Khu công nghệ cao sẽ đóng góp 40-50% GRDP của Đà Nẵng đến năm 2030

Khu CNC Đà Nẵng hiện có hơn 300 ha đất sạch với đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, sẵn sàng phục vụ nhà đầu tư, đã thu hút được 7 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 160 triệu USD...

Khu công nghệ cao (CNC) Đà Nẵng là một trong ba Khu CNC quốc gia đa chức năng của cả nước và đầu tiên tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Để tìm hiểu thêm về chức năng cũng như định hướng chiến lược phát triển của Khu CNC này, Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trao đổi với TS. Phùng Tấn Viết, Trưởng Ban Quản lý Khu CNC Đà Nẵng.

TS. Phùng Tấn Viết, Trưởng ban Ban Quản lý Khu CNC Đà Nẵng

Ông có thể giới thiệu đôi nét về quy mô và chức năng của Khu CNC Đà Nẵng?

Khu CNC Đà Nẵng được thành lập từ năm 2010 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và là một trong ba Khu CNC đa chức năng của cả nước. Hiện nay Khu CNC Đà Nẵng có diện tích khoảng 1.500 ha (bao gồm Dự án Khu công nghệ thông tin tập trung và Khu phụ trợ Khu CNC). Khu CNC Đà Nẵng hiện có hơn 300 ha đất sạch với đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, sẵn sàng phục vụ nhà đầu tư, đã thu hút được 7 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 160 triệu USD, chiếm gần 7% trên tổng diện tích đất sạch của giai đoạn 1 và có 5 dự án đang được xem xét cấp phép vào Khu CNC.

Trên thực tế, Khu CNC vừa mới khởi động và phát triển mạnh trong hơn 1 năm trở lại đây, nhất là khâu xúc tiến đầu tư và xây dựng hạ tầng từ giao thông đến tường rào cổng ngõ. Các chức năng chính của Khu CNC Đà Nẵng bao gồm: Xúc tiến đầu tư; quản lý hạ tầng; nghiên cứu, ươm tạo, phát triển, chuyển giao, ứng dụng CNC; đào tạo nhân lực CNC; ươm tạo doanh nghiệp CNC; sản xuất, kinh doanh, dịch vụ CNC; đẩy mạnh ứng dụng và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, đầu tư mạo hiểm.

Theo ông đâu là những cơ hội và thách thức cho Khu CNC Đà Nẵng?

Về cơ hội, việc ra đời các Khu CNC là phù hợp với xu hướng chung của khu vực và thế giới, các lĩnh vực CNC là một trong những yếu tố hình thành và phát triển cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế quốc gia. Việt Nam đã và đang có xu hướng tập trung phát triển các lĩnh vực CNC để nâng cao giá trị gia tăng và thay thế các ngành công nghiệp truyền thống.

Khu CNC Đà Nẵng hội tủ đầy đủ các yếu tố lịch sử, hiện tại và tương lai: Đất ngũ phụng tề phi, thành phố động lực, một trong các thành phố lớn trực thuộc Trung ương, thuận lợi trong việc huy động các nguồn lực tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Đà Nẵng với thế mạnh là thành phố có chất lượng sống tốt, có nguồn nhân lực chất lượng cao, thuận lợi để Khu CNC thu hút các dự án đầu tư về hoạt động R&D hoặc có hoạt động R&D. Đà Nẵng được Chính phủ cho áp dụng cơ chế đặc thù về tài chính, ngân sách, là cơ sở để đề xuất bố trí vốn từ nguồn vượt thu ngân sách thành phố để đầu tư phát triển Khu CNC Đà Nẵng.

Về thách thức, đó là điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất còn hạn chế, chưa đồng bộ, làm ảnh hưởng đến công tác thu hút đầu tư. Trong khi đó, chưa ưu tiên nguồn vốn để đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu, cơ sở vật chất, trang thiết bị của phân khu R&D, ươm tạo và đào tạo được xem là một trong hai mũi nhọn phát triển của Khu CNC. Cơ chế chính sách chưa có sự vượt trội so với một số khu kinh tế cũng như Khu CNC Hòa Lạc và Thành phố Hồ Chí Minh. Tiềm lực khoa học và công nghệ của khu vực nhìn chung còn thấp, hoạt động R&D chưa nhận được sự quan tâm cao của các doanh nghiệp khiến Khu CNC Đà Nẵng đối mặt với nguy cơ trở thành một khu công nghiệp. So với Khu CNC Hòa Lạc và Khu CNC TP.Hồ Chí Minh đi trước, Khu CNC Đà Nẵng đặt tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên có trình độ phát triển kinh tế thấp hơn, khó khăn hơn trong việc hình thành và phát triển các cơ sở nghiên cứu, ươm tạo.

Vậy đâu là định hướng định hướng phát triển Khu CNC Đà Nẵng trong thời gian tới?

Theo quy hoạch chung phát triển TP.Đà Nẵng đến năm 2030, khu vực phía Tây thành phố tập trung phát triển ngành công nghiệp CNC, công nghệ thông tin với quy mô dân số dự báo đến năm 2030 trên 700.000 người, quy mô đất xây dựng đô thị năm 2030 trên 13.600 ha. Đây là dấu hiệu tốt để sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư Khu CNC Đà Nẵng trở thành đô thị hạt nhân của khu vực này. Dự kiến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà Việt Nam đang triển khai thực hiện và phát triển thì các lĩnh vực CNC là xu hướng phát triển tất yếu. Lĩnh vực CNC sẽ là cơ hội phát triển cho các khu vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ,... Trong đó, với việc Đà Nẵng là thành phố động lực phát triển cho cả vùng và Việt Nam thì đây là cơ hội lớn. Dự báo Khu CNC Đà Nẵng sẽ phát triển và đóng góp ít nhất 40-50% GRDP của Đà Nẵng đến năm 2030.

Các giải pháp phát triển Khu công nghệ cao Đà Nẵng đến năm 2030

Về đầu tư xây dựng hạ tầng cứng và mềm cho Khu CNC, thành phố ưu tiên và tập trung huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng đồng bộ các hạ tầng giao thông, điện, nước, thoát nước, môi trường,... Khớp nối đồng bộ hạ tầng với khu vực lân cận; Xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Khu CNC như Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ; Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp CNC và Trung tâm Đào tạo, đảm bảo điều kiện để hình thành và phát triển các hoạt động khoa học và công nghệ trong Khu CNC Đà Nẵng. Phát triển những nguồn lực mềm, nhất là nguồn nhân lực để tạo sự sáng tạo, chất xám mới; khơi dậy những tư duy mới trong nghiên cứu và phát triển, phát minh sản phẩm mới, vật liệu mới, công nghệ mới,... làm cơ sở để phát triển cho dự án đầu tư. Xây dựng các nguồn lực tài chính, năng lực đầu tư, dự án đầu tư,... tạo những sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, sử dụng nguồn lực CNC đóng góp tăng trưởng thành phố và là động lực cho cực tăng trưởng trong tương lai.

Về xúc tiến đầu tư: Thành phố chủ động tổ chức các đoàn độc lập để xúc tiến kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước, ưu tiên các lĩnh vực CNC và dịch vụ logistics CNC. Cần có sự hỗ trợ từ các tổ chức xúc tiến đầu tư như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương),... để lựa chọn những nhà đầu tư tiềm năng và có sức lan tỏa lớn trong lĩnh vực CNC đối với Đà Nẵng và khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Cần có sự quan tâm giới thiệu của các nhà đầu tư hiện hữu để tạo lòng tin và tạo tâm lý “bầy đàn” trong đầu tư mở rộng và đầu tư mới. Đặc biệt, sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để giới thiệu những nhà đầu tư tiềm năng đầu tư vào Khu CNC làm động lực phát triển cả khu vực.

Cùng với việc tổ chức quản lý tốt, điều chỉnh thực hiện có hiệu quả những cơ chế chính sách đặc thù của Chính phủ đã có và sắp ban hành, tạo điều kiện tốt cho những nhà đầu tư tiếp cận và áp dụng hiệu quả. Thống nhất quản lý đầu tư, quản lý xây dựng, quản lý quy hoạch theo cơ chế một cửa, một dấu tại Ban Quản lý Khu CNC Đà Nẵng, nhằm giảm thiểu những thủ tục phiền hà cho nhà đầu tư. Phối hợp với các trường Đại học, Viện nghiên cứu trong và ngoài nước, các Khu CNC trong khu vực và thế giới để chia sẻ kinh nghiệm đầu tư, xây dựng cơ chế mới, tạo được cơ chế chính sách mới trong công tác quản lý nhà nước về xúc tiến đầu tư. Khai thác và triển khai thực hiện có hiệu quả các Trung tâm ươm tạo, Nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ đưa các trung tâm này thành động lực, là định hướng phát triển sản phẩm mẫu, sản phẩm mới,… là nơi cung cấp chính nguồn lực CNC đáp ứng cho sự phát triển Khu CNC dài hạn.

TS. Võ Văn Chi, Phó Trưởng Ban Nghiên cứu và Phát triển Khu CNC Đà Nẵng

Bài và ảnh: Đỗ Hùng

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/khu-cong-nghe-cao-se-dong-gop-40-50-grdp-cua-da-nang-den-nam-2030-68755.html