Khu du kích Ba Sơn - một vùng căn cứ kháng chiến

Khu du kích Ba Sơn nằm phía Đông Bắc huyện Cao Lộc trải rộng trên địa bàn nhiều xã. Trung tâm của khu du kích cách thành phố Lạng Sơn hơn 30 km, thuộc hai xã: Cao Lâu và Xuất Lễ. Được xây dựng từ năm 1947, trong suốt những năm kháng chiến (1947 – 1950), quân, dân du kích Ba Sơn đã anh dũng, kiên cường trong chiến đấu, lập nhiều thành tích xuất sắc, góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp trên vùng đất Lạng Sơn.

Làng Thạch Khuyên (xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc) – căn cứ hoạt động của du kích Ba Sơn thời kỳ 1947 – 1950

Tháng 12/1946, các huyện, thị trong tỉnh lần lượt bị thực dân Pháp chiếm đóng. Tại các vị trí chiến lược quân sự, đường giao thông quan trọng, chúng đều xây dựng đồn, bốt gác, điếm canh để đóng quân. Trên địa bàn huyện Cao Lộc, quân Pháp đã xây dựng nhiều đồn bốt kiên cố, lập trung tâm cai trị tại đồn Nà Phja thuộc thôn Ba Sơn, xã Xuất Lễ. Từ đó, thiết lập hệ thống tề, ngụy, câu kết với bọn phản động, Việt gian tăng cường khủng bố Nhân dân, càn quét, bắt bớ những người tham gia kháng chiến...

Thực hiện chủ trương xây dựng căn cứ kháng chiến, đẩy mạnh chiến tranh du kích trong vùng địch hậu, vào tháng 2/1947, tại cuộc họp mở rộng với cấp ủy Cao Lộc, Tỉnh ủy Lạng Sơn đã chỉ đạo huyện Cao Lộc xây dựng vùng một căn cứ trọng điểm ở khu vực Cao Lâu, Xuất Lễ. Sở dĩ hai xã này được chọn làm địa bàn xây dựng căn cứ du kích bởi đây là vùng núi, biên giới có địa thế hiểm trở, du kích dễ dàng ẩn náu, kẻ địch rất khó phát hiện; Nhân dân ở đây có truyền thống đấu tranh cách mạng, chống giặc Pháp và giặc phỉ rất kiên cường. Mặt khác, ở gần đó có khu du kích Chi Lăng của huyện Lộc Bình có thể tạo điều kiện bắt liên lạc, phối hợp cùng hiệp đồng tác chiến chống kẻ thù. Tỉnh ủy Lạng Sơn cũng chỉ rõ mục đích xây dựng căn cứ du kích là “Để có thể uy hiếp mạnh các các cứ điểm quân địch đóng ở Lạng Sơn, Kỳ Lừa, nhằm phân tán sự đối phó của địch trên đường số 4, biến hậu phương địch thành hậu phương của ta…”.

Khẩu súng Sten - đội võ trang danh dự Cao Lộc đã dùng đi tiền trạm xây dựng khu du kích Ba Sơn thời kỳ 1947-1950 (Hiện vật Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn)

Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính kháng chiến Lạng Sơn, ngay sau đó, huyện Cao Lộc đã nhanh chóng triển khai xây dựng căn cứ du kích Ba Sơn, trong đó lấy Xuất Lễ là chủ yếu, cùng với xã Cao Lâu tạo nên trung tâm của khu du kích. Những ngày đầu, các cán bộ kháng chiến của huyện như: Hùng Tân, Cao Chuyên, Đinh Văn Táu… đã cải trang, thâm nhập vào địa bàn Xuất Lễ, Cao Lâu để bắt liên lạc với các cán bộ, quần chúng trung kiên, tổ chức vận động, phục hồi các cơ sở quần chúng.

Tại đây, cán bộ và quần chúng trung kiên đã tích cực làm công tác binh vận, giác ngộ, cảm hóa binh lính có cảm tình với kháng chiến; vận động các gia đình không đi lính, không làm việc cho Pháp, phát động phong trào chống bắt phu, bắt lính, chống cướp bóc, sưu cao, thuế nặng... Các tổ vũ trang cũng được tăng cường về các xã, mở rộng địa bàn hoạt động, xây dựng và phát triển lực lượng du kích chiến đấu tại chỗ, phát động chiến tranh du kích ngay trong lòng địch.

Giỏ tre nhân dân đã dùng để tiếp tế cho cán bộ hoạt động bí mật ở thôn Bản Ngõa, xã Xuất lễ, huyện cao Lộc thời kỳ 1947-1950 (Hiện vật Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn)

Mặc dù có nhiều khó khăn do địa bàn ở ngay trong vùng địch kiểm soát, bị đàn áp, khủng bố dã man, nhưng đến đầu năm 1948, căn cứ du kích Ba Sơn cơ bản đã được hình thành. Từ đó, hoạt động của khu du kích Ba Sơn ngày càng phát triển mạnh mẽ, mở rộng dần ra địa bàn các xã khác của huyện Cao Lộc như Cao Lâu, Hòa Cư, Hải Yến... Các đội tự vệ chiến đấu thường xuyên tổ chức tấn công vào đồn bốt của địch. Tiêu biểu là các trận tập kích vào đồn Na Làng (xã Thanh Lòa) và Bản Xâm (xã Cao Lâu) ngày 18/8/1947, bốt Khuôn Van (xã Hòa Cư) ngày 29/10/1948, bốt Tềnh Slung (Gia Cát) tháng 11/1948,...

Các đội tiễu phỉ, trừ gian tăng cường truy quét bọn phỉ ở khu vực biên giới tràn vào khu du kích, đồng thời cảnh báo, tiêu diệt các tên Việt gian, phản động theo chân giặc Pháp. Quân dân du kích Ba Sơn đã ra sức hưởng ứng phong trào thi đua do tỉnh phát động tại các huyện dọc đường 4 như “Cướp súng giặc giết giặc”, “Làm chủ đường số 4”, “Chặt đứt dường số 4”… Thể hiện niềm tin son sắt với Đảng và cách mạng, Nhân dân trong khu kích Ba Sơn đã tích cực tăng gia sản xuất đảm bảo lương thực tại chỗ, tham gia xây dựng lán trại, đào hầm bí mật, nuôi giấu, bảo vệ cán bộ kháng chiến… Nhiều nơi Nhân dân đã tổ chức ăn thề: không phản bội xưng khai, không làm tay sai cho địch; thực hiện 3 không: không biết, không nghe, không thấy. Nhiều tổ chức quần chúng được thành lập như Hội “Mẹ kháng chiến”, “Phụ nữ kháng chiến”, “Phụ lão kháng chiến”; “Tổ tiếp tế”… Đầu năm 1949, khu du kích Ba Sơn chính thức được thành lập.

Nhằm đập tan âm mưu và kế hoạch tập trung quân của thực dân Pháp ở Lạng Sơn, từng bước tiêu diệt, tiêu hao sinh lực địch trên mặt trận đường số 4, Ban lãnh đạo kháng chiến huyện Cao Lộc đã tổ chức lực lượng vũ trang phối hợp với sự nổi dậy của quần chúng để tiến công tiêu diệt địch, giải phóng hai xã trọng điểm của khu du kích là Cao Lâu và Xuất Lễ. Đêm 4/3/1949, bộ đội của Trung đoàn 28 và Huyện đội Cao Lộc đã cùng với du kích Ba Sơn phối hợp đánh đồn Nà Phja – sào huyệt của bọn chỉ huy và tay sai ác ôn. Trước sức tấn công mãnh liệt của quân ta, chiều ngày 5/3/1949 (tức 6/2 âm lịch), hơn 100 tên địch trong đồn đã ra đầu hàng, một số phải chạy về đồn Bản Xâm ẩn náu. Quân ta làm chủ đồn Nà Phja, thu nhiều vũ khí, đạn dược để trang bị cho các đội vũ trang chiến đấu. Ngày 5/3/1949 được ghi dấu trong lịch sử của tỉnh là ngày giải phóng Ba Sơn.

Trên đà thắng lợi, các trung đội vũ trang liên tiếp tổ chức tấn công địch, làm chủ một vùng đất rộng lớn từ Pò Mã (xã Xuất Lễ) đến bản Vàng (xã Cao Lâu), phòng tuyến biên thùy của địch bị chọc thủng, “hành lang an toàn” của địch bị phá vỡ một mảng lớn. Đến cuối tháng 4/1949, từ Ba Sơn, phong trào chiến tranh du kích đã phát triển rộng khắp tới các xã Thanh Lòa, Hải Yến, Thạch Đạn, Lộc Yên, Hòa Cư, Gia Cát, tạo thành vành đai du kích rộng lớn. Ít lâu sau, vào ngày 11/4/1949 địch huy động một trung đoàn Âu – Phi gần 1.000 tên có pháo 75 ly hỗ trợ càn quét quy mô lớn hòng chiếm lại Ba Sơn. Quân dân du kích Ba Sơn anh dũng đẩy lùi các đợt tấn công khiến chúng phải tháo chạy vào ngày 15/4/1949.

Được sự tăng cường của bộ dội chủ lực, cuối năm 1949, quân dân du kích Ba Sơn đã liên tiếp bao vây, tập kích địch ở nhiều nơi, nhiều hướng: bao vây đồn bản Xâm, Na Làng và các đồn bốt khác như đồn Bắc Nga (Gia Cát), Đồng Én (Hoàng Đồng) khiến cho quân địch vô cùng hoảng loạn, co cụm lại, không hoạt động được. Cuối cùng đã phải tháo chạy, thất bại thảm hại. Với những thắng lợi đó, quân dân du kích Ba Sơn đã cùng quân dân các huyện Lộc Bình, Đình Lập, Văn Uyên, Tràng Định kìm chân địch ở Lạng Sơn, chia cắt đường tiếp viện của địch lên Đông Khê, khiến chúng phân tán lực lượng, tạo điều kiện cho quân chủ lực của ta tổng phản công, tiêu diệt hoàn toàn quân Pháp ở mặt trận Biên giới. Tháng 4/1950, quân Pháp lại huy động lực lượng tiến công khu du kích Ba Sơn hòng làm suy yếu lực lượng của ta để chúng rút chạy theo trục đường 4 từ Lạng Sơn về Hải Ninh (Quảng Ninh ngày nay). Quân dân du kích đã chặn đánh quyết liệt khiến cho địch không thể tiến quân được, cuối cùng địch phải rút về thị xã Lạng Sơn, thất bại hoàn toàn.

Trong suốt bốn năm 1947-1950, với hơn 100 trận đánh lớn nhỏ, đẩy lùi nhiều đợt tấn công, càn quét của giặc Pháp vào căn cứ du kích, quân dân khu du kích Ba Sơn đã góp phần to lớn vào chiến thắng trên mặt trận đường 4 và chiến dịch Biên giới năm 1950, giải phóng Lạng Sơn. Cùng với khu du kích Chi Lăng (Lộc Bình), Nà Thuộc (Đình Lập), khu du kích Ba Sơn đã tạo nên các căn cứ du kích liên hoàn áp đảo quân địch. Với những thành tích đó, quân dân du kích Ba Sơn đã được Chính phủ trao tặng phần thưởng cao quý: Huân chương Chiến công hạng II. Năm 2002, khu du kích Ba Sơn được UBND tỉnh Lạng Sơn ra quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh gồm 9 điểm. Trong ký ức lịch sử, Ba Sơn đã trở thành một trong những biểu tượng sáng ngời, đẹp đẽ của tinh thần kháng chiến, minh chứng sinh động cho truyền thống đấu tranh cách mạng trung dũng, kiên cường của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn.

CHU QUẾ NGÂN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/khu-du-kich-ba-son-mot-vung-can-cu-khang-chien-5001623.html