Kiểm toán Nhà nước: Vẫn còn bất cập trong cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước

Công tác cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra và đang tồn tại nhiều bất cập cần tháo gỡ.

Cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước là một chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ nhằm phát huy nguồn lực của toàn xã hội để nâng cao năng lực hoạt động cho các doanh nghiệp Nhà nước. Tuy nhiên trong nhiều năm trở lại đây, công tác này vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra và đang tồn tại nhiều bất cập cần tháo gỡ.

Vẫn còn bất cập trong cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước

Năm 2021 có 4 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 333 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 196 tỷ đồng. Năm 2022, có 1 doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 309 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 278 tỷ đồng.

9 tháng năm 2023, các đơn vị tiếp tục triển khai công tác cổ phần hóa theo phê duyệt kế hoạch sắp xếp lại, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022, và chưa có doanh nghiệp nào hoàn thành cổ phần hóa.

Liên quan đến hoạt động thoái vốn nhà nước: Trong năm 2021, đã thoái vốn tại 18 doanh nghiệp với giá trị 1.665 tỷ đồng, thu về 4.402 tỷ đồng; Năm 2022, thoái vốn tại 1 doanh nghiệp với giá trị 195 tỷ đồng, thu về 390 tỷ đồng; các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thoái vốn tại 31 doanh nghiệp với giá trị là 688,7 tỷ đồng, thu về 3.900,6 tỷ đồng. 10 tháng của năm 2023, thoái vốn nhà nước tại 4 doanh nghiệp với giá trị 8,8 tỉ đồng đã thu về 19 tỉ đồng. Các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đã thoái vốn tại 7 doanh nghiệp với giá trị là 53,5 tỉ đồng, thu về 206,3 tỉ đồng. Và tính đến tháng 10-2023, có 49 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp theo Quyết định số 360 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Có nhiều nguyên nhân khiến công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước bị chậm tiến độ và đã được cơ quan quản lý nhà nước nhận diện, đưa ra các giải pháp căn cơ.

Ở góc độ kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã chỉ ra một số tồn tại trong công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Năm 2022, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2021 và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước của các tập đoàn, tổng công ty. Ở góc độ kiểm toán, KTNN đã chỉ ra một số tồn tại trong công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đồng thời kiến nghị một số giải pháp.

Theo KTNN, các tập đoàn, tổng công ty đang nắm giữ khoảng 63% tổng vốn chủ sở hữu của DNNN và khoảng 65% tổng tài sản của DNNN trong cả nước. Nếu nguồn lực này được phát huy sẽ mang lại những kết quả rất quan trọng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, cùng với việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước còn nhiều sai sót như kết quả kiểm toán đã chỉ ra thì việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước chưa đạt kế hoạch, yêu cầu; một số dự án lớn còn vướng mắc đang cản trở sự phát triển của nhiều DNNN.

Kết quả kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2021 và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước của các tập đoàn, tổng công ty và công ty cũng cho thấy, một số công trình đã hoàn thành nhiều năm chưa được nghiệm thu, quyết toán; một số dự án dừng, giãn tiến độ, chậm tiến độ, dừng thi công còn tồn đọng chi phí dở dang lớn. Một số doanh nghiệp được KTNN nêu con số như: Vicem Tam Điệp có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lên tới 8,24 lần, Công ty CP Lương thực Yên Bái 6,22 lần, Công ty CP Lương thực Cao Lạng 5,66 lần, Công ty CP Xuất nhập khẩu Lương thực - TP.Hà Nội 3,91 lần.

Vấn đề nổi cộm hơn cả được chỉ ra qua kết quả kiểm toán là một số tập đoàn, tổng công ty, công ty chưa thoái vốn đầu tư theo kế hoạch được duyệt, trong đó Công ty mẹ - Sonadezi chưa thoái vốn tại 03/09 công ty; Vinafood1 chưa hoàn thành giảm tỷ lệ vốn Nhà nước tại 06 công ty con và chuyển nhượng 100% vốn nhà nước tại 11 công ty con và công ty liên kết; Vinafor chưa hoàn thành thoái vốn theo tiến độ, phương án được phê duyệt tại 10/13 đơn vị. Một số DN chưa được phê duyệt quyết toán vốn nhà nước khi chính thức chuyển sang công ty cổ phần...

Nhận xét về vướng mắc trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, ở góc nhìn chuyên gia, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, nhiều doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, đa ngành, đa lĩnh vực, sở hữu nhiều đất, trong khi gặp khó khăn về xác định giá trị doanh nghiệp, đặc biệt là liên quan đến đất.

Theo đại diện Bộ Tài chính, nhìn chung, công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN đã được đẩy mạnh nhưng vẫn chưa đạt được kế hoạch đề ra. Nguyên nhân do việc sắp xếp cơ sở nhà đất, vướng mắc về thủ tục, hồ sơ đất đai; các nhà đầu tư chưa thực sự quan tâm đến các thương vụ bán cổ phần lần đầu và thoái vốn của DNNN dẫn đến tình trạng tỷ lệ nắm giữ vốn nhà nước tại các DN vẫn cao. Một số cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đứng đầu DN còn chưa quyết liệt; việc rà soát, lập kế hoạch sắp xếp lại DN chưa được các cơ quan, đơn vị quan tâm đúng mức; công tác chuẩn bị cổ phần hóa, thoái vốn chưa tốt. Việc phối hợp giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu với các Bộ, ngành, địa phương liên quan trong xử lý vướng mắc phê duyệt phương án sử dụng đất, xử lý tồn tại tài chính còn chưa tốt, kéo dài.

Số liệu từ Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính): Lũy kế giai đoạn 2016-2020, có 180 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 489.690 tỷ đồng. Trong đó chỉ có 39/128 doanh nghiệp thuộc danh mục cổ phần hóa theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (đạt 30% kế hoạch), số doanh nghiệp chưa hoàn thành phê duyệt phương án cổ phần hóa là 89 doanh nghiệp.

Duy Minh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/kiem-toan-nha-nuoc-van-con-bat-cap-trong-co-phan-hoa-thoai-von-tai-doanh-nghiep-nha-nuoc-307586.html