Không vay nợ và tiền mặt khủng, DPM có khả năng trả cổ tức cao

Với cơ cấu không nợ vay, cộng với lượng tiền mặt 6.627 tỷ và dự báo nhu cầu đầu tư ở mức tối thiểu, DPM sẽ có khả năng chi trả lượng cổ tức bền vững vào khoảng 2.000-2.500 đồng/cổ phiếu.

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) vừa có báo cáo phân tích Tổng CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM) với nhận định tiềm năng hồi phục nhờ giá ure cải thiện.

Nhu cầu ure toàn cầu có thể cải thiện trong năm 2024

Giá ure Trung Đông giảm mạnh 48% so cùng kỳ từ mức nền cao năm 2022 xuống mức trung bình 358 USD/tấn trong năm 2023. Giá ure giảm mạnh trong nửa đầu năm 2023 chủ yếu do giá ure neo ở mức quá cao trong năm 2022 khiến nhu cầu tiêu thụ giảm sâu và sản lượng gia tăng tại khu vực châu Âu do giá khí thiên nhiên đầu vào giảm mạnh.

Thị trường chỉ hồi phục từ giữa năm 2023 khi hàng loạt chính sách hạn chế xuất khẩu được đưa ra bởi Nga, Trung Quốc và Ai Cập trong khi Ấn Độ đẩy mạnh thu mua ure để đảm bảo an ninh lương thực nội địa trong giai đoạn El Nino. Tuy nhiên, thị trường nhanh chóng rơi vào trạng thái trầm lắng trong 4Q2023 do Brazil mất mùa trong khi Ấn Độ đã đảm bảo đủ nguồn cung ure cho vụ Đông.

Cho năm 2024, KBSV giả định giá ure hạt đục Trung Đông tăng trưởng khoảng 6,1% so cùng kỳ từ mức nền thấp và đạt 380 USD/tấn nhờ nhu cầu tiêu thụ dự báo hồi phục trong khi tình trạng dư thừa nguồn cung có thể cải thiện nhẹ.

Diễn biến giá ure Trung Đông và giả định cho năm 2024 (USD/tấn)

KBSV nhận thấy các yếu tố như bất ổn địa chính trị, điều kiện thời tiết cực đoan trong khi nhu cầu tiêu thụ toàn cầu tăng trưởng ổn định đã khiến giá của các mặt hàng nông sản chủ đạo gồm lúa gạo, lúa mì và ngô trong năm 2023 vẫn duy trì ở mức cao so với trung bình 10 năm.

Bên cạnh đó, tỷ lệ tồn kho/tiêu thụ cho các mặt hàng trên cũng đang duy trì thấp hơn mức trung bình 7 năm, nghĩa là nguồn cung lúa gạo, lúa mì và ngô đang ở trong trạng thái thắt chặt nếu so sánh tương quan với nhu cầu tiêu thụ toàn cầu.

KBSV cho rằng giá cả neo ở mức cao và nguồn cung thắt chặt sẽ tạo động lực cho các nước gia tăng sản lượng nông sản. U.S. Department of Agriculture (USDA) dự báo tổng sản lượng nông sản toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 2,22% so cùng kỳ, giúp nhu cầu tiêu thụ phân bón trên thế giới gia tăng.

Theo tổ chức dự báo International Research Institute for Climate and Society (IRI), hiện tượng El Nino có thể sẽ suy yếu dần sau 1Q2024, sau đó sẽ dần chuyển sang giai đoạn trung tính và có xác suất cao sẽ chuyển sang giai đoạn La Nina giữa tháng 7 và tháng 9 năm 2024. KBSV kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ ure châu Á sẽ bắt đầu hồi phục rõ nét kể từ 2Q2024 nhờ thời tiết thuận lợi cho việc gieo trồng hơn.

Dự báo xác suất xảy ra các pha thời tiết trong 9 tháng đầu năm 2024 (%)

Sau một năm 2023 trầm lắng do vấn đề tồn kho tăng cao, KBSV kỳ vọng thị trường giao dịch phân ure sẽ sôi động hơn từ 2Q2024 khi các nhà tiêu thụ lớn gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Brazil và Châu Âu đồng loạt quay trở lại đấu thầu để đảm bảo nguồn cung phân bón cho giai đoạn cao điểm gieo hạt vụ Hè -Thu sắp tới.

Kỳ vọng tình trạng dư thừa nguồn cung ure được cải thiện nhẹ trong 2024

International Energy Agency (IEA) dự báo nhu cầu tiêu thụ khí thiên nhiên toàn cầu năm 2024 có thể tăng trưởng 2,5% so cùng kỳ do mùa đông kỳ vọng lạnh hơn đáng kể so với năm 2023 ấm bất thường và tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ điện từ khu vực châu Á, Bắc Mỹ và Trung Đông.

IEA cũng hạ dự báo nguồn cung khí thiên nhiên năm 2024 do tiến độ hoàn thành của các nhà máy LNG mới vẫn chậm trễ trong khi các nhà máy hiện có đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm nguồn khí đầu vào. US Energy Information Administration (EIA) dự báo giá khí thiên nhiên Mỹ tăng khoảng 4.3% yoy trong năm 2024 với các luận điểm tương tự IEA.

Việc giá khí thiên nhiên đầu vào neo cao sẽ khiến các nhà sản xuất ure (đặc biệt tại khu vực châu Âu) phải giới hạn công suất do biên lợi nhuận suy giảm, qua đó giảm thiểu tình trạng dư thừa nguồn cung toàn cầu. Theo kịch bản cơ sở của Green Markets (Bloomberg), hiệu suất tiêu thụ ure toàn cầu sẽ tăng trưởng nhẹ từ 76.9% trong năm 2023 lên mức 77,2% trong năm 2024 do tổng công suất tối đa chỉ tăng trưởng 1,8% so cùng kỳ trong khi nhu cầu tiêu thụ kỳ vọng tăng 2,1% so cùng kỳ.

Dự báo cung, cầu, và hiệu suất tiêu thụ của các nhà sản xuất ure năm 2024 (trái - triệu tấn) (phải - %)

KBSV kỳ vọng tăng trưởng nguồn cung ure từ Nga sẽ bị giới hạn do chính sách thuế xuất khẩu mới áp dụng lên các mặt hàng phân bón có hiệu lực từ 3Q2023 đến hết năm 2024.

Tuy nhiên, việc Nga quyết định nâng quota xuất khẩu các loại phân bón họ nitrogen (ure, amonia, amonia nitrate) thêm 18% lên mức 9,8 triệu tấn có hiệu lực từ tháng 11/2023 đến tháng 5/2024 có thể sẽ khiến nguồn cung toàn cầu gia tăng.

Đối với Trung Quốc, việc nước này duy trì chính sách hạn chế xuất khẩu ure như hiện tại cộng với việc giá ure nội địa neo ở mức cao sẽ khiến cho nguồn cung ure trong khu vực tương đối cân bằng.

Mặt khác, KBSV cũng lưu ý rằng nếu chính phủ Trung Quốc bất ngờ nới lỏng chính sách hạn chế xuất khẩu thì thị trường ure toàn cầu khả năng cao sẽ phải đối mặt với một cú sốc thừa cung, khiến giá ure giảm sâu.

Ngoài ra, KBSV cũng không loại trừ khả năng giá than Trung Quốc (nguyên liệu đầu vào chủ yếu cho các nhà máy ure tại Trung Quốc) tiếp tục điều chỉnh giảm sâu do ngành công nghiệp sản xuất suy yếu, khiến giá ure nội địa giảm và tạo ra động lực cho chính phủ nước này gia tăng xuất khẩu sang các quốc gia láng giềng.

Kỳ vọng tình hình kinh doanh của DPM tích cực hơn so với năm 2023

Cho năm 2024, KBSV giả định giá dầu thô Brent bình quân ở mức 83 USD/thùng (đi ngang so với năm 2023). KBSV kỳ vọng El Nino sẽ đạt đỉnh trong 1Q2024, sau đó yếu dần và chuyển sang các pha trung tính và La Nina trong phần lại của năm.

Do đó, KBSV cho rằng hiện tượng tranh chấp nguồn khí đầu vào giữa các doanh nghiệp điện khí và đạm sẽ bớt nghiêm trọng hơn so với năm 2023. KBSV dự báo chi phí khí thiên nhiên đầu vào cho DPM có thể giảm nhẹ khoảng 3% so cùng kỳ và đạt trung bình 10,2 USD/mmBTU cho năm 2024.

Trái ngược với kết quả kinh doanh, bảng cân đối kế toán chính là điểm sáng trong bức tranh tài chính của DPM trong năm 2023. Lượng tồn kho của DPM tăng đột biến 40% so cùng kỳ lên 3.871 tỷ đồng trong năm 2022 do giá phân bón neo ở mức quá cao, khiến nhu cầu tiêu thụ toàn cầu gần như biến mất.

Cuối năm 2023, lượng tồn kho đã giảm 51% so cùng kỳ xuống mức 1.911 tỷ đồng, giúp đưa số ngày tồn kho về mức cân bằng. Cũng trong khoảng thời gian này, DPM đã trả hết nợ gốc vay ngắn và dài hạn, từ đó giúp giảm thiểu gánh nặng lãi vay trong tương lai.

KBSV nhận thấy với cơ cấu không nợ vay, cộng với lượng tiền mặt 6.627 tỷ và dự báo nhu cầu đầu tư ở mức tối thiểu, DPM sẽ có khả năng chi trả lượng cổ tức bền vững vào khoảng 2.000-2.500 đồng/cổ phiếu, tương đương với mức lợi suất cổ tức khoảng 6-7%.

Dự phóng kết quả kinh doanh của DPM

Minh An

Nguồn Vietnamdaily: http://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/doanh-nghiep/khong-vay-no-va-tien-mat-khung-dpm-co-kha-nang-tra-co-tuc-cao-203744.html