Kiểm định hải quan góp phần hỗ trợ kiểm tra chuyên ngành

Nhiều DN cho rằng, việc nâng cấp Trung tâm Phân tích phân loại hàng hóa XNK (Tổng cục Hải quan) thành Cục Kiểm định hải quan không chỉ cụ thể hóa sự hỗ trợ cho hoạt động XNK của DN mà còn giúp Tổng cục Hải quan nâng tầm công tác kiểm định, kiểm tra chuyên ngành (KTCN) trong công tác quản lý.

Công tác kiểm định, kiểm tra chuyên ngành là mục tiêu trọng tâm mà ngành Hải quan nói chung và Cục Kiểm định Hải quan đang phấn đấu hoàn thành. Ảnh: Quang Hùng.

Từng bước khẳng định mình

Là phóng viên thường xuyên có những chuyến công tác tại cửa khẩu, tôi đã được nghe, được thấy và đã từng phản ánh nhiều trường hợp vướng mắc liên quan đến những tồn tại cần khắc phục của công tác KTCN đối với hàng hóa XNK. Tôi cũng đã từng bỏ ra hàng giờ để lắng nghe DN “trần tình” về các thủ tục KTCN và qua những địa phương, tôi có nhiều bài viết về “nỗi khổ” này tại Lạng Sơn, Ninh Bình... Nhưng có lẽ điều khiến tôi nhớ nhất phải kể đến một DN có hoạt động XNK tại Ninh Bình- Công ty Việt Xanh, một DN chuyên NK bao bì để sản xuất, đóng gói hàng XK. Đại diện Công ty Việt Xanh phân trần, trong vòng 3 năm trở lại đây, DN dường như không nề hà cơ hội nào để được “kêu” về nỗi khổ mang tên “an toàn thực phẩm”, chỉ mong những vướng mắc của mình sẽ được cơ quan chuyên ngành, cơ quan Hải quan ghi nhận và tháo gỡ.

Cứ như vậy, những chuyến đi của tôi ngày càng đong đầy những “tâm tư” mà DN gửi gắm mong có cơ hội được tháo gỡ khi vấp phải thủ tục KTCN. Và thực tế, thời gian qua, Chính phủ, Bộ Tài chính, cơ quan Hải quan đã ghi nhận, gỡ vướng nhiều khó khăn của DN liên quan đến thủ tục KTCN của bộ quản lý chuyên ngành quy định.

Sau những “đau đầu” về KTCN không chỉ của DN mà của cả cơ quan Hải quan thì động thái tích cực để “kê đơn, trị bệnh”, đã được Thủ tướng Chính phủ cho “ra đời”-Quyết định 2026/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động KTCN đối với hàng hóa XNK. Không dừng lại ở Quyết định 2026, ngày 28-4-2016, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị quyết 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020, trong đó nội dung tháo gỡ khó khăn trong KTCN cho DN được nêu khá nổi bật.

Nhằm triển khai sâu rộng hơn tinh thần này của Chính phủ, kể từ 1-8-2016, Cục Kiểm định hải quan chính thức đi vào hoạt động theo cơ cấu của bộ máy mới, bổ sung thêm chức năng thực hiện kiểm tra về tiêu chuẩn, chất lượng, kiểm dịch, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa XNK. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, đòi hỏi cần phải đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực và đào tạo nhằm đáp ứng được yêu cầu thực hiện chức năng này.

Để gấp rút chuẩn bị công tác triển khai theo chức năng, nhiệm vụ đã được Chính phủ, Bộ Tài chính giao phó, ngay trong những ngày đầu năm mới 2017, từ lãnh đạo cho đến cán bộ, nhân viên của Cục Kiểm định hải quan đều hối hả, tất bật triển khai kế hoạch hoạt động của đơn vị nhằm khẳng định vai trò của cơ quan Hải quan trong công tác kiểm định, KTCN. Một trong những kế hoạch được đơn vị đặt lên hàng đầu là gấp rút triển khai mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất để thành lập các Chi cục Kiểm định trực thuộc.

Trong không khí phấn khởi đầu xuân năm mới, tôi may mắn có chuyến công tác cùng đoàn công tác của Cục Kiểm định hải quan tới Quảng Ninh để khảo sát địa điểm trước khi công bố thành lập Chi cục Kiểm định Hải quan 5 tại TP. Móng Cái. Trên cung đường gần 300 km từ Hà Nội xuống Móng Cái, ông Bùi Tuấn Hải, Phó Cục trưởng Cục Kiểm định hải quan đã tâm sự với tôi về quá trình khẳng định mình trong cơ cấu tổ chức của ngành Hải quan. Ông Hải khẳng định, sự kiện nâng cấp Trung tâm Phân tích phân loại hàng hóa XNK thành Cục Kiểm định hải quan là bước tiến mạnh để đơn vị có tư cách pháp nhân cao hơn, tham gia có hiệu quả hơn trong công tác kiểm định và KTCN, phân tích phân loại hàng hóa XNK. Ông Hải cũng cho rằng, trong bối cảnh ngành Hải quan đang nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm thời gian thông quan đối với hàng hóa XNK thuộc diện phải KTCN theo Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ, nhiệm vụ đặt ra cho ngành Hải quan nói chung, Cục Kiểm định Hải quan nói riêng rất nặng nề, đòi hỏi mỗi CBCC và nhân viên phải nỗ lực hết mình cùng toàn Ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong những năm tới.

Không chỉ Cục Kiểm định Hải quan mong muốn giảm thời gian thông quan hàng hóa mà ngay trong buổi làm việc với Cục Hải quan Quảng Ninh về chủ trương thành lập Chi cục Kiểm định Hải quan 5 tại Móng Cái, lãnh đạo Cục Hải quan Quảng Ninh đã ủng hộ việc sớm thành lập đơn vị kiểm định tại Móng Cái. Bởi theo Cục Hải quan Quảng Ninh, khi trên địa bàn quản lý có đơn vị làm công tác KTCN sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ, giảm thời gian và chi phí cho DN, cũng như góp phần nâng cao hiệu quả của công tác cải cách thủ tục hành chính.

Mục tiêu trọng tâm

Có được những tín hiệu vui bước đầu, trao đổi trong những ngày đầu năm 2017, ông Nguyễn Ngọc Huân, Cục trưởng Cục Kiểm định hải quan vui mừng chia sẻ về tiến độ trong việc đẩy nhanh thành lập các Chi cục Kiểm định trực thuộc. Ông Huân cũng cung cấp thêm thông tin, để tăng cường công tác kiểm định hải quan, phân tích phân loại đối với hàng hóa XNK cũng như tạo điều kiện, hỗ trợ, giảm thời gian, chi phí cho DN, Cục Hải quan Lạng Sơn đã nhất trí bàn giao trụ sở làm việc nhà 5 tầng cho Chi cục Kiểm định Hải quan 6, đây là những tín hiệu vui, tiền đề để đẩy nhanh việc thành lập Chi cục và là bước đệm để Cục Kiểm định hải quan hoàn thành nhiệm vụ được giao. Hiện đơn vị đang phối hợp chặt chẽ với Cục Hải quan Quảng Ninh trước mắt là tìm địa điểm thuê làm trụ sở tại Móng Cái. Dự kiến trong quý I-2017, đơn vị sẽ triển khai hoạt động của Chi cục Kiểm định 1, 5, 6 tại địa bàn Hà Nội, Quảng Ninh và Lạng Sơn.

“Trong năm 2017, chúng tôi sẽ tiếp tục củng cố lực lượng cán bộ lãnh đạo, chuyên viên phân tích; kiện toàn bộ máy tổ chức từ Cục cho đến các Chi cục, tăng cường hợp tác quốc tế, trước mắt là đối với các đồng nghiệp Hải quan các nước ASEAN và Hải quan Trung Quốc. Trong đó, củng cố và mở rộng áp dụng các tiêu chí của Hệ thống quy trình quản lý chất lượng ISO/IEC 17025 (các phòng thí nghiệm đạt chuẩn Vilas), để đảm bảo kết quả phân tích, kiểm tra và xác định chính xác, có độ tin cậy cao, tiến tới mục tiêu thực hiện các thỏa thuận công nhận lẫn nhau trên phạm vi quốc tế trong tương lai. Trong năm 2017, phấn đấu xây dựng phòng thí nghiệm đạt chuẩn Vilas của Chi cục Kiểm định 2 (Hải Phòng). Đồng thời, rà soát, sửa đổi, thay thế Quy chế phân tích để phân loại, phân tích kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa XNK”, ông Huân khẳng định quyết tâm.

Ông Huân cũng cho biết, hiện nay thời gian thực hiện KTCN chiếm tới 70% thời gian thông quan hàng hóa, do các địa điểm kiểm tra, thủ tục kiểm tra còn nhiều bất cập. Do đó, việc cơ quan Hải quan tham gia làm đầu mối, trực tiếp thực hiện KTCN sẽ góp phần giảm tải đáng kể thời gian thông quan hàng hóa, tăng cường công tác kiểm định hải quan, kiểm tra chất lượng hàng hóa XNK. Và để làm được điều đó thì việc xây dựng lực lượng, năng lực và kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ là yếu tố then chốt để đơn vị hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ 2017 của Cục Kiểm định Hải quan, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Dương Thái yêu cầu, năm 2017, Cục Kiểm định Hải quan cần hoàn thiện bộ máy tổ chức theo quy chế quản lý Nhà nước; tiếp tục phối hợp với Cục Thuế XNK để giảm tải khối lượng mẫu phân tích phân loại gửi về Tổng cục Hải quan. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Cục Giám sát quản lý về Hải quan triển khai tốt nhiệm vụ kiểm định và KTCN. Bên cạnh đó, Cục Kiểm định Hải quan cần chủ động cơ sở vật chất để phục vụ công tác nghiệp vụ chuyên môn. Đặc biệt, trong năm 2017, Cục Kiểm định Hải quan cần tập trung vào công tác kiểm tra đối với hàng hóa liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm.

Lê Bùi

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/kiem-dinh-hai-quan-gop-phan-ho-tro-kiem-tra-chuyen-nganh.aspx