Kịch bản chống phá khi Trump làm ông chủ nhà Trắng

Ngay khi vừa đón nhận tin vui từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, Trump sẽ phải đối mặt với những khó khăn về việc thực hiện cam kết của mình.

Trong khi ông Trump thắng áp đảo bà Clinton thì đảng Cộng hòa (tức đảng “Con voi”) của ông cũng đánh bại đảng Dân chủ (tức đảng “Con lừa”) của bà Clinton và đương kim Tổng thống Barak Obama để giành quyền áp đảo tại cả lưỡng viện Hoa Kỳ.

Đảng Cộng hòa đã chính thức giành quyền kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện khi họ giành tới 234/435 ghế để kiểm soát Hạ viện, vượt trội so với yêu cầu tối thiểu là 218. Trong cuộc bầu cử bổ sung 34 ghế vào Thượng viện, đảng Cộng hòa cũng đã giành được 51/100 ghế so với 47 của đảng Dân chủ, tiếp tục áp đảo ở cả Thượng viện Hoa Kỳ.

Việc kiểm soát cả lưỡng viện sẽ là thành công bước đầu vô cùng quan trọng đối với chính quyền của ông Trump. Một Thượng viện và Hạ viện với phe Cộng hòa chiếm đa số sẽ giúp đảng này dễ dàng thông qua các dự luật đảo ngược những chính sách mà Tổng thống Obama của đảng Dân chủ từng ban hành.

Những nét lớn trong cương lĩnh tranh cử của Trump

Chính sách đối nội: Nhấn mạnh việc khôi phục "giấc mơ Mỹ vĩ đại"

Sau niềm vui ban đầu của nhà tỷ phú địa ốc và những người ủng hộ ông, một câu hỏi quan trọng nhất là: Liệu chính sách của tân Tổng thống Trump sẽ phù hợp ít nhất một phần với các lời hứa trong chiến dịch tranh cử?

Nhà chính trị học Gevorg Mirzoyan, Phó Giáo sư trường Đại học Tài chính trực thuộc Chính phủ Liên bang Nga nhận định rằng, niềm vui chưa dứt thì ông Trump đã phải đối mặt với những thách thức chờ đón một Tân Tổng thống Mỹ trong việc thực hiện các cam kết.

Mặc dù là người có cá tính độc lập nhưng Trump khó có thể tự chủ trong các quyết định của mình

Trong cương lĩnh tranh cử của mình, Donald Trump tuyên bố: Ưu tiên hàng đầu của ông sẽ là các vấn đề nội bộ của Mỹ (chủ nghĩa biệt lập mới), rồi sau đó mới là đối ngoại với chính sách “giảm can thiệp”.

Tổng thống mới đắc cử của Mỹ nhấn mạnh rằng, đã đến lúc Hoa Kỳ phải chữa lành những vết thương chia rẽ đất nước và cam kết rằng, ông sẽ là Tổng thống cho tất cả mọi người dân Mỹ, đặt lợi ích của Hoa Kỳ lên trên hết và sẽ làm hết sức mình để khôi phục "giấc mơ Mỹ vĩ đại".

Vị tỷ phú này bày tỏ mong muốn một tương lai tốt đẹp hơn cho mọi người nên muốn chung tay với hàng trăm triệu người dân Mỹ tập trung xây dựng nhiều đường cao tốc, nhiều cầu, đường hầm, sân bay, bệnh viện, khôi phục lại cơ sở hạ tầng đất nước.

Việc tập trung vào đối nội và chủ nghĩa thực dụng đáng kinh ngạc trong quan điểm đối ngoại của Trump, cùng với sự mệt mỏi của cử tri về những gương mặt quá quen thuộc, những phát biểu nghe quen tai và sáo ngữ chính trị nhàm chán đã dẫn đến sự ủng hộ bất ngờ cho ứng viên Trump "khó bảo".

Việc đông đảo cử tri Mỹ bầu cho ông Trump với cương lĩnh tranh cử thiên về đối nội đã xác nhận rằng, trong nội bộ nước Mỹ đang có nhiều vấn đề cần giải quyết, ví dụ như kinh tế trì trệ, tình trạng phân biệt chủng tộc ngày càng sâu sắc, nạn bắn giết bừa bãi đang trở thành “quốc họa”.

Nhân dân Mỹ hiểu được điều đó và mong muốn rằng, tập trung vào xây dựng một đất nước ổn định về chính trị, mạnh mẽ về kinh tế, đời sống xã hội được nâng cao… mới là những vấn đề cấp bách cần giải quyết. Và ông Donald Trump đã đúng khi tập trung xoáy sâu vào vấn đề này.

Tuy nhiên, đây cũng là những mục tiêu ban đầu mà ông Obama đã đặt ra cho mình ngay khi mới bước chân vào Nhà Trắng nhiệm kỳ đầu tiên (2008-2012), nhưng cho đến hết nhiệm kỳ thứ 2 (2013-2016), nhưng trong suốt 8 năm qua, trọng tâm của Mỹ vẫn là các vấn đề đối ngoại.

Chính sách đối ngoại: Không can dự vào công việc nội bộ nước khác, giảm can thiệp quân sự

Tỷ phú Mỹ tuyên bố rằng, dưới thời tổng thống của ông, Mỹ sẽ ủng hộ hợp tác chứ không muốn gây xung đột. Washington sẽ hạn chế dùng biện pháp cứng rắn, chỉ sử dụng lực lượng quân sự trong những trường hợp đặc biệt quan trọng đối với an ninh quốc gia.

Washington sẽ không can thiệp vào những nơi mà Hoa Kỳ không có quyền can thiệp, ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác, chấm dứt việc xây dựng nền dân chủ (ở các bước khác) và lật đổ chế độ không đi theo định hướng của Hoa Kỳ.

Trump phản đối các hoạt động quân sự ở nước ngoài, gây ra thiệt hại nặng nề về con người và tài chính. Ông cũng hứa sẽ xem xét lại mối quan hệ với các đồng minh lớn, đồng minh đang có mâu thuẫn và thậm chí có lúc dọa bỏ rơi cả đồng minh NATO ở châu Âu!

Trump là người tiên phong đề xướng thuyết “các hợp đồng chính trị”. Theo đó, tân Tổng thống Mỹ nhấn mạnh rằng, một trong những giải pháp đưa Hoa Kỳ đi tới thịnh vượng là chính sách đối ngoại mới theo khái niệm "hợp đồng từ vị thế của kẻ mạnh".

"Hợp đồng từ vị thế của kẻ mạnh" của Trump có thể là mếch lòng các đồng minh chủ chốt

Theo nhận định của ông này, vai trò “lãnh đạo” không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với “người thực hiện”.

Thủ lĩnh là người có khả năng rút ra những lợi tức nhiều nhất về kinh tế, tài chính và phải có khả năng tiến hành thương lượng cứng rắn, ký kết những thỏa thuận có lợi.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/kich-ban-chong-pha-khi-trump-lam-ong-chu-nha-trang-3322710/