Kiểm tra đột xuất, 100% cơ sở kinh doanh thuốc đều có sai phạm

Thời gian qua, cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh đã phát hiện nhiều vi phạm của các nhà thuốc trên địa bàn thành phố. Đến mức, cứ kiểm tra là có sai phạm, thậm chí nhiều nhà thuốc có thương hiệu lớn cũng có chung tình trạng…

Liên tục xử phạt các nhà thuốc vi phạm

Mới đây, ngày 4/5, Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã công bố quyết định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực dược - mỹ phẩm - thiết bị y tế - đấu thầu, trong đó nhiều nhà thuốc đã bị xử phạt. Cụ thể, Nhà thuốc Việt Hải (452 Nguyễn Trãi, phường 8, quận 5) bị xử phạt 45,5 triệu đồng, đồng thời tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề dược của ông Võ Sỹ Nhật trong thời gian 4,5 tháng, buộc nộp lại số tiền do mua bán thuốc không có giấy đăng ký lưu hành.

Đoàn công tác của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hồ Chí Minh khảo sát tại nhà thuốc Long Châu, quận Tân Phú hôm 3/5.

Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh xác định Nhà thuốc Việt Hải có hàng loạt vi phạm như: Mua bán thuốc không có giấy đăng ký lưu hành, mở rộng cơ sở bán lẻ thuốc mà không có báo cáo sự thay đổi kèm theo tài liệu kỹ thuật tương ứng với sự thay đổi theo quy định của pháp luật, bảo quản thuốc không đúng điều kiện ghi trên nhãn thuốc, bán lẻ thuốc không đúng với phạm vi ghi trong giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược...

Hộ kinh doanh Nhà thuốc Vinh Duyên (227 Gò Dưa, Khu phố 2, phường Tam Bình, TP Thủ Đức) bị xử phạt 3,8 triệu đồng, buộc tiêu hủy số thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Nhà thuốc Vinh Duyên bị xác định đã không mở sổ hoặc không sử dụng máy tính để quản lý nhập, xuất, tồn trữ, theo dõi số lô, hạn dùng, nguồn gốc của thuốc và thông tin liên quan khác theo quy định của pháp luật, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ (Cophalex 250, Colchicin 1mg, Klamentin 500/125, Esomeprazol 400mg)…

Ngoài các quyết định xử phạt kể trên, từ đầu năm 2024 đến nay, Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng đã liên tục ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhiều nhà thuốc tây, hộ kinh doanh thuốc vì hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ…

Đơn cử vào giữa tháng 4 vừa qua, Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã công bố quyết định xử phạt hộ kinh doanh nhà thuốc Vạn Hạnh (20 Nam Cao, khu phố 1, phường Tân Phú, TP Thủ Đức) số tiền 27,8 triệu đồng. Đồng thời, buộc tiêu hủy số thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp do kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Với một số lỗi tương tự, hộ kinh doanh Nhà thuốc Thiên Minh Phúc 8 (268 Long Phước, phường Long Phước,TP Thủ Đức) bị phạt 8,8 triệu đồng. Nhà thuốc Thùy Trang (267 Kha Vạn Cân, khu phố 6, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) bị phạt 23 triệu đồng, do bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc, không mở sổ hoặc không sử dụng máy tính để quản lý nhập, xuất, tồn trữ, theo dõi số lô, hạn dùng, nguồn gốc của thuốc và thông tin liên quan khác theo quy định của pháp luật…

Trước đó, vào đầu tháng 1 và 2/2024, hàng chục nhà thuốc cũng bị xử phạt từ 15 đến hơn 40 triệu đồng vì các lỗi vi phạm tương tự…

Lỗ hổng trong công tác quản lý, giám sát các nhà thuốc

Liên quan trực tiếp đến vấn đề này, ngày 3/5, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hồ Chí Minh đã có buổi khảo sát về công tác quản lý và sử dụng thuốc tại một số cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn quận Tân Phú. Trong đó, tại nhà thuốc Long Châu (thuộc Công ty cổ phần Dược phẩm FPT Long Châu) số 225 Thoại Ngọc Hầu, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, đoàn giám sát phát hiện một số hộp thuốc 100% ghi chữ nước ngoài, trong bao bì không có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt. Đồng thời, nhà thuốc cũng không niêm yết bảng giá thuốc theo quy định. Có một số loại thuốc tại nhà thuốc Long Châu, giá bị đẩy lên chênh lệch với giá thị trường 30%-40%; một số loại thuốc không rõ tem mác, không cung cấp được hóa đơn, chứng từ chứng minh nơi xuất xứ…

Theo báo cáo của UBND quận Tân Phú, tính hết tháng 4, trên địa bàn có 424 cơ sở kinh doanh dược (nhà thuốc), trong đó có 61 doanh nghiệp; 359 là cơ sở, hộ kinh doanh và 4 doanh nghiệp dược liệu.

Từ năm 2022 đến nay, quận Tân Phú đã tổ chức kiểm tra được 423 cơ sở, phát hiện 19 cơ sở có sai phạm với tổng số tiền phạt trên 75 triệu đồng; đồng thời quận cũng đã tổ chức được 3 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn với hơn 700 người tham dự…

Tuy nhiên, theo giãi bày của BS CKII Mai Đức Thọ, Trưởng phòng Y tế quận Tân Phú, để tạo thuận lợi và thực hiện nghiêm việc không gây phiền hà cho hộ kinh doanh, trước khi thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, quận đã ban hành văn bản gửi cho họ về ngày, giờ sẽ đến kiểm tra… nên các cơ sở này có thời gian chuẩn bị trước. Còn nếu kiểm tra đột xuất thì 100% cơ sở kinh doanh thuốc đều có sai phạm.

Như vậy, có thể thấy việc kiểm tra, giám sát mà được báo trước như nói trên thì kết quả kiểm tra sẽ không còn chính xác, thậm chí mang tính hình thức. Theo ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hồ Chí Minh, việc cơ sở kinh doanh thuốc để thuốc và thực phẩm chức năng cùng một kệ thuốc, không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ; giá thuốc bị đội lên so với giá thị trường… khiến người dân bị thiệt hại khi mua thuốc. Vì vậy, trong công tác kiểm tra, quận Tân Phú cần thực hiện chặt chẽ hơn, xử phạt nghiêm những cơ sở kinh doanh thuốc, dược liệu có sai phạm. Đồng thời, quận cần yêu cầu các cơ sở phải dán bảng công khai niêm yết giá thuốc ở những nơi, chỗ thuận tiện nhất cho người dân khi tới mua thuốc có thể so sánh giá với hóa đơn và truy vết được nguồn gốc thuốc…

Theo bà Trịnh Thị Mai Trinh, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú, thời gian qua, quận luôn quan tâm, giám sát chặt các cơ sở kinh doanh thuốc, thực phẩm chức năng vì đây là những sản phẩm liên quan trực tiếp tới sức khỏe người dân. Tuy nhiên, qua buổi làm việc với đoàn khảo sát, quận nhìn nhận có lỗ hổng trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát các cơ sở này, công tác tuyên truyền pháp luật chưa hiệu quả. Quận Tân Phú sẽ rà soát, chỉ đạo quyết liệt các đơn vị liên quan và địa phương để công tác kiểm tra, giám sát cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn được chặt chẽ hơn trong thời gian tới.

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, khi phát hiện đơn vị, cơ sở nào kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc không có số đăng ký hoặc quảng cáo gây nhầm lẫn giữa thuốc và thực phẩm bảo vệ sức khỏe, người dân có thể báo lên ứng dụng y tế trực tuyến hoặc đường dây nóng của Sở Y tế. Trên cơ sở đó, Sở Y tế sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm (nếu có) ngay sau khi nhận được phản ánh.

Phú Lữ - Lê Quang

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/kiem-tra-dot-xuat-100-co-so-kinh-doanh-thuoc-deu-co-sai-pham-i730516/