giám sát hoạt động tàu cá còn sơ sài.

“Ở Thái Bình tôi chia sẻ thẳng thắn các báo cáo của địa phương chẳng khác gì là “thầy bói xem voi”. Các tiêu chí đăng ký tàu cá, cấp phép và lắp thiết bị giám sát hành trình (VMS)…, mục nào báo cáo cũng hay cả nhưng khi logic giữa các mục với nhau thì không có mục nào khớp với mục nào. Hay thí dụ như việc lắp VMS, địa phương báo cáo tiến độ lắp VMS đạt hơn 80% nhưng còn đến 25 tàu cá mất kết nối trên 6 tháng và 15 tàu cá mất kết nối trên 1 năm thì lại không đưa vào báo cáo. Nếu chúng ta không nhìn thẳng vào thực tế thì báo cáo của chúng ta chỉ mang tính chất báo cáo cho xong thì sẽ không giải quyết được các vấn đề hiện nay”, ông Luân nhấn mạnh.

Về việc tăng cường kiểm soát các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm IUU, Cục trưởng Trần Đình Luân yêu cầu các địa phương và các cơ quan chức năng cần nghiêm túc hơn nữa trong việc kiểm tra giám sát hoạt động của các tàu này để tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ tàu, các doanh nghiệp và ngư dân.

Để thực hiện tốt công tác chuẩn bị làm việc với đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) lần thứ 5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, thành phố ven biển rà soát, kiểm tra và xác định rõ tình trạng các tàu cá mất kết nối VMS trên 6 tháng hiện đang ở đâu, đang hoạt động hay nằm bờ, chủ sở hữu, hồ sơ đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác.

Đối với những tàu thiếu hồ sơ gốc để làm cơ sở cấp giấy phép khai thác thủy sản, các cơ quan chức năng địa phương khẩn trương triển khai hướng dẫn bà con ngư dân, chủ tàu. Đặc biệt, riêng đối với những tàu cá hành nghề khai thác những nghề đã bị cấm thì sẽ không được cấp phép. Đồng thời, trong thời gian tới, Cục Thủy sản sẽ tiếp tục đẩy mạnh phối hợp lực lượng Bộ đội Biên phòng, đặc biệt là các đồn biên phòng ven biển thực hiện việc kiểm soát tàu cá hiệu quả, chặt chẽ hơn, đáp ứng được yêu cầu, khuyến nghị của EC cũng như bảo đảm giúp ngành thủy sản phát triển bền vững, minh bạch, trách nhiệm với cộng đồng.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/kiem-tra-giam-sat-cac-hoat-dong-tau-ca-khong-the-lam-kieu-thay-boi-xem-voi-post796953.html