Khu di tích Gò Đống Thây ở Hà Nội chuẩn được tu bổ hiện ra sao?

Mới đây, chính quyền quận Thanh Xuân đã ban hành kế hoạch tổ chức cưỡng chế, thu hồi đất đối với 58 hộ dân để thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây, phường Thanh Xuân Trung (Hà Nội).

Theo đó, mục đích của kế hoạch nhằm tổ chức hiện cưỡng chế thu hồi đất giải phóng mặt bằng và bàn giao cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân để thực hiện dự án theo quy định.

Đối tượng cưỡng chế: 58 hộ gia đình, cá nhân không đồng thuận nhận tiền và bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây. Trong đó, 49 trường hợp tháo dỡ toàn bộ công trình; 9 trường hợp cắt xén công trình, nhà tạm. Thời gian cưỡng chế bắt đầu từ ngày 25/3/2024 đến hết ngày 27/3/2024.

Quận Thanh Xuân yêu cầu các đơn vị tiếp tục vận động, tuyên truyền, đối thoại với hộ gia đình, cá nhân bị cưỡng chế. Cương quyết xử lý kịp thời đúng pháp luật các trường hợp cản trở việc thực hiện cưỡng chế thu hồi đất; đảm bảo an toàn cho người và phương tiện trước, trong và sau khi cưỡng chế.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Gò Đống Thây là một địa danh lịch sử, di tích đã được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao - Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử vào năm 1990, cần được bảo vệ.

Năm 1997, UBND TP Hà Nội đã giao cho Ban quản lý di tích và danh thắng Hà Nội quản lý 2,672 ha khu vực này. Sau quá trình chuyển đổi đơn vị quản lý, năm 2016, Bộ Văn hóa Thể thao - Du lịch đã thống nhất điều chỉnh khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích với diện tích giảm xuống còn 15.336 m2. Đến ngày 30/3/2017, HĐND quận Thanh Xuân phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tu bổ di tích lịch sử Gò Đống Thây.

Dự án hướng tới mục tiêu xây dựng khu di tích Gò Đống Thây thành Công viên văn hóa lịch sử, đưa di tích trở thành không gian văn hóa với các thành phần tiêu biểu có giá trị về mặt kiến trúc, nghệ thuật, bổ sung điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Dự án chia làm 2 giai đoạn với tổng mức đầu tư hơn 233 tỷ đồng.

Tuy nhiên, dự án đến nay chưa được triển khai do vướng công tác giải phóng mặt bằng, nhiều hộ dân không đồng ý với phương án,...

Theo ghi nhận của phóng viên Gia đình và Xã hội, quanh khu di tích hiện có nhiều lều lán, nhà tạm được dựng lên tạm bợ bằng các tấm tôn màu xanh.

Tại đây, có hộ mở cửa hàng sửa chữa xe máy, kho hàng hóa hoặc buôn bán nhỏ lẻ như tạp hóa và nước giải khát.

Thậm chí mở quán cafe, quán ăn.

Xung quanh di tích bao bọc bởi các nhà tạm, không có hệ thống biển báo chỉ dẫn, nếu người dân và du khách không phải người bản địa, không có am thờ trên gò đất nhô cao khó có thể nhận ra đây là khu di tích.

Trước thông tin khu vực này sẽ bị cưỡng chế, thu hồi để tu bổ lại gò Đống Thây, thời gian qua, nhiều hộ dân sống tại đây treo băng rôn khắp mọi ngả đường, lối vào khu di tích lịch sử và thậm chí ngay trước cửa nhà để nhằm phản đối chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích do UBND quận Thanh Xuân thực hiện.

Theo tìm hiểu của phóng viên, khu vực Gò Đống Thây ngày nay, xưa thuộc cánh đồng làng Cự Chính - Nhân Mục, là một vùng sình lầy, rậm rạp rộng lớn ven sông Tô Lịch. Qua hàng trăm năm, miền đất này được nhân dân cần cù khai khẩn đất thành đồng ruộng, xóm làng và có tên Nôm “Kẻ Mọc” gồm 12 làng, sau này còn có tên chữ là Nhân Mục. Con đường chính chạy qua làng chính là đường Thượng đạo để vào Kinh đô Thăng Long - con đường Lai Kinh chạy qua các làng Mọc và cầu Nhân Mục để vào thành Thăng Long…

Một số hình ảnh bên trong di tích Gò Đống Thây.

Theo thông tin từ Phòng Văn hóa và Thông tin quận Thanh Xuân cho biết, đầu thế kỷ XV, quân Minh xâm lược nước ta, cuộc kháng chiến của nhà Hồ thất bại. Quốc gia Đại Việt lại một lần nữa rơi vào ách đô hộ của ngoại bang. Năm 1418, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa tại vùng rừng núi Lam Sơn (Thanh Hóa), tập hợp được sức mạnh của toàn dân anh dũng chống lại quân xâm lược trải ngót 10 năm gian khổ “ lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều, lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo” .

Trong những trận đánh nhằm bao vây, giải phóng thành Đông Quan (Hà Nội ngày nay) thì hai trận mở màn thắng lợi tại cầu Nhân Mục (cuối năm 1426) đã tiêu diệt được lực lượng lớn quân Minh đóng tại đây.

Sự kiện này đã được sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi rõ: “Hôm ấy (20/9 Bính Ngọ 1426) Lê Triện đánh nhau với quân Minh ở Nhân Mục, chém hơn một ngàn thủ cấp giặc, bắt được tên Đô ty nhà Minh là Vi Lượng (Viên Lượng)” ; “Ngày mồng 6 tháng Mười, năm Bính Ngọ (năm 1426), Vương Thông nhà Minh đem các quân mới, cũ gồm 10 vạn tên, chia làm ba đường đánh vào quân ta. Vương Thông từ Khâu Ôn tới qua cầu Tây Dương (Cầu Giấy ngày nay), đóng quân ở bến Cổ Sở,… Phương Chính từ cầu Yên Quyết (Cầu Cót ngày nay) đóng quân ở Cầu Sa Đôi, Sơn Thọ; Mã Kỳ tiến từ cầu Nhân Mục đóng quân ở cầu Thanh Oai".

"Quân giặc dàn doanh trại liền nhau đến vài mươi dặm, cờ xí rợp đồng, tự cho là đánh một trận là bắt được hết quân ta. Lúc đó, Lê Triện, Lê Bí mai phục binh tướng ở đồng Cổ Lãm (Xốm ngày nay) cho du binh nhử đánh vào doanh trại quân Thọ, Kỳ rồi giả vờ thua chạy. Quân Minh đuổi theo, phi qua bờ cầu Tam La (Ba La ngày nay), chỗ ấy ruộng nước bùn lầy, quân mai phục của ta nổi dậy, đánh tạt ngang vào bọn giặc. Quân giặc sa lầy, ta chém hơn một nghìn thủ cấp, đuổi đến đầu cầu Nhân Mục. Xác giặc phơi ngổn ngang đến vài mươi dặm, ta bắt sống hơn 500 tên” - Đại Việt sử ký toàn thư ghi.

Sau hai trận đánh oanh liệt năm 1426 kể trên, Nhân dân địa phương đã lưu truyền đến ngày nay là “Gò Thất Tinh”, “Khu mả Thất Tinh” và dần trở thành cái tên thông dụng như ngày nay: “Gò Đống Thây” - ý nói thây giặc chất nhiều thành đống, thành gò.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Video: Phía sau cánh cửa phát ấn đền Trần Nam Định

Nhật Tân

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/khu-di-tich-go-dong-thay-o-ha-noi-chuan-duoc-tu-bo-hien-ra-sao-172240227152012703.htm