Kiểm soát an toàn cột thu phát sóng

Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có hàng nghìn cột thu, phát sóng viễn thông, truyền thanh, truyền hình. Việc nắm bắt thực trạng chất lượng các công trình này có ý nghĩa quan trọng trong quản lý bảo đảm an toàn khai thác, sử dụng. Qua thời gian sử dụng, chất lượng, an toàn các công trình không còn bảo đảm.

Tháng 7-2016, tại Hà Nội, đã xảy ra trường hợp cột thu phát sóng của một hãng ta-xi gãy đổ làm một người chết, thiệt hại một số tài sản. Từ năm 2016 đến ngày 18-7-2017, Sở Xây dựng Hà Nội đã kiểm tra, rà soát chất lượng 3.372 cột thu, phát sóng tại 23 đơn vị. Tại thời điểm kiểm tra, các cột thu, phát sóng hoạt động bình thường, bảo đảm yêu cầu chất lượng.

Tuy nhiên, các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Bắc Từ Liêm; các huyện: Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Oai, Thạch Thất, Phúc Thọ, Mỹ Đức, Đông Anh, Chương Mỹ, chưa có báo cáo về kết quả kiểm tra, rà soát, đánh giá chất lượng cột thu phát sóng. Sở Xây dựng đề nghị các địa phương này khẩn trương kiểm tra, đánh giá chất lượng các công trình thu phát sóng truyền thông, báo cáo kết quả về Sở trước ngày 31-8-2017, để tổng hợp, báo cáo, theo văn bản chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội và Bộ Xây dựng. Những cột tháp ăng-ten truyền thông chưa được kiểm định, đánh giá tình trạng chất lượng luôn là vấn đề đáng lo ngại cho sự bảo đảm an toàn, nhất là trong mùa mưa bão.

Chủ động phòng ngừa những sự cố có thể xảy ra, thực hiện quy định của pháp luật, chủ đầu tư, quản lý, khai thác các công trình thu, phát sóng cần chấp hành tốt chế độ duy tu, bảo dưỡng, bảo trì, sửa chữa thường xuyên, định kỳ kiểm định kỹ thuật, đánh giá chất lượng, báo cáo kịp thời cơ quan quản lý, chức năng về tình trạng kỹ thuật, chất lượng công trình. Tất cả các cột thu, phát sóng trên địa bàn Hà Nội, cũng như từng quận, huyện, thị xã của thành phố cần được cập nhật thường xuyên về chất lượng kỹ thuật, mức độ bảo đảm an toàn và được số hóa để bảo đảm việc quản lý. Trên cơ sở đó nhanh chóng phát hiện những công trình không bảo đảm chất lượng, xây dựng không phép, sai phép, không được quản lý, để có biện pháp xử lý phù hợp. Mặt khác, cần quy định cụ thể trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, cấp quản lý khi để tồn tại những công trình không bảo đảm an toàn.

Công tác tuyên truyền cần được duy trì thường xuyên với hình thức thích hợp, để nhắc nhở, nâng cao trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân liên quan, đồng thời huy động sự quan tâm, giám sát của mọi người, cộng đồng đối với việc xây dựng, quản lý các công trình này. Sự phát hiện kịp thời những cột thu, phát sóng không an toàn của người dân, hợp tác thông tin nhanh nhạy trên phương tiện truyền thông đại chúng là một kênh thông tin hiệu quả giúp cơ quan quản lý có biện pháp khắc phục kịp thời, mang lại sự an toàn, đồng thuận cho cộng đồng.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/33743802-kiem-soat-an-toan-cot-thu-phat-song.html