Kiểm toán Nhà nước: Đổi đất lấy hạ tầng ồ ạt nguy cơ thất thoát ngân sách

Quan điểm được Phó Tổng kiểm toán Nhà nước, Cao Tấn Khổng đưa ra khi tổng kết hội thảo về cơ chế hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).

Tổng kết các thảo luận chuyên môn tại Hội thảo khoa học "Cơ chế đầu tư BT - những vấn đề đặt và giải pháp hoàn thiện" do Kiểm toán Nhà nước tổ chức sáng 19/10, Phó Tổng kiểm toán Cao Tấn Khổng cho rằng các dự án BT "đang được tiến hành ồ ạt mang tính chất phong trào gây nguy cơ thất thoát lớn cho ngân sách".

Trước những nguy cơ, bất cập, vị Phó tổng Kiểm toán thông tin, năm 2018 và những năm tiếp theo, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) sẽ tăng cường kiểm toán các dự án PPP nói chung và đặc biệt là các dự án BT.

"Hiện nay mới chỉ kiểm toán chi phí đầu tư, chưa kiểm toán thanh toán và giá trị sử dụng đất. Đây là thiếu sót rất lớn trong công tác kiểm toán hiện nay", ông Khổng cho biết.

Nhà máy nước Yên Sở - dự án BT bị Thanh tra Chính phủ vạch vi phạm. Ảnh: Kiến thức.

"Đầu tư BT - nguy cơ tham nhũng lớn"

GS TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng nguy cơ tham nhũng lớn luôn gắn liền với các dự án BT nêu quy định về việc xác định giá trị các công trình đầu tư chuyển giao và mảnh đất không cụ thể, thiếu minh bạch.

Theo GS Võ, vấn đề xác định giá trị đúng của cả công trình hạ tầng và tài sản công đem đổi là trung tâm của thể loại dự án BT.

Khi kí hợp đồng BT, thay vì trả nhà đầu tư công trình hạ tầng bằng tiền thì Nhà nước trả bằng tài sản công (đất - PV), tức là thay giao dịch tài sản thông qua tiền tệ bằng giao dịch dưới dạng “hàng đổi hàng”. Ai thạo về thương mại thì cũng biết rằng hình thức giao dịch “hàng đổi hàng” chỉ được áp dụng trong giai đoạn thương mại kém phát triển.

Cùng chung lo ngại, PGS.TS Lê Huy Trọng, Kiểm toán trưởng, Kiểm toán nhà nước chuyên ngành V, bày tỏ khác với thành công tại các nước, khi triển khai tại Việt Nam, hình thức BT lại là mảnh đất cho tham nhũng và tiêu cực để cho nhiều nhà đầu tư khai thác và tìm kiếm lợi nhuận.

Câu trả lời của ông Trọng cũng là hành lang pháp lý chưa đủ mạnh, còn nhiều chồng chéo và kẽ hở để các nhà đầu tư thao túng. Hơn nữa, khi giao toàn quyền thực hiện cho lĩnh vực tư đã dẫn đến thiếu kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước.

Mặt khác, theo vị Kiểm toán trưởng, trách nhiệm của các cơ quan quản lý khi phê duyệt và thẩm định không rõ ràng. Các dự án được thực hiện không thông qua đấu thầu đã làm giảm tính cạnh tranh, thiếu minh bạch trong thực hiện dự án, quyền sử dụng đất không được xác định chính xác và đầy đủ…

"Việc lựa chọn hình thức BT đã làm giảm hiệu lực của quản lý nhà nước trong các khâu để thực hiện một dự án. Thực tế cho thấy, việc thanh toán bằng đất cũng thường chỉ chiếm một phần, không quá 50% vốn Nhà đầu tư bỏ ra để thực hiện dự án, phần còn lại chủ yếu vẫn từ NSNN hoặc Trái phiếu chính phủ. Chúng ta có thể lựa chọn đấu giá đất để thực hiện dự án như thông thường để mang lại tính kinh tế và hiệu quả cao hơn", tham luận của ông Trọng chỉ rõ.

Phó Tổng kiểm toán Cao Tấn Khổng còn chỉ ra, một số dự án BT không nằm trong kế hoạch đầu tư trung hạn, không được HĐND thông qua. Nhu cầu, mục tiêu dự án BT không rõ ràng, không thể hiện được sự cấp bách cần thiết phải đầu tư.

Bên cạnh đó, quy định về thời điểm giao đất chuyển giao không rõ ràng dẫn tới tình trạng không đảm bảo nguyên tắc ngang giá tại thời điểm chuyển giao. Cụ thể, quỹ đất sử dụng để thanh toán cho nhà đầu tư được xác định trước khi đề xuất dự án BT trong khi đó, giá trị dự án BT chỉ là tạm tính. Vì vậy, trong nhiều trường hợp nhà đầu tư đề xuất giá trị lớn để phù hợp với giá trị quỹ đất nhưng chưa đúng giá trị thực tế.

Ngoài ra, theo ông Khổng, hợp đồng BT hiện nay còn chưa chặt chẽ, thiếu chế tài xử lý khi nhà đầu tư vi phạm cam kết. Chưa kể khi thực hiện hợp đồng BT có tình trạng giao cho nhà đầu tư tự lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế, thi công....

"Quá nhiều đất ở trả cho nhà đầu tư BT làm mất cân đối đô thị"

"Quá nhiều đất ở được sử dụng vô thời hạn để trả cho các nhà đầu tư dự án BT sẽ dẫn tới hậu quả mất cân đối trong quy hoạch sử dụng đất và trong phát triển đô thị", GS TSKH Đặng Hùng Võ chia sẻ quan điểm về tình trạng phát triển ồ ạt dự án BT trong tham luận của mình.

PGS. TS Nguyễn Đình Hòa, Phó Giám đốc Trường đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán cho biết, hiện chưa có một báo cáo đầy đủ nào về toàn cảnh các dự án BT tại Việt Nam. Ở cấp Bộ Giao thông vận tải quản lý, chỉ có bốn dự án BT với tổng mức đầu tư 16.035 tỷ đồng đã và đang triển khai, trong đó có hai dự án BT thuộc lĩnh vực hàng hải. Các dự án BT hầu hết nằm ở các địa phương.

Chưa có một thống kê nào cho thấy tại 63 tỉnh, thành trên cả nước hiện nay có bao nhiêu dự án BT và hiệu quả “đổi đất lấy hạ tầng” đến nay ra sao. Song chỉ với ví dụ ở Hà Nội cũng đủ thấy quy mô và tầm vóc của các dự án BT tại địa phương lớn chừng nào khi so với quy mô của tất cả các dự án BOT trên cả nước đã đi vào khai thác.

Một báo cáo của UBND thành phố Hà Nội về các dự án BT vào tháng 6/2017 cho thấy với 16 dự án đã và đang triển khai từ năm 2015, tổng mức đầu tư đã lên tới 28.874 tỉ đồng. Trên địa bàn Hà Nội từ năm 2012 trở về trước có đến 63 dự án PPP và đều là BT. Con số này giảm xuống còn 24 dự án từ năm 2014, theo kết luận mới được công bố hồi tháng 6 của Thanh tra Chính phủ về các dự án BOT - BT tại Hà Nội.

Khác với dự án BOT, dự án BT hiện ít vấp phải phản ứng từ dư luận hơn, dù thất thoát nếu có là vô cùng lớn. Bởi vì người dân không phải bỏ tiền túi thanh toán cho dự án BT như dự án BOT. Cái phải trả cho nhà đầu tư BT là quyền sử dụng đất, và người dân thường ít khi để ý đến nguồn lực quốc gia, tài sản quốc gia, coi đó như là của công. Theo ông Hòa, thất thoát trong dự án BT sẽ là thất thoát kép.

Nam Anh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/kiem-toan-nha-nuoc-doi-dat-lay-ha-tang-o-at-nguy-co-that-thoat-ngan-sach-post240704.info