Khủng hoảng chính trị leo thang ở Venezuela

Biểu tình biến thành bạo lực

(Cadn.com.vn) - Khủng hoảng chính trị tại Venezuela leo thang sau khi ít nhất 3 cảnh sát chống bạo động đã bị bắn trong cuộc biểu tình do phe đối lập phát động nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro ngày 26-10. Động thái này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế chìm sâu trong khủng hoảng. Tỷ lệ lạm phát, vốn đang cao nhất thế giới, dự kiến sẽ tăng lên đáng kinh ngạc 1.660% trong năm tới.

Cuộc biểu tình mang tên "Tiếp quản Venezuela" do Liên minh bàn tròn Thống nhất Dân chủ (MUD) phát động đã diễn ra tại 50 địa điểm trên khắp đất nước, thu hút sự tham gia của hàng trăm nghìn người. Đám đông mặc đồ trắng, vẫy quốc kỳ và hô to các khẩu hiệu phản đối chính quyền đương nhiệm.

Lãnh đạo MUD, ông Henrique Capriles cho biết, đụng độ với cảnh sát đã khiến hơn 120 người biểu tình bị thương và 147 người bị bắt giữ. Về phía chính phủ, Bộ trưởng Nội vụ Nestor Reverol cho biết, một cảnh sát đã thiệt mạng và 2 sĩ quan khác bị thương sau khi bị bắn trong một cuộc biểu tình tối 26-10 ở bang Miranda, nơi ông Capriles là Thống đốc. Tuy nhiên, cảnh sát bang Miranda phủ nhận cái chết của sĩ quan này có liên quan đến người biểu tình.

Tại San Cristobal, người biểu tình đeo mặt nạ đã ném đá và bom xăng vào lực lượng an ninh, tấn công các trụ sở địa phương của Hội đồng bầu cử quốc gia. Phe đối lập tuyên bố ít nhất 5 người biểu tình bị bắn tại San Cristobal và Maracaibo, thành phố lớn thứ hai của Venezuela.

Lãnh đạo đối lập Henrique Capriles (áo trắng, giữa) tham gia biểu tình ở Caracas.

Tại sao khủng hoảng?

Sau khi cố Tổng thống Hugo Chavez qua đời vào năm 2013, ông Nicolas Maduro lên nắm quyền với lời hứa sẽ tiếp tục các chính sách của ông Chavez. Những người ủng hộ ca ngợi hai vị lãnh đạo đã đưa đất nước tiến lên, giảm bất bình đẳng và đưa nhiều người Venezuela thoát khỏi đói nghèo. Tuy nhiên, ông Maduro không được tín nhiệm như người tiền nhiệm Chavez. Hơn thế, giá dầu giảm đã cản trở các kế hoạch của chính phủ. Dầu mỏ chiếm khoảng 95% doanh thu xuất khẩu của Venezuela và được sử dụng để tài trợ cho các chương trình xã hội. Việc thiếu nguồn thu từ dầu buộc chính phủ phải cắt giảm các chương trình xã hội, khiến niềm tin của người ủng hộ lung lay. Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy, hơn 75% người Venezuela không hài lòng với cách ông Maduro lãnh đạo đất nước.

Phe đối lập gần đây kêu gọi trưng cầu dân ý hạ bệ ông Maduro và tổ chức bầu cử. Họ cáo buộc quản lý yếu kém của chính phủ dẫn đến khủng hoảng kinh tế, lạm phát leo thang, thiếu lương thực, vật tư y tế, mất điện... và cho rằng, chỉ có sự thay đổi trong ban lãnh đạo đất nước mới có thể kéo Venezuela khỏi bờ vực sụp đổ.

Tương lai nào cho ông Maduro?

Theo hiến pháp Venezuela, một cuộc trưng cầu có thể buộc tổng thống đã nắm quyền nửa nhiệm kỳ phải từ chức. Cho đến nay, phe đối lập đã hoàn tất giai đoạn 1 của quá trình và lên kế hoạch bắt đầu giai đoạn hai vào ngày 26-10. Tuy nhiên, hôm 20-10, cơ quan bầu cử tuyên bố hoãn kế hoạch này, động thái khiến phe đối lập phẫn nộ. Các nghị sĩ đối lập trong Quốc hội hôm 23-10 đã triệu tập cuộc họp bất thường và thông qua nghị quyết tuyên bố về "sự thất bại của trật tự hiến pháp" và "một cuộc đảo chính do chính quyền của tổng thống Maduro gây ra". Đáp lại, ông Maduro triệu tập cuộc họp khẩn của hội đồng an ninh quốc gia để đối phó với "âm mưu đảo chính" của Quốc hội và chuẩn bị cho cuộc đối thoại với phe đối lập diễn ra vào ngày 30-10 tới.

Giáo hoàng Francis tuyên bố sẽ làm trung gian trong các cuộc đàm phán hòa giải này. Tuy nhiên, ông Capriles cáo buộc tổng thống sử dụng lợi thế của Giáo hoàng cho mục đích riêng, trong khi Phó chủ tịch đảng Xã hội Thống nhất (PSUV) cầm quyền Diosdado Cabello cáo buộc phe đối lập sử dụng cuộc đàm phán để che giấu kế hoạch đảo chính.

An Bình
(Theo Reuters, BBC)

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/122_156807_khu-ng-hoa-ng-chi-nh-tri-leo-thang-o-venezuela.aspx