Khủng hoảng nước đang ảnh hưởng đến gần 4 tỷ người

Báo cáo của Viện Tài nguyên thế giới (WRI) công bố ngày 16-8 cho biết hiện có 1/4 dân số thế giới đang phải đối mặt với 'tình trạng căng thẳng về nước cực kỳ cao'. Dự kiến sẽ thêm 1 tỷ người bị thiếu nước vào năm 2050.

Người dân xếp hàng chờ lấy nước sinh hoạt trong thời tiết mùa hè nắng nóng ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: AFP

Căng thẳng nước cực kỳ cao

Thế giới vừa trải qua tháng 7 nóng nhất từng được ghi nhận. Tài nguyên nước đang ngày càng khan hiếm hơn trong bối cảnh con người và hầu hết sinh vật sống trong tự nhiên đều cần nước hơn khi các đợt nắng nóng tấn công. WRI ngày 16-8 công bố một bản đồ thể hiện tình trạng thiếu nước hiện tại và trong tương lai. Báo cáo cho biết khoảng một nửa dân số thế giới phải chứng kiến tình trạng căng thẳng về nước ở mức độ "cao" trong ít nhất một tháng mỗi năm. Tình trạng thiếu nước dự kiến sẽ ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

Căng thẳng "cao" có nghĩa là ít nhất 60% tài nguyên nước có sẵn đã được sử dụng, dẫn đến sự cạnh tranh cục bộ giữa những người dùng khác nhau. Tình trạng thiếu nước được cho là sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu không có một chính sách nghiêm túc để dự đoán và đối phó với các tình huống khó khăn hoặc nguy cơ có thể xảy ra trong tương lai.

Hiện tại, có 25 quốc gia đang phải đối mặt với mức "căng thẳng cao cực độ" về tài nguyên nước. Điều này có nghĩa là sự mất cân đối giữa việc sử dụng nước và các nguồn nước dự trữ của họ đã lên tới ít nhất 80%. Bahrain, CH Cyprus, Kuwait, Lebanon và Oman là những nước phải đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng nhất. Ngay cả một đợt hạn hán ngắn hạn cũng có thể khiến những nơi này có nguy cơ cạn kiệt nước. Nam Á có hơn 74% dân số phải sống trong cảnh thiếu nước nghiêm trọng. Nhưng khu vực này vẫn còn đứng sau Trung Đông và Bắc Phi, nơi có đến 83% dân số bị ảnh hưởng.

Sự thay đổi lớn nhất về nhu cầu nước sẽ xảy ra ở vùng cận Sahara châu Phi, dự báo nhu cầu nước sẽ tăng 163% vào năm 2050. Ở Bắc Mỹ và châu Âu, nhu cầu nước đã ổn định nhờ đầu tư vào các biện pháp sử dụng nước hiệu quả. Nhưng điều đó không có nghĩa là một số vùng trong khu vực này không bị ảnh hưởng. Theo báo cáo, tại Mỹ, 6 bang ở lưu vực sông Colorado đang trải qua tình trạng căng thẳng về nước cực kỳ cao. Báo cáo của Liên Hiệp Quốc cũng cảnh báo khủng hoảng nước toàn cầu có thể "vượt khỏi tầm kiểm soát" do tiêu thụ quá mức và biến đổi khí hậu

Thiệt hại nặng

"Nước là nguồn tài nguyên quan trọng cho ngành trồng trọt và chăn nuôi cũng như các hoạt động thiết yếu khác. Do đó, căng thẳng về nước có thể mang lại nhiều rủi ro như việc làm, an ninh lương thực và sức khỏe của người dân trên toàn cầu. Trước tình trạng gia tăng dân số, phát triển kinh tế và biến đổi khí hậu, khủng hoảng về nguồn nước sẽ trở nên nghiêm trọng nếu không quản lý nước hợp lý", các tác giả báo cáo cho biết.

Ấn Độ, việc thiếu nước để làm mát các nhà máy nhiệt điện từ năm 2017 đến năm 2021 đã dẫn đến sự thất thoát 8,2 terawatt giờ năng lượng, số điện đủ để cung cấp cho 1,5 triệu hộ gia đình Ấn Độ trong 5 năm.

Căng thẳng về nguồn nước càng gia tăng sẽ càng đe dọa nền kinh tế của các quốc gia, nhất là các nước sản xuất lương thực. Một nghiên cứu về rủi ro nước khác cho biết 60% nền nông nghiệp cần đến tưới tiêu trên thế giới phải đối mặt tình trạng căng thẳng về nước rất cao, đặc biệt là mía, lúa mì, gạo và ngô. Đến năm 2050, thế giới sẽ cần sản xuất nhiều hơn 56% lượng calo thực phẩm so với năm 2010 để nuôi sống dân số dự kiến là 10 tỷ người.

Số tiền thiệt hại từ áp lực tiêu thụ nước dự kiến lên đến 31% GDP toàn cầu (70 nghìn tỷ USD) vào năm 2050, tăng từ 24% (15 nghìn tỷ USD) vào năm 2010. Bốn quốc gia Ấn Độ, Mexico, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề vào năm 2050.

Các giải pháp can thiệp

Trên toàn cầu, nhu cầu về nước đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 1960 và báo cáo dự đoán nhu cầu này sẽ tăng thêm 20-25% vào năm 2050. Vậy làm thế nào để đối phó với các giai đoạn hạn hán tăng cường khi tình hình hiện nay cũng đã quá căng thẳng? Theo WRI, nhiều chính quyền đã áp dụng cắt nước tại một số địa phương. Cụ thể là Ấn Độ, Mexico, Iran, Nam Phi… đã áp dụng chính sách này. Thành phố Cape Town của Nam Phi đã sống trong nhiều tháng dưới sự đe dọa của những ngày "không có một giọt nước nào trong đường ống".

Không chỉ châu Phi hay Nam Á, nhiều nước tiên tiến cũng trải qua cảnh thiếu nước cục bộ, những tình huống mà chẳng ai có thể nghĩ đến. Tháng 6 vừa qua, do tình trạng căng thẳng về nước, một số trường học ở vùng Sussex, miền Nam nước Anh, đã bị cắt nước khi nhu cầu vượt quá nguồn cung sẵn có trong thời tiết nắng nóng của tháng đó.

Tại Pháp, hơn 700 đô thị phải dùng xe bồn và cung cấp nước đóng chai để người dân sử dụng trong suốt mùa hè năm 2022. Ở hải ngoại, người dân Guadeloupe, thuộc Pháp phải thường xuyên tuân thủ lịch phân phối nước định kỳ.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/khung-hoang-nuoc-dang-anh-huong-den-gan-4-ty-nguoi-post282091.html