'Khuyên học sinh không thi lớp 10 là vi phạm quyền được học tập của trẻ em'

Dưới góc nhìn của một chuyên gia giáo dục, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) khẳng định, việc khuyên học sinh yếu kém không nên thi lớp 10 là vi phạm quyền học tập của trẻ em.

TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, khuyên học sinh không thi lớp 10 là vi phạm quyền được học tập của trẻ em.

TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, khuyên học sinh không thi lớp 10 là vi phạm quyền được học tập của trẻ em.

Dù năm nào Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT các địa phương cũng có nhiều văn bản, chỉ đạo, chấn chỉnh, xử lý nghiêm hiện tượng khuyên học sinh yếu kém không thi vào lớp 10 nhưng thực trạng này vẫn diễn ra.

Phải hiểu đúng về phân luồng

Câu chuyện “khuyên” học sinh yếu không thi vào lớp 10 xôn xao dư luận thời gian gần đây khiến mọi người đặt câu hỏi là phân luồng hay căn bệnh ngụy thành tích trong giáo dục? Góc nhìn của ông về vấn đề này?

Thực tế tình trạng ngăn cản hoặc khuyên học sinh yếu, kém không thi vào 10 để lấy thành tích đã tồn tại từ lâu chứ không phải câu chuyện mới. Việc này là vi phạm quyền được học tập của trẻ em.

Điều quan trọng là chúng ta phải hiểu đúng về phân luồng. Việc nâng cao chất lượng giáo dục phải làm liên tục chứ không phải chỉ đến cuối năm lớp 9 mới loại học sinh. Bởi điều này gây ra căng thẳng, rối loạn xã hội. Bộ GD&ĐT cần có những giải pháp căn cơ để giải quyết, không thể để tình trạng này kéo dài.

Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này và sẽ để lại những hệ lụy gì, thưa ông?

Ngoài bệnh thành tích, việc nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay đang làm là thay đổi chương trình sách giáo khoa và thay đổi phương pháp dạy học cho phù hợp. Đây là bước tiến rất cơ bản nhưng trong đó có vấn đề đánh giá để tạo ra phẩm chất, năng lực cho học sinh mà chương trình hướng đến thì chưa rõ. Tức là, để nâng cao chất lượng giáo dục, chúng ta phải giải quyết cho từng lớp học, từng cấp học chứ không để tình trạng từ lớp 1 đến lớp 5 vẫn không đọc thông, viết thạo; vì chạy theo thành tích nên không để học sinh lưu ban vì mất điểm thi đua.

Quan điểm của tôi là, với học sinh cấp 2, từ lớp 6 đến lớp 9, mỗi năm phải kiểm tra, đánh giá học sinh thật đúng để thực hiện khẩu hiệu mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề ra: Học thật, thi thật để tạo ra nhân tài thật, tức là năng lực thật cho học sinh.

Muốn giải quyết được tình trạng này cần giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục theo từng năm học. Nghĩa là, các trường cần thay đổi cách kiểm tra, đánh giá học sinh theo từng học kỳ, từng năm học. Việc kiểm tra, đánh giá, rèn luyện học sinh cần thực chất, nghiêm túc, giao trách nhiệm cho giáo viên, không thả nổi cho học sinh nào cũng được lên lớp dù học lực yếu.

Nếu cứ chạy theo thành tích, điểm số sẽ tạo ra tình trạng thành tích ảo trong giáo dục. Nhìn lại, hiện nay qua cách đánh giá bằng điểm số có rất nhiều học sinh giỏi, có mấy học sinh kém? Đấy là bệnh thành tích, là điều đáng suy nghĩ nhưng đây là hệ lụy của việc không được quản lý chặt bởi khâu kiểm tra, đánh giá.

Do đó, từng trường, từng giáo viên phải chịu trách nhiệm. Các cơ quan quản lý như Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT cũng phải có trách nhiệm làm sao để công tác đánh giá, kiểm tra đúng với khung Bộ đề ra để nâng cao chất lượng giáo dục.

"Bản thân học sinh phải có trách nhiệm với chính việc học và tương lai của mình. Thầy cô giáo giúp cho các em phát hiện điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để thay đổi cách học sao cho phù hợp, hiệu quả. Thực sự các em phải có động lực, có mong muốn trở thành con người như thế nào, nếu chưa có điều này thì đừng nói đến việc hướng nghiệp".

Bên cạnh đó, một điểm quan trọng là rèn học sinh về phẩm chất và năng lực thật. Em nào không đạt yêu cầu thì phải cho thi lại, làm sao để bản thân học sinh biết trân trọng những kết quả mình đạt được.

Từ đó, các em mới cố gắng, nỗ lực, phấn đấu và tiến bộ. Chứ nếu học sinh được nâng điểm “khống” thì năm sau, động lực nào để các em cố gắng? Tức là, mục tiêu giáo dục là giúp học sinh phát huy được khả năng tiềm ẩn của mình. Không thể “cào bằng”, không lấy điểm số, thành tích làm thước đo mà cần lấy khả năng, sở trường của học sinh là mục tiêu giáo dục.

Nếu các trường, phòng, sở GD&ĐT thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ việc kiểm tra đánh giá theo từng năm học thì có thể lấy điểm tổng kết 4 năm học bậc THCS để làm căn cứ, cơ sở cho các trường THPT xét tuyển học sinh vào lớp 10, thay vì một kỳ thi vào lớp 10 công lập với áp lực cạnh tranh, gây áp lực cho cả học sinh lẫn phụ huynh như hiện nay.

Bản thân học sinh phải có trách nhiệm với chính việc học và tương lai của mình. (Ảnh minh họa)

Bản thân học sinh phải có trách nhiệm với chính việc học và tương lai của mình. (Ảnh minh họa)

Cần tạo động lực để học sinh nỗ lực, phấn đấu

Từ câu chuyện này, ông có khuyến nghị gì trong việc phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh ở cấp THCS?

Bên cạnh việc đào tạo chất lượng như vừa đề cập ở trên, điều quan trọng là để học sinh phải chịu trách nhiệm về việc học của mình chứ không thể đổ lỗi cho thầy hay hoàn cảnh. Cùng với đó, những học sinh yếu kém phải được giúp đỡ tận tình, giao giáo viên giỏi giúp các em tiến bộ, có thêm động lực để học tập, phấn đấu.

Tôi vẫn hay nói, nếu thầy giỏi mà học sinh không cố gắng cũng khó có kết quả tốt. Tôi muốn nhấn mạnh đến trách nhiệm của mỗi học sinh, phải làm sao tạo động lực để các em thực sự nỗ lực. Tùy theo năng lực của bản thân, tự nhiên xã hội sẽ dùng đến năng lực riêng của từng em, quan trọng là không bỏ lại học sinh nào ở phía sau.

Ngoài việc nâng cao chất lượng bằng việc kiểm tra, đánh giá nghiêm túc, giúp đỡ học sinh thì các mô hình trường học cấp 2 và cấp 3 hiện nay phải thay đổi, đó là học gắn với thực tế. Hướng nghiệp hiện nay chúng ta làm rất yếu, giáo viên không được đào tạo bài bản; người được huấn luyện, đào tạo để làm công tác này rất ít, không hiểu được bản chất của vấn đề hoặc làm không đến nơi đến chốn.

Theo tôi, hướng nghiệp phải làm được ba việc sau:

Thứ nhất, bản thân học sinh phải có trách nhiệm với chính việc học và tương lai của mình. Thầy cô giáo giúp cho các em phát hiện điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để thay đổi cách học sao cho phù hợp, hiệu quả. Thực sự các em phải có động lực, có mong muốn trở thành con người như thế nào, nếu chưa có điều này thì đừng nói đến việc hướng nghiệp.

"Không thể 'cào bằng, không lấy điểm số, thành tích làm thước đo mà cần lấy khả năng, sở trường của học sinh là mục tiêu giáo dục".

Thứ hai, cùng với gia đình, bản thân học sinh phải xem xét, khi học hết THCS các em phải trả lời được câu hỏi mình mong muốn làm nghề gì? Từ đó, để lên cấp 3, các em có thể chọn môn học cho phù hợp. Nếu lên cấp 3 mà các em vẫn chưa biết môn học nào phù hợp với bản thân chưa biết mình thích gì, muốn gì thì rất khó. Theo tôi, học sinh phải có định hướng về nghề nghiệp sớm như thế, tuy nhiên nhà trường hiện nay vẫn “thả nổi” và buông lỏng vấn đề này.

Để tạo ra những sản phẩm giáo dục chất lượng thì nhà trường phải gắn với định hướng nghề nghiệp của từng em, để học sinh có điều kiện trải nghiệm thực tế. Vấn đề là xã hội cũng phải vào cuộc; doanh nghiệp, các cơ quan phải tạo điều kiện cho học sinh hiểu về những nghề nghiệp trong thực tế.

Trò chuyện với học sinh, cho các em biết làm bác sĩ khó khăn thế nào, làm giáo viên cần những tố chất gì, làm thợ máy thế nào, lái ô tô ra sao? Để từ đó, các em hình dung được những cái khó của từng công việc cụ thể. Mỗi nghề đều có bí quyết, có đòi hỏi riêng, do vậy học sinh mới soi được mình nên đi theo nghề nào cho phù hợp.

Thứ ba là mô hình học. Nếu đã phân luồng thì mô hình học phải phù hợp với học sinh. Có nghĩa, với cấp 3 tất cả các trường chỉ học một chương trình là không đúng. Trong điều kiện hiện nay, khoa học kỹ thuật ngày càng tiên tiến, công nghệ số phát triển như vũ bão, do vậy học sinh không thể nào chỉ có học hết lớp 9 rồi học nghề 2 năm là có thể ra làm việc được.

Học sinh cũng cần tận dụng công nghệ để phát triển bản thân. Còn học được đến đâu là tùy khả năng và điều kiện của từng người. Hiện nay, nhiều trường phổ thông đã cho học sinh tiếp cận một số chương trình của các trường đại học.

Nhưng cũng phải nói thêm rằng, xã hội vẫn "sính" bằng cấp, "sính" đại học, coi học đại học mới là học. Theo tôi, những người lao động phải được trả lương xứng đáng. Bởi, người ta làm nghề giỏi, người ta sáng tạo còn hơn kỹ sư nhiều. Do vậy, đối với những người lao động nghề bậc cao phải được trả lương tương xứng.

Giao cho các trường tự chủ xây dựng đội ngũ giáo viên

Vậy ông có kiến nghị cụ thể để đảm bảo quyền được học tập của học sinh?

Tôi kiến nghị, đối với giáo dục hiện nay có 3 điều cần giải quyết. Đầu tiên, phải có chính sách đầu tư cho giáo dục như thế nào? Chúng ta phải hướng đến việc tạo ra các sản phẩm giáo dục tốt chứ không phân biệt giữa công và tư.

Đồng thời, những mô hình trường nghề gắn với lao động sản xuất phải có văn hóa. Phải nghiên cứu từ thực tế để đưa ra những mô hình giáo dục phù hợp; chứ không phải “đẻ” ra các loại trường nhưng không phải theo thực tế cuộc sống.

Bên cạnh đó, các nhà trường phải tự chủ. Nếu coi đại học mới tự chủ là chưa đủ, cần có không gian giáo dục cho các địa phương phát triển. Địa phương nào phải chăm lo nguồn nhân lực cho địa phương đó, xây dựng những mô hình trường học phù hợp của mình chứ không phải chương trình thống nhất toàn quốc về trình độ.

Mỗi địa phương đều có quyền phát triển, nâng cao trình độ của học sinh của địa phương mình. Trường có tự chủ thì người ta mới có nhiều sáng kiến hay, mới có những giáo viên chất lượng. Tôi kiến nghị, Nhà nước phải đổi mới cách đầu tư, công tác quản lý trường học; giao cho các trường học được tự chủ xây dựng đội ngũ giáo viên riêng để thực hiện được các mục tiêu. Đồng thời, gắn giáo dục với đời sống, nâng cao nhân lực của mỗi địa phương.

Xin cảm ơn Tiến sĩ!

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, thi vào lớp 10 THPT công lập là quyền hợp pháp của học sinh. Không ai có quyền ngăn cản việc đăng ký dự thi của các em. Do đó, các phòng GD&ĐT, nhà trường cần nêu cao tinh thần tôn trọng quyền lợi, tạo điều kiện để các em đăng ký thi lớp 10 công lập nếu có nguyện vọng.

Nguyệt Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khuyen-hoc-sinh-khong-thi-lop-10-la-vi-pham-quyen-duoc-hoc-tap-cua-tre-em-272030.html