Khủng hoảng Ukraine - Bài 2: Vì sao Nga muốn Ukraine?

Đối với Nga, quan hệ khăng khít với Ukraine không chỉ có ý nghĩa về địa-chính trị mà còn về lịch sử, kinh tế, quân sự. Vì lẽ đó, Nga không mong muốn Ukraine rời khỏi quỹ đạo Nga.

Về địa-chính trị, Nga và Ukraine có quan hệ gắn bó mật thiết. Ukraine giáp Liên bang Nga về hướng đông và hướng đông bắc. Chiều dài ranh giới trên bộ chung giữa hai nước dài đến 1.600 km.

Duyên nợ lịch sử

Hãng tin Global Post của Mỹ ghi nhận Nga và Ukraine không chỉ có chung biên giới mà còn có các mối liên kết lịch sử từ thời trung cổ.

Năm 882, hoàng tử Oleg xứ Novgorod (thành phố cổ ở vùng tây bắc Nga ngày nay) đã tập hợp các bộ tộc Đông Slave để thành lập công quốc Nga Kiev (Rus Kiev). Hoàng tử Oleg đã chọn Kiev (thủ đô Ukraine ngày nay) làm thủ đô công quốc Nga Kiev. Công quốc Nga Kiev tồn tại đến thế kỷ 13 thì tan rã trước vó ngựa xâm lược của đế quốc Mông Cổ.

Dân tộc các nước Nga, Belarus và Ukraine ngày nay vốn có nguồn gốc là người Đông Slavơ xưa kia. Vì thế, ba nước đều xem công quốc Rus Kiev là di sản văn hóa dân tộc mình. Vào thời đế quốc Nga, cụm từ “tiểu Nga” được dùng phổ biến để ám chỉ các khu vực thuộc lãnh thổ Ukraine ngày nay vốn thuộc quyền cai trị của các sa hoàng Nga.

Theo hãng tin Bloomberg (Mỹ), năm 2005, trong bài phát biểu thông điệp liên bang trước Duma quốc gia, Tổng thống Putin đã mô tả sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 là thảm họa địa-chính trị to lớn nhất thế kỷ. Sau khi Liên Xô tan rã, rất nhiều người Nga phải sống ngoài Liên bang Nga, trong đó có Ukraine. Người Nga là dân tộc thiểu số lớn nhất ở Ukraine, chiếm 17,3% (8,3 triệu người) trong 46 triệu dân Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych thăm quân cảng Sevastopol vào ngày 28-7-2013. Ảnh: GETTY IMAGES

Làn sóng cách mạng màu

Vì Nga và Ukraine quá gần gũi về địa lý, Nga rất lo ngại một bộ phận người dân Nga bất mãn chính quyền sẽ bắt chước làn sóng biểu tình đòi Tổng thống Viktor Yanukovych từ chức ở Ukraine.

Nhìn lại các cuộc cách mạng màu trong thập niên qua, Nga càng có lý do để bất an. Cách mạng hoa hồng ở Gruzia năm 2003 đã phế truất Tổng thống Eduard Shevardnadze. Năm 2005, Cách mạng hoa uất kim hương (hoa tulip) ở Kyrgyzstan đã lật đổ Tổng thống Askar Akayev.

Tại Ukraine, trong Cách mạng cam năm 2004, những người ủng hộ ứng cử viên Viktor Yushchenko (phe đối lập) đã tổ chức biểu tình phản đối ứng cử viên Viktor Yanukovych chiến thắng trong bầu cử tổng thống với lý do gian lận bầu cử diễn ra tràn lan. Tòa án tối cao đã phán quyết hủy kết quả bầu cử và yêu cầu bầu cử lại.

Sau đó, ông Viktor Yushchenko đã giành chiến thắng và nhậm chức tổng thống. Làn sóng biểu tình ở quảng trường Độc Lập tại Kiev từ tháng 11-2013 diễn ra chẳng khác nào Cách mạng cam phiên bản 2.0. Nga đã nhiều lần cáo buộc các nước phương Tây hậu thuẫn cho các cuộc cách mạng màu và âm mưu hỗ trợ một cuộc cách mạng tương tự sẽ diễn ra ở Nga nhằm kiểm soát tài nguyên năng lượng khổng lồ của Nga.

Câu chuyện danh tướng Anton Denikin

Trên thực tế, trong suốt 900 năm trước khi tuyên bố độc lập vào năm 1991, Ukraine chưa bao giờ tồn tại như một quốc gia. Nhiều vùng của Ukraine ngày nay đã từng bị Ba Lan, Litva, Áo, Hungary, Đức và Nga cai trị.

Báo Kommersant (Nga) thuật lại năm 2009, Thủ tướng Putin đến viếng lăng mộ danh tướng Nga Anton Denikin trong tu viện Donsky ở Moscow. Lúc đó ông đã hỏi các phóng viên có ai đọc nhật ký của Anton Denikin chưa. Khi mọi người nói chưa đọc, ông nói: “Các bạn nên đọc nhật ký của Anton Denikin, đặc biệt là phần nói về nước Nga vĩ đại và tiểu Nga, tức Ukraine. Anton Denikin viết không ai được phép can thiệp vào quan hệ giữa hai nước và chỉ có Nga được quyền ấy. Sẽ là tội ác nếu ai đó nói về sự chia rẽ giữa Nga và Ukraine, cho dù là người nước ngoài”.

Anton Denikin là tướng Nga trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Ông sống lưu vong phần lớn cuộc đời, đầu tiên là ở Pháp và cuối cùng qua đời ở Mỹ.Năm 2005, di cốt của ông được đưa về tu viện Donsky theo lệnh của ông Putin. Tu viện trưởng Donsky ghi nhận gần đây ông Putin đã thay đổi quan điểm về chỗ đứng của Anton Denikin trong lịch sử. Điều này hiển nhiên vì lập trường của Anton Denikin đối với nước láng giềng Ukraine của Nga.

Ukraine và khí đốt Nga

Về kinh tế, với dân số 46 triệu người, Ukraine là thị trường lớn để Nga xuất khẩu hàng hóa. Tổng thống Putin muốn Ukraine gia nhập liên minh hải quan (liên minh kinh tế giữa Nga, Belarus và Kazakhstan) để đối trọng với Liên minh châu Âu (EU). Hai nước Armenia và Kyrgyzstan đang chuẩn bị gia nhập liên minh, tuy nhiên liên minh này chỉ thực sự hoàn chỉnh nếu có Ukraine.

Ngoài ra, doanh thu bán khí đốt cho châu Âu là nguồn thu ngoại tệ quan trọng của Nga. Nga là nguồn cung cấp khí đốt chính cho EU (1/3 lượng khí đốt nhập khẩu). Trong khi đó, khoảng 50% khí đốt xuất khẩu của Nga sang EU chạy qua các đường ống ở Ukraine. Nga không muốn hệ thống đường ống dẫn khí đốt của Nga lại nằm dưới sự quản lý của một chính phủ Ukraine không thân thiện với Nga.

Giữ mối quan hệ khăng khít giữa hai nước sẽ bảo đảm cho Nga tiếp cận an toàn hơn đối với hệ thống đường ống dẫn khí của Ukraine cũng như thị trường châu Âu.

Ác cảm lịch sử?

Có ý kiến nhận định nguyên nhân sâu xa dẫn đến biểu tình ở quảng trường Độc Lập xuất phát từ xung đột lợi ích giữa người dân ở hai khu vực miền Tây (giáp châu Âu) và miền Đông Ukraine (giáp Nga).

Dân miền Đông nói tiếng Nga, có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Nga nên ủng hộ Ukraine bắt tay với Nga. Trong khi đó, dân miền Tây nói tiếng Ukraine ở cạnh châu Âu nên chịu ảnh hưởng phương Tây, ủng hộ cải cách kinh tế và mong muốn Ukraine gia nhập EU và NATO.

Tuy nhiên, tạp chí National Review (Mỹ) dẫn lời Giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ-Ukraine (Mỹ) Walter Zaryckyj nhận định nguồn gốc sâu xa xuất phát từ nạn đói năm 1932-1933 làm khoảng 7-10 triệu người chết tại Ukraine (lúc bấy giờ thuộc Liên Xô).

Vào thời đó, chính quyền Liên Xô do Joseph Stalin lãnh đạo đã buộc nông dân Ukraine phải tham gia hợp tác xã nông nghiệp. Nhiều nông dân không muốn vào hợp tác xã đã làm thịt hàng triệu gia súc hoặc từ chối ra đồng. Sau đó, chiến dịch đấu tố được phát động trong nông dân. Chiến dịch thanh trừng được tiến hành, người sai phạm nặng thì bị xử tử, bỏ tù còn nhẹ thì bị tịch thu đất đai, đày ải đến các vùng khác hoặc đưa vào trại cải tạo lao động địa phương. Các chính sách khắc nghiệt này đã dẫn đến nạn đói ở Ukraine năm 1932-1933.

Năm 2003, Quốc hội Ukraine đã thông qua nghị quyết xem nạn đói năm 1932-1933 là hành động diệt chủng do chính quyền Stalin cố tình gây ra nhằm trấn áp chủ nghĩa dân tộc và phong trào đòi độc lập manh nha ở Ukraine. Đến năm 2006, Quốc hội Ukraine thông qua nghị quyết xem nạn đói năm 1932-1933 là hành động diệt chủng chống nhân dân Ukraine.

Theo Walter Zaryckyj, ký ức về Ukraine thời Liên Xô cũ đã làm cho nhiều người Ukraine ác cảm với bất cứ quan hệ hữu nghị nào với Nga. Vì lẽ đó, họ tham gia biểu tình để xích lại gần châu Âu hơn nữa.

LÊ LINH

Quân cảng Nga ở Ukraine

Căn cứ hạm đội biển Đen của Nga đặt tại quân cảng ở Sevastopol trên bán đảo Crimea của Ukraine. Nga đã ký hợp đồng thuê quân cảng Sevastopol thêm 25 năm nữa sau khi hợp đồng thuê hiện tại sẽ hết hạn vào năm 2017. Nếu một chính phủ mới lập ở Ukraine có xu hướng thân các nước phương Tây, Nga có thể buộc phải di dời căn cứ hạm đội biển Đen về Novorossiysk (vùng tây nam Nga).

Đã có lần chính phủ của Tổng thống Viktor Yushchenko khẳng định không muốn cho Nga gia hạn hợp đồng thuê quân cảng ở Sevastopol vì lo ngại sự hiện diện của hạm đội biển Đen sẽ gây rủi ro cho chủ quyền của Ukraine đồng thời tạo ra các nhân tố gây bất ổn ở bán đảo Crimea vì đây là khu vực có đa số người Nga sinh sống.

Nguồn PLO: http://plo.vn/ho-so-phong-su/khung-hoang-ukraine-bai-2-vi-sao-nga-muon-ukraine-450186.html