Kịch bản nào cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh?

Tại Hội nghị lần thứ 15, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI họp ngày 11/4/2024, Cục trưởng Cục Thống kê - Nguyễn Văn Chuẩn đã có bài phát biểu phân tích tình hình tăng trưởng kinh tế (GRDP) và quy mô nền kinh tế quí I/2024 của tỉnh Long An; phân tích các động lực tăng trưởng và các yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng,... và đề ra các kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2024.

Quí I, Long An đứng thứ 42 trong cả nước

Theo Cục trưởng Cục Thống kê - Nguyễn Văn Chuẩn, tình hình kinh tế của tỉnh trong quí I/2024 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. GRDP quí I chỉ tăng trưởng 4,83% (quí I/2023 tăng 3,85%), đây là mức tăng trưởng chưa đạt được kỳ vọng, thấp hơn mức tăng trưởng trung bình của cả nước 0,83 điểm phần trăm nhưng đây là mức tăng trưởng tích cực.

Theo thứ hạng, Long An đứng thứ 42/63 tỉnh, thành phố, trong khi một số tỉnh, thành phố từng có tăng trưởng rất cao trong những năm trước đây nhưng hiện nay lại giảm so cùng kỳ như Bắc Ninh âm 3,83%, Đà Nẵng âm 0,83%, Quảng Nam âm 3,06%, Bà Rịa-Vũng Tàu âm 1,68%,…

Chỉ số sản xuất công nghiệp quí I/2024 tăng 4,33% (Ảnh minh họa: Kiên Định)

Ông Nguyễn Văn Chuẩn cho biết: Đạt được mức tăng trưởng trên là sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp (DN) và người dân trên địa bàn tỉnh.

Trong mức tăng trưởng 4,83%, khu vực I (nông, lâm, thủy sản) tăng 2,96% (cùng kỳ tăng 3,67%), góp phần cho khu vực I duy trì đà tăng trưởng tích cực đến từ hoạt động sản xuất vụ lúa Đông Xuân (sản lượng lúa tăng 2,5% và giá lúa, nếp bình quân quí I tăng hơn 1.400 đồng/kg so cùng kỳ) và hoạt động nuôi cá tra thương phẩm của 9 vùng nuôi tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh, sản lượng tăng 14,2% so cùng kỳ.

Khu vực II (công nghiệp - xây dựng) tăng 5,35% (cùng kỳ tăng 4,70%). Việc một số DN lớn của tỉnh có được đơn hàng và tăng sản lượng sản xuất trong những tháng gần đây để có điều kiện duy trì ngành công nghiệp, thể hiện rõ nhất ở chỉ tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) qua từng tháng so cùng kỳ (tháng 01 tăng 15,81%; tháng 02 giảm 7,32% (tháng có nghỉ tết); ước tháng 3 tăng 5,12%), góp phần cho chỉ số sản xuất công nghiệp quí I tăng 4,33%.

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất công nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn chung của kinh tế thế giới, nhu cầu thị trường,... Tình trạng cạnh tranh từ đối thủ làm cho DN thiếu đơn hàng, giảm công suất sản xuất, một số DN giảm giờ làm, ngày làm. Số DN tạm ngừng hoạt động trong 3 tháng đầu năm tăng 37% so cùng kỳ, giải thể tăng 24%.

Đến cuối quí I/2024, chỉ số sử dụng lao động của các DN công nghiệp giảm 6,80% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 6,95%. Lũy kế đến cuối quí có 30/62 nhóm sản phẩm có sản lượng giảm so cùng kỳ. Một số sản phẩm có sản lượng giảm mạnh như gạo đã xay xát toàn bộ hoặc sơ bộ, sợi từ bông nhân tạo, bia đóng chai, giày, dép thể thao,...

Nhờ vào địa thế tiếp giáp TP.HCM và tỉnh từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, ngành Xây dựng tiếp tục đà phục hồi theo tín hiệu khả quan của hoạt động kinh doanh bất động sản, tăng trưởng trong quí I tăng 5,83% (cùng kỳ tăng 1,61%).

Khu vực III (thương mại - dịch vụ) tăng 6,22% (cùng kỳ tăng 3,30%), tiếp tục phục hồi nhờ hiệu quả của các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, tăng lương cơ sở và các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch nội tỉnh tới các tỉnh, thành phố trong nước và thế giới. Bước sang năm 2024, các hoạt động vui chơi, giải trí, nhu cầu du lịch, ăn uống của người dân gần như trở lại ổn định trong điều kiện “bình thường mới”.

Đồng thời, các ngày nghỉ lễ, tết kéo dài tạo điều kiện cho người dân tăng chi tiêu cho các hoạt động dịch vụ thiết yếu. Một số ngành dịch vụ có mức đóng góp lớn vào tốc độ tăng trưởng chung trong quí I như ngành Thương mại ước tăng 5,89% so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 5,13%); ngành Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9,13% (cùng kỳ tăng 12,97%); ngành Vận tải kho bãi tăng 12,70% (cùng kỳ tăng 0,45%); ngành Kinh doanh bất động sản tăng 4,22% (cùng kỳ giảm 1,72%); ngành Nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 16,21% (cùng kỳ tăng 4,67%). Một số ngành dịch vụ còn lại duy trì được mức tăng trưởng ổn định.

Quy mô nền kinh tế của tỉnh đứng thứ 10 cả nước

Quy mô kinh tế của tỉnh trong quí I/2024 đạt 46,77 ngàn tỉ đồng, tăng 3,9 ngàn tỉ đồng so cùng kỳ năm 2023, đứng thứ 10 cả nước, chiếm 13,4% tổng quy mô Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Về cơ cấu nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 24,09% GRDP; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 45,33%; khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 24,87%.

Nếu tính trong Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, năm 2010, quy mô của tỉnh chỉ đạt 33,69 ngàn tỉ đồng, đứng thứ 2 vùng, sau tỉnh Kiên Giang (34,32 ngàn tỉ đồng); đến năm 2013, quy mô kinh tế tỉnh vượt lên (đạt 59,84 ngàn tỉ đồng) và duy trì đầu tàu của vùng cho đến nay. Tỷ trọng quy mô kinh tế Long An trong vùng từ năm 2010 tới năm 2022 có xu hướng tăng nhưng chậm (năm 2010 chiếm 10,26%; năm 2015 chiếm 11,66%; năm 2020 chiếm 13,42%; năm 2022 chiếm 13,63%; riêng năm 2023 có xu hướng giảm lại, chỉ chiếm 13,26%, do năm 2023, một số tỉnh trong vùng có nền kinh tế phát triển nhanh hơn, góp phần giảm chênh lệch khoảng cách quy mô với Long An).

Theo ông Nguyễn Văn Chuẩn, việc thứ hạng quy mô kinh tế của tỉnh giảm trong cả nước cũng như khoảng cách chênh lệch quy mô với tỉnh thứ 2 trong vùng là Kiên Giang năm 2023 càng nhỏ lại cho thấy nền kinh tế tỉnh đang gặp nhiều khó khăn, thiếu động lực mới cho tăng trưởng.

Các kịch bản tăng trưởng

Từ phân tích trên, ông Nguyễn Văn Chuẩn đã gợi mở các kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2024.

Kịch bản 1 (dự báo của ngành Thống kê): Tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 7%, trong đó tăng trưởng quí I đạt 4,83%, quí II cần đạt 6,65%, 6 tháng đầu năm đạt 5,68%, quí III đạt 7,29%, 9 tháng đạt 6,25%, quí IV đạt 9,23%, 6 tháng cuối năm đạt 8,24% và cả năm đạt 7%.

Kịch bản 2 (kế hoạch tăng trưởng của tỉnh): Tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 8,05%, trong đó tăng trưởng quí I đạt 4,83%, quí II cần đạt 7,49%, 6 tháng đầu năm đạt 6,07%, quí III đạt 8,89%, 9 tháng đạt 7,06%, quí IV đạt 11%, 6 tháng cuối năm đạt 9,92% và cả năm đạt 8,05%.

Kịch bản 3 (kịch bản kỳ vọng): Tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 8,88%, trong đó tăng trưởng quí I đạt 4,83%, quí II cần đạt 8,23%, 6 tháng đầu năm đạt 6,41%, quí III đạt 10,04%, 9 tháng đạt 7,69%, quí IV đạt 12,41%, 6 tháng cuối năm đạt 11,20% và cả năm đạt 8,88%.

Giải pháp

Để nền kinh tế tỉnh phục hồi và phát triển trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Chuẩn cho rằng, tỉnh cần thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu.

Cụ thể, tỉnh cần quan tâm sát sao tình hình sản xuất vụ lúa Hè Thu, Thu Đông và diện tích chanh tại huyện Bến Lức, Thủ Thừa để chỉ đạo, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thời tiết, hạn, mặn và dịch bệnh, phấn đấu đạt sản lượng cao nhất có thể.

Tạo điều kiện cho DN, người dân thuận lợi hơn trong tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất thấp, thúc đẩy cầu trong tiêu dùng của người dân.

Hỗ trợ cơ sở pháp lý và tháo gỡ những khó khăn kịp thời cho các DN, dự án đã đăng ký nhanh chóng thực hiện đầu tư và đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là một số dự án có quy mô lớn để vực dậy nền kinh tế như Coca-Cola, Pesico, Điện khí LNG, Trung tâm thương mại Aeon, Khu đô thị mới Hậu Nghĩa - Đức Hòa tại huyện Đức Hòa, Khu đô thị sinh thái, thương mại du lịch tại huyện Bến Lức, Khu đô thị mới Tân Mỹ,...

Theo ông Nguyễn Văn Chuẩn, về lâu dài, để có sự phát triển bền vững và ổn định, tỉnh cần quan tâm chuẩn bị một số khu, cụm công nghiệp có vị trí đặc biệt thuận lợi để kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp vào xây dựng các nhà máy sản xuất chíp bán dẫn, các sản phẩm điện tử thông minh (sản phẩm của trí tuệ nhân tạo AI),... để chuẩn bị cho sự bùng nổ phát triển công nghiệp 4.0 trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.

Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đầu tư công, chú trọng vào lĩnh vực hạ tầng giao thông, kết nối vùng. Tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh giải ngân đầu tư tư nhân, đầu tư FDI.

Thực hiện hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ các DN của tỉnh đa dạng hóa các sản phẩm và chương trình khuyến mãi đưa hàng hóa về các khu, cụm công nghiệp, khu vực nông thôn, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội tỉnh.

Xây dựng khu ẩm thực sông nước với những món ăn ngon đặc trưng của tỉnh kết hợp với phát triển kinh tế đêm, khu làng nghề truyền thống tạo điều kiện thu hút khách du lịch đến Long An, góp phần cho khu vực thương mại - dịch vụ phát triển.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu, thực hiện điều chỉnh giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục,... theo mức độ và thời điểm phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế nhằm hạn chế tối đa tác động đến lạm phát, sản xuất, kinh doanh và đời sống Nhân dân.

Cuối cùng, ông Nguyễn Văn Chuẩn đề nghị tỉnh tổ chức trực tiếp đào tạo hoặc liên kết đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề giỏi, trình độ cao, đáp ứng nhu cầu của DN và góp phần nâng cao năng suất lao động của tỉnh./.

P.T.L

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/kich-ban-nao-cho-tang-truong-kinh-te-cua-tinh-a174650.html