'Kích hoạt' chuyển đổi số trong các hợp tác xã

BHG - Ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) trong quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại được xem là giải pháp tối ưu cho sản phẩm của hợp tác xã (HTX). Bắt kịp xu hướng đó các HTX trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực chuyển đổi phương thức kinh doanh, lấy chuyển đổi số là kênh tiêu thụ mới giúp mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị sản phẩm. Tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận và sử dụng sản phẩm hàng hóa tiêu biểu của các HTX.

Các sản phẩm từ củ nghệ của HTX Ngọc Sơn được công nhận OCOP.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các HTX trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là đẩy mạnh kết nối cung - cầu, bắt kịp xu thế thị trường sau sự phục hồi kinh tế của đại dịch Covid-19. Liên minh HTX tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để các HTX có thể thích ứng và tiếp cận công nghệ mới, dễ dàng đưa chuyển đổi số vào sản xuất, cụ thể: Tổ chức hội nghị tập huấn kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số cho các HTX; hướng dẫn lập kế hoạch tổ chức hoạt động đưa sản phẩm, trình chiếu sản phẩm trên môi trường số nhằm thu hút khách hàng; mở các lớp chuyên sâu về cách thức thiết kế, xây dựng không gian quảng bá sản phẩm trên môi trường số và tương tác hiệu quả…Tiến hành mở lớp tập huấn tại 11 huyện, thành phố về việc đưa hình ảnh, sản phẩm lên các sàn TMĐT…

Qua đó, hiện nay toàn tỉnh có 65 HTX đưa sản phẩm trên sàn TMĐT của Liên minh HTX, nhiều HTX đạt doanh thu cao trong việc đưa sản phẩm trên nền tảng số, như: HTX nghệ Ngọc Sơn, huyện Bắc Mê; HTX Hải Khang, huyện Bắc Quang; HTX Nậm Đăm, huyện Quản Bạ; HTX Po Mỷ, Đồng Văn; HTX Tây Côn Lĩnh, huyện Vị Xuyên… Sự thành công bước đầu của các HTX đã góp phần tăng cường quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại sản phẩm hàng hóa trên nền tảng số, nâng cao hình ảnh, giá trị sản phẩm, giảm bớt khâu trung gian trong tiêu thụ, nắm bắt thông tin khách hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản Hà Giang.

Có doanh thu đạt trên 10 tỷ đồng, trong đó thu từ sàn TMĐT đạt 2 – 3 tỷ đồng/năm, chị Trần Thị Sáu, Giám đốc HTX Ngọc Sơn, Xã Minh Ngọc (Bắc Mê), cho biết: “HTX sản xuất sản phẩm triết xuất từ củ nghệ, một đặc sản của huyện Bắc Mê. Nhằm tạo doanh thu, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường, HTX đã tiến hành áp dụng khoa học tiên tiến vào sản xuất; đưa sản phẩm lên sàn TMĐT, mở bán trên các trang như: VNPost; Sendo; Viettel post… HTX đã tiến hành thuê quản trị viên, thực hiện công việc đưa các sản phẩm lên sàn; cập nhật, đăng tải các hình ảnh đẹp về sản phẩm; cung cấp quá trình sản xuất, truy xuất lô hàng…Trong thời gian tới nhằm mở rộng thị trường, HTX đã tiến hành ký kết với các đơn vị, trang bán hàng trực tuyến, đồng thời đẩy mạnh khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm”.

Là lựa chọn hàng đầu, kênh quảng cáo chủ lực, chị Nguyễn Thị Tiện, Giám đốc HTX Đồng Quê, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) chia sẻ: “Bắt đầu từ khi mở cửa, hình ảnh, thông tin, sản phẩm của HTX đã xuất hiện trên các trang như: Booking; Phuot.vn; Cheap festival; Ivivu.com… việc đưa hình ảnh, sản phẩm lên sàn TMĐT đã tạo hiệu quả, mang tới lượng lớn khách cho HTX với lượng khách lưu trú từ 300 – 400 lượt; khách hàng sử dụng dịch vụ ăn uống được duy trì hàng ngày. Việc đưa lên các trang mang đến nhiều tiện ích, thuận lợi như: Quảng bá rộng được hình ảnh của HTX tới đông đảo người dân trong và ngoài nước; chi phí duy trì quảng cáo thấp; đòi hỏi ít kinh nghiệm; dễ dàng quản lý, nắm được nhu cầu, lượng khách…”.

“Kích hoạt” chuyển đổi số trong HTX đã tác động và làm thay đổi tổ chức và quản trị hoạt động so với phương thức quản lý truyền thống; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX, giúp tiết kiệm được nhiều chi phí, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Trở thành lựa chọn cho nông dân cực Bắc nâng cao giá trị và đưa sản phẩm của Hà Giang tới thị trường trong và ngoài nước.

Bài, ảnh: HOÀNG YẾN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202211/kich-hoat-chuyen-doi-so-trong-cac-hop-tac-xa-252215d/