Khu kinh tế Vân Phong vừa được Thủ tướng phê duyệt có gì đặc biệt?

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế (KKT) Vân Phong đến năm 2040, trong đó có sân bay, sân golf và casino.

Tập trung Kinh tế biển

Ngày 27/3, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 298/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Quyết định, Khu Kinh tế Vân Phong có diện tích khoảng 150.000 ha; trong đó diện tích phần mặt nước khoảng 79.178 ha, phần đất liền và đảo khoảng 70.822 ha thuộc địa bàn huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa.

Ranh giới lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên 12 xã, thị trấn của huyện Vạn Ninh và 6 xã, 3 phường của thị xã Ninh Hòa hiện nay.

Theo phê duyệt, Khu kinh tế Vân Phong có tính chất "là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cho cả nước".

Trong đó kinh tế biển là nền tảng có cảng trung chuyển container quốc tế và dịch vụ logistics, đô thị, dịch vụ, du lịch, công nghiệp giữ vai trò quan trọng, kết hợp phát triển các ngành kinh tế khác…

Khu kinh tế Vân Phong được định hướng phát triển theo hai khu vực: Quy hoạch xây dựng cả hai cảng trung chuyển container quốc tế tại hai khu vực Bắc Vân Phong (huyện Vạn Ninh) và Nam Vân Phong (khu vực phía đông thị xã Ninh Hòa), và đều sẽ thực hiện từ sau năm 2030; Quy hoạch khu vực dự trữ phát triển Cảng hàng không Vân Phong, tại xã Vạn Thắng (huyện Vạn Ninh) quy mô khoảng 500ha, để thực hiện đầu tư xây dựng vào giai đoạn sau năm 2030.

Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa được Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch. Ảnh BXD.

Phê duyệt sân bay, sân golf và casino

Theo quy hoạch điều chỉnh, các khu phát triển dịch vụ, du lịch với các loại hình du lịch sinh thái - vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp, sân golf, casino, công viên chuyên đề, triển lãm du thuyền quốc tế kết hợp các hoạt động tham quan, trải nghiệm... có tổng diện tích đất khoảng 2.613 ha tập trung chủ yếu tại khu vực Hòn Lớn, bán đảo Hòn Gốm, Đại Lãnh khoảng 2.027 ha và khu vực Dốc Lết khoảng 200 ha, các khu vực khác khoảng 386 ha.

Khu Kinh tế Vân Phong được Thủ tướng Chính phủ thành lập theo Quyết định số 92/2006/QĐ-TTg ngày 25/4/2006. Đến nay, tại đây đã có 150 dự án (122 dự án trong nước và 28 dự án FDI) đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 4,1 tỷ USD. Trong đó, vốn thực hiện đạt 2,74 tỷ USD với nhiều dự án đã đi vào hoạt động, như Nhà máy đóng tàu Hyundai Việt Nam, Kho Xăng dầu ngoại quan Vân Phong.

Cảng biển, các trung tâm dịch vụ hậu cần, logistic khoảng 509 ha; các khu vực dự kiến phát triển cảng, hậu cần cảng khoảng 961 ha tại Bắc và Nam Vân Phong; các khu vực dự kiến phát triển hậu cần cảng, logistic tại Ninh Phước khoảng 445 ha. Khu vực dự kiến phát triển cảng hàng không khoảng 500 ha tại Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh.

Các khu vực phát triển sân golf được bố trí tại đảo Hòn Lớn, khu Đầm Môn, khu vực Tuần Lễ - Hòn Ngang. Khu vực phát triển sân golf đến năm 2030 tại Đầm Môn có diện tích 176 ha. Các khu vực sân golf khác có tổng diện tích khoảng 479 ha.

Quy hoạch điều chỉnh cũng xác định phát triển dân cư đô thị có tổng diện tích khoảng 5.396 ha tại các khu vực: Đầm Môn, Cổ Mã - Tu Bông, Vạn Giã và vùng phụ cận, Đông - Bắc Ninh Hòa, Đông - Nam Ninh Hòa. .

Các khu vực phát triển dân cư hỗn hợp (dân cư, dịch vụ) có tổng diện tích khoảng 173 ha tại các khu vực Đầm Môn, Cổ Mã - Tu Bông, Vĩnh Yên - Mũi Đá Son, Ninh Hải - Dốc Lết, Đông Bắc Ninh Hòa, khu vực dọc trục đường 26B. Các khu dân cư nông thôn có tổng diện tích đất khoảng 1.418 ha tại khu vực phía Tây huyện Vạn Ninh.

Ưu tiên những dự án trên 10.000 tỷ đồng

Theo danh mục các dự án ưu tiên thu hút đầu tư vào KKT Vân Phong theo Nghị quyết số 55/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội, trong giai đoạn 2023-2024 dự kiến ưu tiên thu hút đầu tư 27 dự án. Giai đoạn 2024-2025 sẽ ưu tiên thu hút thêm 10 dự án.

Cụ thể, đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh trung tâm thương mại, tài chính có quy mô đầu tư trên 12.000 tỷ đồng.

Khánh Hòa sẽ ưu tiên đầu tư 19 dự án thuộc nhóm dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh khu đô thị với quy mô diện tích đất từ 300 ha trở lên hoặc có quy mô dân số từ 50.000 người trở lên; đầu tư xây đầu tư xây dựng và kinh doanh khách sạn, khu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp và vui chơi giải trí tổng hợp có sân golf có quý mô vốn đầu tư từ 25.000 tỷ đồng.

Cùng với các dự án nói trên còn có 4 dự án liên quan đến năng lượng như nhà máy lọc dầu Nam Vân Phong (100.000 tỷ đồng); tổ hợp hóa dầu Nam Vân Phong 1 và 2 (60.000 tỷ đồng/dự án) và nhà máy sản xuất Hydro xanh và pin nhiên liệu mới (48.000 tỷ đồng) đều thuộc khu vực Nam Vân Phong và tập trung ở khu vực xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa.

Nhóm cuối cùng được ưu tiên thu hút đầu tư vào KKT Vân Phong thuộc nhóm dự án xây dựng và kinh doanh sân bay, đầu tư bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt, dịch vụ logicstics… có quy mô đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/khu-kinh-te-van-phong-vua-duoc-thu-tuong-phe-duyet-co-gi-dac-biet.html