Khủng hoảng nợ công châu Âu: "Khối u bắt đầu di căn"(Kỳ1)

Ngày 21/11 vừa qua, Ailen lại tiếp bước Hy Lạp, trở thành nước thứ 2 trong Liên minh châu Âu (EU) không thể tự cứu lấy mình trong cơn khủng hoảng nợ công. Nhưng chiếc “vòi bạch tuộc nợ công” vẫn chưa dừng lại, tiếp tục hoành hành và dường như việc nó nhấn chìm thêm một số “con thuyền kinh tế” châu Âu chỉ còn là vấn đề thời gian. Bản “danh sách Schindler nợ công” vì thế có thể sẽ tiếp tục dài ra với những cái tên như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italia, Bỉ, qua đó đặt Eurozone nói riêng và EU nói chung trước những thách thức nghiêm trọng.

- Kỳ 1: Quân cờ đôminô Hy Lạp Còn nhớ vào tháng 11/2009, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp tuyên bố thâm hụt tài chính năm 2009 của nước này sẽ là 12,7% GDP, cao hơn gấp đôi trước đây (6%) và cao hơn 4 lần so với mức cho phép của Eurozone (3%). Tâm lý khủng hoảng bắt đầu xuất hiện trên thị trường. Chính phủ Hy Lạp tuyên bố nếu không nhận được các khoản cứu trợ trước tháng 5/2010, họ sẽ không có cách nào trả được khoản nợ trị giá 20 tỉ euro sắp đáo hạn. Lo ngại Hy Lạp vi phạm khế ước vay nợ đối với khoản nợ từ 300 - 400 tỉ euro, các nhà đầu tư bắt đầu bán tháo trái phiếu Hy Lạp, làm chính phủ nước này không thể phát hành trái phiếu mới để lấy tiền trả nợ cũ. Cuộc khủng hoảng nợ công Hy Lạp bùng nổ. Hàng nghìn người Hylap đã tham gia biểu tình ở trung tâm thủ đô Athen phản đối các đai diện của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Liên minh Châu Âu (EU) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Chịu ảnh hưởng của hiệu ứng dây chuyền từ Aten, các nước PIIGS (các nước ở châu Âu, có tỉ lệ nợ nước ngoài cao) như Bồ Đào Nha, Ailen, Italia và Tây Ban Nha đồng thời đứng trước nguy cơ khủng hoảng tín dụng, khiến một lượng lớn tiền vốn chảy sang Mỹ. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và IMF đã phải lần lượt đưa ra hai gói cứu trợ trị giá 110 tỉ euro và 750 tỉ euro. Nhằm ngăn chặn giá trái phiếu chính phủ tụt giảm và sự leo thang của lãi suất trái phiếu chính phủ, ECB còn phải thực hiện thêm động tác mua nợ của Hy Lạp mà các nhà đầu tư bán tống bán tháo trên thị trường buôn bán nợ cấp 2. Cùng với đó, ECB buộc phải gia tăng các khoản vay tín dụng ngắn hạn cho ngân hàng và nới lỏng điều kiện cho vay để tăng tính lưu động trên thị trường tiền tệ, vốn đang bị thiếu hụt. Ngân hàng Thương mại của Đức và Pháp vốn nắm giữ một lượng lớn trái phiếu chính phủ và các loại trái khoán khác của Hy Lạp và 4 nước PIIGS còn lại cũng không thể đứng ngoài cuộc bởi cứu Hy Lạp cũng là cứu chính họ. Khác với Mỹ, khi xử lý vấn đề ổn định thị trường tài chính, các nước EU không sử dụng chính sách tài chính mở rộng, ngược lại còn bắt đầu thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”. Ngay cả các nước có nền tài chính tốt ở châu Âu như Đức cũng không là ngoại lệ. Sự đối lập đã xuất hiện bởi sau khi khủng hoảng tài chính thế giới khởi nguồn từ Mỹ nổ ra, chính sách tiền tệ của khu vực EU đi theo hướng nới lỏng mạnh mẽ. Nhưng trong cuộc khủng hoảng nợ công mà mầm họa được gieo trên chính “lục địa già”, ECB lại quay ngoắt 1800, không đứng cùng bục với Mỹ để tấu lên bản nhạc “nới lỏng định lượng” và cũng không sửa đổi mục tiêu không để tỉ lệ lạm phát vượt quá 2%. Lý do nằm ở đồng euro. Cho tới trước khi cuộc khủng hoảng nợ công nổ ra, việc gia nhập Eurozone vẫn được xem là một điều tốt đẹp đối với Hy Lạp, giúp đem tới những khoản vay lãi suất thấp và thu hút được dòng vốn khổng lồ. Nhưng dòng tiền ào ạt đổ vào đã dẫn tới lạm phát và rốt cuộc, Hy Lạp nhận thấy mình phải đương đầu với tình trạng leo thang của giá cả mạnh hơn ở các nền kinh tế lớn của châu Âu, buộc phải áp dụng chính sách tiền tệ giảm phát để đưa tỷ lệ lạm phát về với mức “hợp chuẩn” với các quy định của Eurozone. Và giảm phát đã làm tăng gánh nặng nợ nần, bẻ gẫy xương sống của “chàng lực sĩ Hercules”. Giờ đây, Hy Lạp lại phải giải quyết “núi nợ” theo liệu pháp mà họ chỉ có quyền thực hiện là cắt giảm chi tiêu và tăng thuế. Hệ quả không cần nói ai cũng có thể biết là làm tỷ lệ thất nghiệp của Hy Lạp thêm đáng ngại và khiến chính phủ nước này phải đối mặt với sự giận dữ của công chúng do phúc lợi xã hội giảm. Những cuộc biểu tình nhuốm màu bạo lực vừa qua ở “xứ sở thần thoại” đã cho thấy điều đó.Có thể nói, cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu từ quân cờ đôminô Hy Lạp đã bộc lộ mặt yếu nhất của Eurozone (chung đồng tiền, nhưng lại độc lập về chính sách tài chính). Và vì thế, khi những phù dung của việc vay nợ ồ ạt để phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, mà không lường hết sự biến đổi bất ngờ của tình hình (khủng hoảng tài chính nổ ra) tan biến, nhiều nước Eurozone mới ngộ ra rằng họ đã “cưỡi trên lưng hổ”. Dù các nhà lãnh đạo cố gắng trấn an dư luận rằng chính phủ có thể tự mình xoay sở giải quyết vấn đề nợ công, nhưng thực tế ra sao, thời gian là câu trả lời chính xác nhất. Ở khía cạnh này, Ailen trở thành một ví dụ điển hình. Hà Ngọc (P/v TTXVN tại Hồng Công) Đón đọc kỳ 2: Sự sụp đổ của "phép màu kinh tế"

Nguồn TTXVN: http://baotintuc.vn/138n20101129023418521t0/khung-hoang-no-cong-chau-au-khoi-u-bat-dau-di-canky1.htm