'Khủng long bạo chúa trên không' to bằng chiếc máy bay

Loài thằn lằn bay được mệnh danh là "khủng long bạo chúa trên không" có chiếc cổ cực lớn và bộ hàm rộng nửa mét, đủ để nuốt chửng cả con người.

Một đốt sống cổ của loài Hatzegopteryx thuộc bộ thằn lằn có cánh (pterosaur) với sải cánh hơn 10 m được tìm thấy ở vỉa Maastrichtian Sebeş thuộc vùng lòng chảo Transylvania, Romania, theo International Business Times. Hatzegopteryx được cho là sống ở kỷ Phấn trắng cách đây khoảng 70 triệu năm.

Đốt sống cổ của thằn lằn có cánh Hatzegopteryx có bề rộng 24 cm và phần thành dày gấp ba lần những loài họ hàng gần khác. Mẩu xương hóa thạch chỉ ra loài khủng long bay này sở hữu chiếc cổ ngắn mập và có thể ăn con mồi lớn hơn nhiều so với quan niệm trước đây.

Chiếc cổ ngắn mập biến Hatzegopteryx thành loài thú săn mồi dữ tợn, có kích thước như máy bay trực thăng và được mệnh danh là "khủng long bạo chúa trên không", theo nhà nghiên cứu Darren Naish ở Đại học Southampton và Mark Witton ở Đại học Portsmouth, những người tìm thấy mẩu xương. Họ mô tả phát hiện trong báo cáo đăng hôm 18/1 trên tạp chí PeerJ.

Hatzegopteryx có chiếc cổ ngắn mập, chuyên săn những con mồi lớn.

"Thằn lằn có cánh không răng Azhdarchid bao gồm những động vật lớn nhất thống lĩnh bầu trời, một số loài có sải cánh hơn 10 m và trọng lượng 220 kg", nhóm nghiên cứu cho biết.

Azhdarchid bao gồm hai loài chính: một loài có chiếc cổ dài duyên dáng tên Arambourgiania philadelphiae và loài còn lại có chiếc cổ ngắn, khỏe gọi là Hatzegopteryx. Thằn lằn có cánh tiến hóa nhiều loại cổ khác nhau để có thể tấn công nhiều con mồi khác nhau.

"Đốt sống cổ ngắn mập của Hatzegopteryx cùng với bộ xương khỏe khoắn và phần hàm rộng dường như thích hợp với việc xử lý những con mồi lớn hơn, hoặc để tạo ra lực mạnh hơn trong khi kiếm ăn, khác hẳn các loài azhdarchid với bộ xương thành mỏng, chiếc cổ dài thanh mảnh và hộp sọ hẹp", nhóm nghiên cứu kết luận.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/khung-long-bao-chua-tren-khong-to-bang-chiec-may-bay-2901356-l.html