Khu Công nghệ cao Hòa Lạc phải tạo ra đột phá về công nghệ, trí tuệ nhân tạo

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được giao nhiệm vụ quan trọng là phải trở thành trung tâm hạt nhân để hình thành ra những doanh nghiệp phát triển công nghiệp cốt lõi, trở thành tiềm lực phát triển kinh tế xã hội cho Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung.

Cần đồng bộ hơn nữa hạ tầng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc

Chiều 10/5, tại Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy hoạt động công nghệ cao tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, báo cáo về kết quả hoạt động, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc Lê Thanh Sơn cho biết, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập năm 1998.

Khu Công nghệ cao Hòa Lạc hiện được quy hoạch xây dựng trên diện tích 1.586 ha, thuộc địa bàn 2 huyện Thạch Thất và Quốc Oai của thành phố Hà Nội, chia thành 8 khu chức năng và các khu vực phụ trợ.

Đến nay, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc có 109 dự án đầu tư còn hiệu lực (bao gồm 95 dự án trong nước và 14 dự án đầu tư nước ngoài), với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 115.500 tỷ đồng. Trong đó, có 74 dự án đầu tư vào phát triển công nghệ, sản xuất sản phẩm công nghệ cao; 33 dự án trong lĩnh vực công nghệ thông tin và điện tử viễn thông; 19 dự án trong lĩnh vực tự động hóa; 13 dự án trong lĩnh vực vật liệu mới; 9 dự án trong lĩnh vực công nghệ sinh học.

Các dự án đã đi vào hoạt động đang góp phần tạo việc làm cho khoảng 14.500 người lao động có tay nghề, doanh thu năm 2023 đạt khoảng 30.000 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì Hội nghị.

Thực hiện Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 1/8/2023 của Chính phủ về việc chuyển giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thuộc quyền quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ về UBND thành phố Hà Nội, Nghị quyết số 167/NQ-CP ngày 9/10/2023 của Chính phủ về việc sửa đổi Điểm b Khoản 1 Điều 4 Nghị quyết số 119/NQ-CP, Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 10/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển giao Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc từ Bộ Khoa học và Công nghệ về UBND thành phố Hà Nội, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc chính thức được bàn giao về UBND thành phố Hà Nội quản lý từ ngày 24/11/2023.

Với tinh thần chủ động, phối hợp, trách nhiệm, ngay trước và sau giai đoạn bàn giao tiếp nhận Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội và Bộ Khoa học Công nghệ đã chỉ đạo tiếp tục mục tiêu phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc như đã đề ra, phát huy các kết quả thành tựu đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời nhanh chóng giải quyết các khó khăn vướng mắc trong qua trình bàn giao đảm bảo không bị gián đoạn các hoạt động của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

UBND thành phố Hà Nội đang chỉ đạo Ban Quản lý xây dựng định hướng phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc 2030. Theo đó, đến năm 2025, hoàn thành cơ bản công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ hiện đại. Đến năm 2030, đi vào hoạt động hoàn chỉnh, vận hành theo hướng thông minh, hiện đại, góp phần xây dựng thành phố khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, là hạt nhân để phát triển đô thị vệ tinh Hòa Lạc.

Sau năm 2030, trở thành một thành phố khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sinh thái và thông minh, có đầy đủ và toàn diện các chức năng theo mô hình “4 trong 1”; tập trung đầu tư và phát triển theo chiều sâu, dần chuyển đổi các hoạt động sản xuất công nghiệp sang hoạt động nghiên cứu và phát triển, sản xuất thử nghiệm, đào tạo, ươm tạo.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy phát biểu tại hội nghị.

Phó trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc nhấn mạnh, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc vẫn còn có một số hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà đầu tư như công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa được hoàn thành, tác động đến tình hình an ninh trật tự cũng như cảnh quan môi trường; Ban Quản lý chưa xác định và ban hành được mức thu tiền bồi thường giải phóng mặt bằng tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc để các nhà đầu tư nộp tiền, hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước và được cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất…

Đại diện Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc kiến nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Đại học Việt - Nhật.

Đơn vị kiến nghị UBND thành phố Hà Nội đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình giao thông kết nối và tăng cường hệ thống giao thông công cộng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối, đi lại giữa Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và Trung tâm thành phố Hà Nội, trước mắt hoàn thành các đường vành đai phía bắc Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (huyện Thạch Thất), đường vành đai phía nam Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (huyện Quốc Oai) để hoàn thiện đồng bộ hệ thống hạ tầng Khu.

Tập trung phân cấp phân quyền tối đa cho khu công nghệ cao

Thông tin khái quát các nội dung Nghị định số 10/2024/NĐ-CP ngày 1/2/2024 của Chính phủ quy định về khu công nghệ cao, TS Nguyễn Lê Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Nghị định bổ sung chính sách đối với phát triển hạ tầng xã hội như việc đảm bảo quy hoạch khu nhà ở và hệ thống công trình xã hội liền kề khi xác định phương án phát triển khu công nghệ cao trong quy hoạch tỉnh; đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội phù hợp với nhu cầu, tiến độ xây dựng khu công nghệ cao…

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, cần phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thành cánh chim đầu đàn về khoa học công nghệ của Thủ đô và cả nước.

Điều 23, Nghị định cũng quy định nhiều nội dung mới về đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng như các mô hình đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng (gồm mô hình đầu tư hoàn toàn bằng nguồn vốn ngoài ngân sách), hành lang pháp lý về chế độ sử dụng đất, quản lý đầu tư dự án thực hiện hoạt động công nghê cao, các vấn đề cho thuê lại đất, ứng tiền giải phóng mặt bằng...

Về quản lý Nhà nước, Nghị định quy định thống nhất và đầy đủ các thẩm quyền, trách nhiệm của Ban Quản lý khu công nghệ cao trong các lĩnh vực nhằm đảm bảo tạo lập môi trường thu hút đầu tư và hiệu quả quản lý Nhà nước của cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trực tiếp đối với khu công nghệ cao…

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, đặc thù Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được giao nhiệm vụ quan trọng, là phải trở thành trung tâm hạt nhân để hình thành ra những doanh nghiệp phát triển công nghiệp cốt lõi, trở thành tiềm lực phát triển kinh tế xã hội cho Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung.

Định hướng thời gian tới của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là tiếp tục tạo ra những bước đột phá, thu hút các nhà đầu tư, chia sẻ kết nối phát triển công nghệ, đặc biệt là công nghệ biến đổi, trí tuệ nhân tạo…

“Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã liên tục cập nhật, sửa đổi quy định để tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư vào khu công nghệ cao, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Bộ cũng đã làm việc với nhiều bộ, ngành, để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính; tập trung phân cấp, phân quyền tối đa cho các Ban Quản lý khu công nghệ cao, để tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động”, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhấn mạnh.

Đại diện doanh nghiệp kiến nghị với lãnh đạo Thành phố.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định, việc chuyển giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc về Hà Nội quản lý là phù hợp với bối cảnh, định hướng phát triển của Hà Nội, khi muốn đưa Hòa Lạc trở thành đô thị khoa học công nghệ. Với tiềm lực sẵn có, Hà Nội chắc chắn sẽ nhanh chóng giải quyết các vấn đề vướng mắc về giải phóng mặt bằng, cơ sở vật chất, hạ tầng… để phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và thu hút các nhân tài. Bộ Khoa học và Công nghệ cam kết, tiếp tục đồng hành cùng Hà Nội nghiên cứu, sửa đổi các quy định, cơ chế tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, Bộ luôn coi trọng vai trò của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và làm thế nào để phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thành cánh chim đầu đàn phát triển khoa học công nghệ của Thủ đô và cả nước.

Những dự án triển khai của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đóng vai trò quan trọng, bước đầu hình thành hệ sinh thái công nghệ cao đổi mới sáng tạo, là tiền đề để có những bước phát triển tiếp theo.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, hiện nay sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư dự án có hàm lượng công nghệ cao ngày càng quyết liệt, các nước đã có những bước đi mạnh mẽ. Do vậy, vai trò của cơ chế, chính sách phát triển các khu công nghệ cao đóng vai trò quan trọng. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ xây dựng nghị định về quản lý, quỹ hỗ trợ đầu tư. Quỹ hỗ trợ đầu tư này sẽ ưu đãi, hỗ trợ trực tiếp vào chi phí của doanh nghiệp…

Nhấn mạnh Khu công nghệ cao Hòa Lạc cần phải tiếp tục xây dựng để có dư địa phát triển, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần quan tâm đến phát triển hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông để thu hút được các nhà đầu tư.

Ngân Phương

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/khu-cong-nghe-cao-hoa-lac-phai-tao-ra-dot-pha-ve-cong-nghe-tri-tue-nhan-tao-170470.html