Không thể lấy bạo lực để giải quyết bạo lực

Thời gian qua, liên tiếp các vụ bạo lực của trẻ vị thành niên xảy ra, có vụ việc tưởng đơn giản là 'chuyện trẻ con' nhưng để lại hậu quả đau lòng. Vì thế, gia đình cần hướng dẫn con em những kỹ năng phòng, chống bạo lực trong lứa tuổi 'ăn chưa no, lo chưa tới'.

Môi trường sống tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Nhận định về vấn nạn bạo lực giữa trẻ vị thành niên, Tiến sĩ, Thượng tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an) cho rằng, do ảnh hưởng từ phim ảnh bạo lực, đồi trụy, game online bạo lực, cùng lối sống thực dụng, chạy theo vật chất, đề cao giá trị đồng tiền, tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân… mà trẻ chứng kiến trong gia đình, nhà trường hay ở cộng đồng dân cư là những tác nhân nguy hại đến quá trình hình thành nhân cách tiến bộ của trẻ.

Đa dạng hình thức truyền thông phòng, chống bạo lực trẻ em.

Khi đã bị tiêm nhiễm những thói hư, tật xấu, lại thiếu đi sự quan tâm bảo ban, dạy dỗ của cha mẹ, bị lôi kéo bởi các nhóm xã hội xấu, trẻ rất dễ trượt dốc, thực hiện những hành vi đi ngược lại các chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

“Một số trẻ khi gặp phải các tình huống không như ý sẽ có xu hướng bảo vệ lợi ích, cái tôi của mình bằng mọi giá, ưu tiên dùng vũ lực, theo cách mà chúng thường nhìn thấy trên các trò chơi, phim ảnh bạo lực. Đây chính là nguyên nhân tâm lý xã hội của tình trạng trẻ hóa tội phạm”, Thượng tá Đào Trung Hiếu cho hay.

Theo các chuyên gia, khi trẻ bị bắt nạt, chúng ta không nên khuyến khích việc đánh lại. Thay vào đó, bố mẹ dạy trẻ cách bảo vệ sự an toàn của bản thân, tránh tiếp xúc mắt và cơ thể với đối phương.

Khi trẻ trở về nhà và kể mình bị người khác bắt nạt, bố mẹ nên bình tĩnh, phản ứng nhẹ nhàng và để trẻ kể chi tiết về những gì đã xảy ra; sau đó, hãy thảo luận với trẻ về cách giải quyết vấn đề và đánh giá xem liệu có cần giáo viên giúp đỡ không.

Đồng thời, bố mẹ hãy khuyến khích trẻ thể hiện lòng can cảm bằng cách nói "không" với hành vi bắt nạt. Điều này có thể ngăn người bắt nạt tái phạm trong tương lai. Vì nếu trẻ thích sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề, cuộc sống sau này có thể bị lệch lạc theo hướng tiêu cực.

Dạy con kỹ năng làm chủ bản thân

Theo chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh, Công ty tham vấn tâm lý Mạnh Linh School Psychology, việc dùng bạo lực để giải quyết bạo lực không phải là giải pháp hợp lý. Những vụ bạo lực xảy ra thời gian qua khiến người lớn phải chú ý nhiều hơn trong công tác giáo dục trẻ em về nhân cách, thái độ sống chứ không chỉ dừng lại ở việc chú trọng việc học.

Nói về nguyên nhân trẻ em, trẻ vị thành niên dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn, chuyên gia tâm lý Mạnh Linh cho biết, gốc gác của bạo lực thường xuất phát từ bạo lực. Nếu một đứa trẻ chưa từng tiếp xúc với bạo lực thì sẽ không thể có trải nghiệm rằng: Dùng bạo lực có thể giải quyết vấn đề.

Với những đứa trẻ từng tiếp xúc với bạo lực thì có trải nghiệm này rõ ràng hơn, khắc sâu vào tiềm thức hơn để rồi khi gặp tình huống cụ thể, trẻ sẽ sử dụng như một cách thức có sẵn trong đầu.

Hai là trẻ dùng bạo lực để giải quyết vấn đề thường thiếu kỹ năng. Nhiều đứa trẻ biết rằng, sử dụng bạo lực là không đúng nhưng ngoài ra không biết cách thức nào là đúng. Khi gặp bạo lực, trẻ không xử lý được cảm xúc tức giận trong lòng. Cảm xúc là thứ thúc đẩy trực tiếp hành vi.

Mỗi cảm xúc đều có chức năng riêng, cảm xúc tức giận có chức năng thúc đẩy hành vi phòng vệ bằng cách chống trả, đánh lại. Hơn nữa, bạo lực cũng có thể đến từ niềm tin sai lệch.

Cũng theo các chuyên gia tâm lý và pháp luật, cha mẹ cần dạy con kỹ năng làm chủ bản thân: Làm chủ cảm xúc, làm chủ hành vi; học kỹ năng giao tiếp và xử lý khủng hoảng trong các mối quan hệ.

Theo đó, việc đưa các kỹ năng về quản lý bản thân, quản lý cảm xúc vào trong trường học là cần thiết, trở thành tiết học bắt buộc để học sinh, giáo viên nhận thức rõ về trách nhiệm, thái độ của mình đối với tác động của cộng đồng.

Bên cạnh đó, chúng ta cần có nhiều chương trình hơn nữa cho thanh thiếu niên, cần có nhiều diễn đàn, chuyên gia giải đáp, tư vấn, xây dựng tình huống cụ thể để hướng dẫn trẻ em.

Nhà trường cần lồng ghép tuyên truyền các quy định của pháp luật vào hoạt động cũng như môn học để trẻ em hiểu rõ hơn mà không vi phạm, đánh mất tương lai của mình…

Đức Thọ

LĐXH

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/vi-tre-em/khong-the-lay-bao-luc-de-giai-quyet-bao-luc-20240407152037426.htm