KIDO: Thế lực mới của thị trường dầu ăn

Doanh thu quý III của KIDO (KDC) đã tăng vọt gần 360% nhờ hợp nhất kết quả kinh doanh của Tường An (TAC) và Vocarimex (VOC).

Hoàn tất thâu tóm

Tường An và Vocarimex đều hoạt động trong ngành dầu ăn. Nhưng nếu Tường An chủ yếu bán lẻ dầu đã tinh chế thì Vocarimex chuyên về kinh doanh thương mại dầu ăn, bán sỉ cũng như phục vụ khách hàng công nghiệp. Vì thế, nói như đại diện Kido “cùng kinh doanh một ngành nhưng hai công ty lại không xung đột nhau về đối tượng hướng tới”. Xét về quy mô, Vocarimex thường đạt doanh thu cao hơn Tường An. Chẳng hạn, từ 2 năm trước, Vocarimex đã chạm mốc doanh thu trên 5.000 tỉ đồng. Trong khi ở Tường An là khoảng 4.000 tỉ đồng. Dựa trên kết quả này và theo kế hoạch đã đề ra, riêng mảng dầu ăn dự kiến mang về cho Kido khoảng 8.000-9.000 tỉ đồng doanh thu năm 2017. Chỉ trong mảng dầu ăn, doanh thu KIDO ước sẽ vượt xa khi còn mảng bánh kẹo.

KIDO hoàn tất thương vụ thâu tóm 51% cổ phần tại Vocarimex, chính thức đưa Vocarimex thành công ty con của mình từ tháng 5 năm nay, cùng với việc mua thành công 65% cổ phần tại Tường An vào cuối năm 2016 đã giúp KIDO có chỗ đứng khá vững chắc trong ngành dầu ăn. Ông Trần Kim Thành, Chủ tịch KIDO, từng xác định, dầu ăn là ngành mũi nhọn và Công ty sẽ chiếm lĩnh thị trường dầu ăn Việt Nam. Theo Euromonitor, KIDO đã sớm nắm giữ được 2 trong 4 công ty lớn nhất ngành dầu ăn. Thậm chí, thông qua Vocarimex, KIDO cũng đã sở hữu cổ phần đáng kể tại Cái Lân (24%) và Golden Hope Nhà Bè (49%) cùng các công ty khác như Mỹ phẩm LG Vina (40%), Dầu thực vật Tân Bình (Nakydaco, 17,8%)…

Với việc trực tiếp nắm quyền kiểm soát ở Tường An, Vocarimex cũng như đầu tư liên kết vào các doanh nghiệp lớn cùng ngành, KIDO đã trở thành thế lực đáng nể. Quan trọng hơn, như Tổng Giám đốc một Công ty chứng khoán tại Hà Nội từng nhận định, doanh nghiệp nào nắm giữ Vocarimex, đơn vị đó sẽ dễ dàng chi phối nguồn nguyên liệu và cả thị trường dầu ăn Việt Nam.

Theo báo cáo thường niên năm 2016, khoảng 80% doanh thu của Vocarimex chủ yếu đến từ việc bán nguyên liệu dầu cho thị trường thông qua nhập khẩu. Vì thế, trong phân tích của mình, Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) từng bày tỏ lo ngại, Vocarimex có thể gặp rủi ro trong kiểm soát biến động giá trên thế giới và cả rủi ro tỉ giá.

Chính ông Trần Kim Thành cũng đã thừa nhận “ở ngành dầu ăn, khó nhất là vấn đề giá dầu lên xuống. Quản lý giá dầu là khía cạnh quan trọng nhất trong làm dầu”. KIDO đã tìm nhiều cách để giải quyết vấn đề nguyên liệu, chủ động làm việc với các nhà cung cấp dầu ở các nước có thế mạnh về dầu để có nguồn nguyên liệu ổn định với giá tốt để cung cấp cho thị trường. Hiện Vocarimex cũng đang mua dầu từ các tập đoàn lớn trong đó có Wilmar (Singapore).

Thị trường dầu Việt Nam còn ghi nhận sự hiện diện của Musim Mas (Singapore). Musim Mas đã chi 71,5 triệu USD để đầu tư nhà máy dầu ăn ở Việt Nam và hướng tới phân khúc dầu ăn cao cấp. Mới đây, Musim Mas còn chi 8 triệu USD để mua cổ phần ở Công ty Dầu thực vật miền Bắc (Nortalic) từ tay Vocarimex.

Tính toán trong ngành hàng 30.000 tỉ đồng

Tuy nhiên, dầu ăn không phải là lĩnh vực dễ dàng cho các đơn vị tham gia. Bằng chứng, sau 4 năm chịu đựng, chi 130 triệu USD để xây dựng và đưa vào vận hành nhà máy sản xuất dầu nành (từ năm 2011), Tập đoàn Bunge (Mỹ) vẫn chưa thu được đồng lãi nào. Trong khi đó, Bunge còn đối diện với áp lực thuế suất sẽ giảm về 0%. Kết quả, tháng 7.2016, Bunge đầu hàng, quyết định bán đi 45% cổ phần cho Wilmar.

Thuế suất nhập khẩu đối với dầu thực vật đã chính thức giảm về 0% kể từ tháng 5.2017, tạo nên thách thức không nhỏ cho các đơn vị kinh doanh thương mại dầu nhập khẩu như Vocarimex. Nhưng phía KIDO cho biết, Vocarimex có lợi thế về quy mô, về nền tảng cơ sở vật chất, về tài chính và các mối quan hệ đối tác, khách hàng. Đây là các yếu tố không dễ thay đổi, đã giúp Vocarimex đạt khả năng cạnh tranh cao hơn về giá, ổn định nguồn cung. Những công ty đi sau thường phải mất nhiều chi phí, thời gian mới đạt tới.

Song song đó, Vocarimex cũng triển khai những thay đổi trong chiến lược. Chẳng hạn, Vocarimex cơ cấu lại sản phẩm theo hướng mở rộng vào nhóm khách hàng công nghiệp. Kết quả, kênh công nghiệp đã có sự gia tăng, góp 7% vào doanh thu của Vocarimex năm 2016, từ mức 1% của năm trước đó. Mục tiêu dài hạn của Vocarimex là tiếp tục đẩy mạnh bán hàng kênh công nghiệp cũng như xuất khẩu. Xuất hiện trong 2 năm qua chiếm khoảng 6% tổng doanh thu của Vocarimex.

Đối với hoạt động đầu tư, Vocarimex sẽ tiếp tục tái cơ cấu lại danh mục đầu tư của mình để nâng cao hiệu quả. Hiện tại, lãi từ đầu tư vào công ty liên kết trong nửa đầu năm 2017 đã tăng 2,2 lần so với cùng kỳ, đạt hơn 72 tỉ đồng. Tính ra, lãi từ đầu tư liên kết đã chiếm 50% lợi nhuận sau thuế của Vocarimex.

Về phía Tường An, hiện thị phần đang đứng thứ 2 trong ngành dầu ăn nhưng chỉ chiếm khoảng một nửa so với thị phần của Cái Lân. Tuy nhiên, bức tranh này dự báo sẽ cải thiện sau khi Tường An đã về một nhà với KIDO. Trước mắt, theo báo cáo tài chính, doanh thu của Tường An tăng trưởng 6%, đạt 3000 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm 2017. Đáng chú ý, biên lợi nhuận gộp trong 9 tháng 2017 tại Tường An đã theo tăng lên 11,8% so với mức 9,5% của cùng kỳ năm trước. Theo đại diện KIDO, đó là nhờ Công ty quản trị hiệu quả, mở rộng thị trường, khai thác hiệu quả nguồn lực, vốn và cơ cấu lại sản phẩm, nhất là những sản phẩm tập trung nhiều hơn vào phân phúc dầu ăn cao cấp.

Cùng với đó là việc khai thác hiệu quả hệ thống kênh phân phối với 450.000 điểm bán, Tường An sẽ có thể đẩy mạnh và gia tăng thị phần trong tương lai.

Thực tế, ngành dầu ăn khá hấp dẫn với quy mô hơn 30.000 tỉ đồng, theo nghiên cứu từ Nielsen. Cơ hội tăng trưởng ngành này vẫn rất cao, khi tiêu thụ dầu ăn bình quân ở Việt Nam vẫn thấp (9,5kg/người/năm) so với chuẩn WHO (13,5kg/người/năm). BMI dự báo tăng trưởng kép ngành dầu ăn giai đoạn 2016-2020 có thể đạt 16,1%/năm. Vì thế, không riêng Kido hay nhà đầu tư nước ngoài, các công ty trong nước như Sao Mai An Giang, Quang Minh, Daso... cũng lấn sân sang lĩnh vực dầu ăn, với các thương hiệu dầu cá Ranee (của Sao Mai An Giang), dầu Mr Bean, Oilla, Soon Soon (của Quang Minh), dầu Ogold và Bình An (của Daso)…

Nguồn NCĐT: http://nhipcaudautu.vn/doanh-nghiep/phan-tich/kido-the-luc-moi-cua-thi-truong-dau-an-3320748/