Không ưu tiên giải pháp quân sự đối với Triều Tiên

Theo Tân Hoa xã và TTXVN, ngày 6-9, Tổng thống Mỹ Ð.Trăm tuyên bố, hành động quân sự chống Triều Tiên không phải là lựa chọn đầu tiên và ông đã có một cuộc thảo luận thẳng thắn, mạnh mẽ qua điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về vấn đề này. Trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi quan điểm về tình hình hiện tại trên bán đảo Triều Tiên. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, Trung Quốc giữ vững lập trường ủng hộ giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên bằng biện pháp đối thoại và hướng tới giải pháp hòa bình.

* Cùng ngày, Mỹ đề nghị Liên hợp quốc (LHQ) áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Triều Tiên và phong tỏa tài sản của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Châng Un, nhằm đáp trả vụ thử hạt nhân thứ sáu của Bình Nhưỡng hôm 3-9 vừa qua. Dự thảo nghị quyết do Mỹ soạn thảo cũng kêu gọi cấm xuất khẩu hàng dệt may và ngừng các khoản thanh toán cho người lao động Triều Tiên ở nước ngoài.

* Ngày 7-9, Tổng thống Hàn Quốc Mun Chê In và Thủ tướng Nhật Bản S.A-bê có cuộc gặp bên lề Diễn đàn kinh tế quốc tế Phương Ðông lần thứ ba được tổ chức tại thành phố Vla-đi-vô-xtốc thuộc khu vực Viễn Ðông của Nga. Hai nhà lãnh đạo đã lên án vụ thử hạt nhân mới đây của Triều Tiên, đồng thời cam kết tăng cường hợp tác song phương nhằm đối phó những mối đe dọa của
Bình Nhưỡng đối với an ninh khu vực.

* Cùng ngày, tại Bình Nhưỡng, Triều Tiên đã tổ chức một cuộc mít-tinh lớn chào mừng vụ thử hạt nhân mới nhất mà nước này tuyên bố là một quả bom nhiệt hạch (bom H) có thể lắp vào tên lửa tầm xa. Theo Ðài truyền hình Trung ương Triều Tiên, vụ thử hạt nhân hôm 3-9 được tiến hành theo mệnh lệnh của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Châng Un.

* Ngày 6-9, NATO ra tuyên bố kêu gọi tất cả các nước tăng cường nỗ lực áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên, buộc nước này dừng hoạt động thử vũ khí. Tuyên bố nhấn mạnh, tất cả các nước cần thực thi lệnh trừng phạt của LHQ một cách triệt để, đồng thời đưa ra những biện pháp cứng rắn buộc Triều Tiên từ bỏ con đường gây đe dọa và bất ổn.

* Ngày 6-9, Bộ trưởng Ngoại giao Ô-xtrây-li-a G.Bi-sốp khẳng định, mối quan hệ song phương với Nhật Bản đóng vai trò then chốt trong giải quyết các vấn đề khu vực. Bộ trưởng G.Bi-sốp nhấn mạnh, Can-bơ-rơ ưu tiên giải pháp ngoại giao và kinh tế hơn là hành động quân sự đối với Triều Tiên vì một cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên sẽ là thảm họa.

* Lực lượng lính thủy đánh bộ Hàn Quốc đã tiến hành một cuộc tập trận quy mô lớn, với tình huống bảo vệ đảo tiền tiêu gần vùng biển biên giới với Triều Tiên ở phía tây nước này. Theo đó, cuộc tập trận trên kéo dài từ ngày 5 đến 7-9, được tiến hành tại đảo Biêng-niêng nằm ở phía nam đường Giới hạn phía bắc (NLL) trên Hoàng Hải.

* Trong cuộc họp ngày 7-9 tại thủ đô Xơ-un, Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên nhóm MIKTA, gồm Hàn Quốc, Mê-hi-cô, In-đô-nê-xi-a, Thổ Nhĩ Kỳ và Ô-xtrây-li-a đã ra tuyên bố chung kêu gọi Bình Nhưỡng tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ. Theo tuyên bố, việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, nhất là việc đạt được phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, đều mang lại lợi ích cho tất cả các bên.

* Ngày 7-9, phát biểu ý kiến bên lề Diễn đàn kinh tế Phương Ðông tổ chức tại thành phố Vla-đi-vô-xtốc của Nga, Thủ tướng Nhật Bản S.A-bê nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế cần thống nhất trong việc gây sức ép lớn nhất có thể đối với Triều Tiên, nhằm buộc Bình Nhưỡng "từ bỏ tất cả chương trình hạt nhân cũng như tên lửa đạn đạo của nước này".

* Ngày 7-9, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đã được hoàn tất, nhằm đối phó các mối đe dọa từ Triều Tiên. Thông báo được đưa ra ngay sau khi các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) vận chuyển thêm bốn bệ phóng tên lửa đánh chặn vào căn cứ ở thị trấn Xê-ông-chu, cách thủ đô Xơ-un khoảng 300 km về phía nam.

* Sáng cùng ngày, tại Xê-ông-chu, hàng trăm người dân Hàn Quốc đã đụng độ với cảnh sát, phản đối việc Mỹ đưa thêm bốn bệ phóng thuộc THAAD tới khu vực này. Hàng chục cảnh sát và dân thường đã bị thương trong vụ đụng độ. Trước đó, khoảng 8.000 nhân viên an ninh đã được điều đến khu vực gần địa điểm triển khai THAAD nhằm giải tỏa đường.

* Ngày 7-9, sau khi Hàn Quốc lắp đặt bổ sung bốn bệ phóng THAAD, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, nước này đã trao công hàm phản đối mạnh mẽ Hàn Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nhấn mạnh, Trung Quốc hối thúc Hàn Quốc và Mỹ "xem xét nghiêm túc mối lo ngại về an ninh cũng như lợi ích của Trung Quốc và các nước trong khu vực, dừng việc triển khai và rút toàn bộ các thiết bị liên quan".

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/34022602-khong-uu-tien-giai-phap-quan-su-doi-voi-trieu-tien.html