Không trả giá đắt

Việt Nam với khí hậu nhiệt đới gió mùa nằm ở một trong 5 ổ bão lớn của thế giới là ổ bão Tây Thái Bình Dương, hàng năm đối mặt với gần hết các loại thiên tai, từ áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, lũ quét, lũ bùn đá, ngập lụt, sạt lở đất, đến hạn hán, cháy rừng, xâm nhập mặn, nước dâng do bão… Thiên tai kéo theo thảm họa khó lường. Khơi dậy sức mạnh tiềm tàng, tạo động lực để người dân tự bảo vệ, hỗ trợ cộng đồng những kỹ năng cần thiết là lựa chọn tốt nhất để nước ta hoàn thiện chiến lược phòng tránh thiên tai bền vững, nhân rộng những bài học chủ động sáng tạo thích ứng. Quyết không trả giá đắt dù các dạng thiên tai có thể xảy ra nặng nề hơn trong tương lai do biến đổi khí hậu toàn cầu.

Vai trò trợ giúp của chính quyền là quan trọng, đồng thời

việc phát huy tinh thần tự lực tự cường của mỗi người

cũng quan trọng không kém

Năm nay, cùng hàng chục trận dông lốc, mưa đá, lũ quét, lũ bùn đá …, đã có 14 cơn bão hoành hành trên Biển Đông tới thời điểm này. Đặc biệt cơn bão số 14 - siêu bão Haiyan – là cơn bão mạnh nhất trong lịch sử thế giới đã tàn phá khốc liệt Philippines trước khi tiến sát bờ biển Việt Nam. Nó đổi hướng liên tục để cuối cùng tấn công Quảng Ninh thay vì Đà Nẵng, Quảng Nam hay Thanh Hóa. Chiều qua (11-11) khi Haiyan rời khỏi nước ta suy yếu thành áp thấp thì đồng thời trên vùng biển đông nam Philippines, một áp thấp nhiệt đới mới lại đã hình thành, di chuyển khá nhanh về Biển Đông.

Nhìn từ siêu bão Haiyan vừa càn lướt nước ta, có thể thấy sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khi chủ trì Hội nghị trực tuyến bàn biện pháp ứng phó, ghi nhận tinh thần phòng, chống rất khẩn trương, quyết liệt của nhiều địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, đặc biệt là việc sơ tán bà con các vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Các lực lượng vũ trang sẵn sàng ứng cứu kịp thời. Ngành điện lực, viễn thông... đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt. Công tác dự báo liên tục cập nhật…

Cuối cùng nhiều tỉnh miền Trung dù "thoát bão” thì cuộc tổng diễn tập này vẫn thật cần thiết với toàn hệ thống chính trị, từ trung ương đến địa phương, đến từng người dân. Từ đây cũng nhìn ra nỗi lo thường trực của người dân những nơi phải thường xuyên "gánh bão”. Đó là bà con quá thiếu những nơi tránh trú an toàn thiết thực.

Hầm tránh bão của già làng Lê Văn Rời 84 tuổi, người Cơ Tu, thôn Phú Túc, xã Hòa Phú (Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) tự xây bằng những đồng tiền chắt bóp là một minh chứng điển hình cho sự linh hoạt, sáng tạo của người dân khi tìm giải pháp tự bảo vệ tính mạng, tài sản của mình. Xứng đáng đánh giá cao còn là tính văn hóa, nhân văn của căn hầm nửa chìm nửa nổi dành chỗ cho cả bà con xóm giềng - những người khó khăn cũng phải đối mặt với bão lũ.

Vai trò trợ giúp của chính quyền là quan trọng, đồng thời việc phát huy tinh thần tự lực tự cường của mỗi người cũng quan trọng không kém. Đó là thông điệp đặt ra. Đã đến lúc chính người dân phải hành động để trụ vững trước thiên tai, trên chính mảnh đất quê mình.

Công tác phòng tránh giảm nhẹ thiên tai lấy phòng ngừa là chính, nhưng từ thực tế siêu bão Haiyan, điều đáng trăn trở là việc phòng ngừa thiên tai của ta còn yếu nhiều mặt. Hàng ngàn hồ chứa nước lớn nhỏ cả nước phục vụ cắt giảm lũ, điều tiết nước, sát sạt bão lũ, nhiều ngành, địa phương, đơn vị mới gia cố, kiểm tra. Chỉ từ Thanh Hóa đến Bình Định đã 114 hồ chứa bị yếu, có đập bị thấm mạnh, tràn xả lũ bị vỡ lở xuống cấp, chưa kể Tây Nguyên và Tổng Công ty Cà phê Việt Nam có 51 hồ cũng bị yếu. Nguy cơ "bom nước” vỡ đe dọa suốt mùa bão lũ.

Mỗi khi bão vào, trung ương và địa phương lại ráo riết yêu cầu các đơn vị quản lý các hồ chứa thực hiện nghiêm quy trình xả lũ, xả lũ trước khi có mưa lớn diện rộng, thông tin xả lũ phải kịp thời, chính xác và đầy đủ để hạn chế thấp nhất mức ảnh hưởng cho nhân dân hạ lưu… Những điều này cho thấy kỷ cương an toàn hồ đập rất đáng báo động.

Tác hại của việc suy giảm rừng nhanh chóng giờ đã rõ và sẽ càng nguy hiểm hơn trước thực tế thiên tai, biến đổi khí hậu đang diễn ra. Hiện chỉ có 2% diện tích rừng được trồng thay thế trong tổng số 50.930ha đất rừng đã dùng cho các dự án thủy điện, quá thấp so với yêu cầu. Đã có không ít cơ chế chặn đứng các hoạt động làm tăng rủi ro thiên tai. Không thể không xử lý quyết liệt đối với việc chặt phá rừng phòng hộ, khai thác trái phép khoáng sản gây sạt lở bờ sông, bờ biển. Phải xử nghiêm vi phạm như nói trên bởi không thể trả giá quá đắt khi những thảm họa thiên nhiên sẽ còn ập tới.

Chủ động phòng chống bão lụt là tiên quyết nhưng đến nay, Luật Khí tượng thủy văn vẫn đang được Bộ TN&MT khẩn trương xây dựng. Quy định về cấp độ rủi ro thiên tai cũng còn dự thảo. Quy chế dự báo, cảnh báo về truyền tin về thiên tai, tăng cường công tác dự báo, cảnh báo chính xác trong mùa mưa bão cũng chưa hoàn thành...

Con người thật nhỏ bé trước cơn thịnh nộ của tự nhiên. Nhưng chúng ta ngày càng nhiều phương tiện hiện đại và kinh nghiệm thu thập, xử lý thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động cảnh báo, dự báo và phòng chống thiên tai. Cũng chính con người ngày càng hiểu hơn tầm quan trọng của môi trường bền vững và các yếu tố ảnh hưởng tới biến đổi khí hậu. Chúng ta có khả năng hoạch định chính sách bảo vệ môi trường.

Cần tổ chức đào tạo nhiều hơn các tập huấn viên phòng tránh thiên tai ở cơ sở, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ; đặc biệt là hoàn thiện thể chế, chính sách… Nhà nước và nhân dân cùng thảo luận tìm lời giải tốt nhất cho mỗi thách thức được coi là một phương thức rất hiệu quả. Cứ buông lỏng quản lý thì tới bao giờ, lãnh đạo chính quyền các cấp mới có thể khẳng định với người dân địa phương rằng bà con khỏi cần lo ngại cảnh "chạy bão lũ” tái diễn, chính quyền đã chuẩn bị rất tốt các phương án phòng chống?

Không ai muốn những siêu bão sẽ xóa sạch dấu vết cuộc sống hiện đại như thảm họa tự nhiên tồi tệ nhất vừa xảy đến với Philippines - bão Haiyan với sức gió lên tới 378km/h, được ví như một "bi kịch lớn của loài người”. Đó là lý do các quyết sách phòng chống thiên tai của chúng ta không thể mang tính xoay xở - đối phó, thiếu tính kiến tạo nền tảng và đột phá chiến lược.

Phải hành động ngay từ bây giờ, bền bỉ mỗi ngày, thay vì chỉ ứng phó khẩn cấp khi thiên tai sắp xảy tới, gầm gừ đe dọa…

Thanh Như

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=71546&menu=1427&style=1