Kiểm soát chặt các thành viên đấu thầu trái phiếu Chính phủ

(HQ Online)- Tại chương trình “Gặp mặt đầu xuân thành viên thị trường trái phiếu” do Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổ chức mới đây đã chính thức công bố 25 thành viên đấu thầu năm 2014 do Bộ Tài Chính phê duyệt.

Ảnh minh họa. Ảnh: Internet.

So với năm 2013, số thành viên tham gia đấu thầu trái phiếu Chính phủ (TPCP) giảm khoảng 1/3 (số thành viên giảm từ 36 xuống còn 25). Theo đó, chia làm 3 nhóm, trong đó nhóm các ngân hàng thương mại gồm 17 thành viên như: Maritimebank, Techcombank, Vietcombank, MB, VIB, Sacombank, VPBank, HSBC, Ngân hàng ANZ - Chi nhánh Hà Nội, BIDV, Agribank, ACB, Bưu điện Liên Việt, Vietinbank, Ngân hàng BNP Paribas - Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh, ANZ và Saigonbank...; Nhóm các công ty chứng khoán gồm 7 thành viên như: Bản Việt, Bảo Việt, Beta, Dầu khí, HSC, BSC... và 1 thành viên là Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Như vậy, đã có nhiều ngân hàng lớn trong và ngoài nước từng nằm trong danh sách thành viên đấu thầu TPCP nhiều năm trước nhưng lại không có tên trong nhóm 25 thành viên đấu thầu năm 2014 của Bộ Tài chính như: Deutsche Bank AG - Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh, Standard Chartered, ABBank, SeaBank, OCB, TPBank.

Theo quy định tại Thông tư 17/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn phát hành trái phiếu Chính phủ tại thị trường trong nước, điều kiện để các ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư và các định chế tài chính khác được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam trở thành thành viên đấu thầu TPCP phải có vốn điều lệ thực góp tối thiểu bằng mức vốn pháp định theo quy định của pháp luật liên quan; Đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của pháp luật liên quan; Có thời gian hoạt động tối thiểu là 3 năm; Là thành viên thị trường trái phiếu Chính phủ chuyên biệt tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

Theo đánh giá của Phó Tổng giám đốc KBNN Trần Minh Hằng, năm 2013, nhóm ngân hàng thương mại trong nước là các nhà đầu tư chính trên thị trường trái phiếu, đã mua khoảng 73% tổng khối lượng trái phiếu phát hành. Đặc biệt, năm 2013 cũng đánh dấu sự tham gia trở lại của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường TPCP, gồm các ngân hàng thương mại nước ngoài và các quỹ đầu tư với khối lượng mua TPCP chiếm khoảng 17% tổng khối lượng phát hành.

Tuy nhiên, lý giải cho việc rút xuống còn 25 thành viên tham gia đấu thầu trái phiếu, Phó Tổng giám đốc Trần Minh Hằng cho rằng, kết quả này dựa trên sự rà soát của Vụ Tài chính- Ngân hàng (Bộ Tài chính), KBNN và Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội để đánh giá tình hình thực hiện nghĩa vụ và hoạt động của 36 thành viên, xếp hạng thành viên. Qua đó, rà soát và loại bỏ 12 thành viên không hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ và bổ sung thêm 1 thành viên mới.

Theo kế hoạch Bộ Tài chính giao, năm 2014, KBNN có nhiệm vụ huy động vốn đầu tư lên tới trên 181 nghìn tỷ đồng. Do vậy, để hoàn thành chỉ tiêu này, KBNN sẽ tập trung nâng cao chất lượng của công tác xây dựng và công bố kế hoạch phát hành, công bố sớm nhu cầu vốn huy động hàng quý và chi tiết theo các kỳ hạn để các nhà đầu tư có kế hoạch bố trí nguồn vốn mua trái phiếu. Tiếp tục hiện đại hóa công tác tổ chức phát hành đảm bảo 2 mục tiêu đáp ứng nhu cầu vốn cho ngân sách, cho đầu tư phát triển và phát triển thị trường TPCP theo hướng thống nhất, đồng bộ.

Thu Hằng

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/nam-2014-kiem-soat-chat-thanh-vien-tham-gia-dau-thau-trai-phieu-chinh-phu.aspx