Không thể là sự đương nhiên!

Kết quả giải ngân vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) thường diễn ra chậm hơn so với kế hoạch, hoặc dự tính ban đầu của các bên liên quan. Câu chuyện này tái diễn thường xuyên đến mức đã trở thành mặc định trong đánh giá, suy nghĩ của dư luận xã hội.

Xét về mặt kỹ thuật, kết quả giải ngân liên quan chặt chẽ và phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, cả khách quan và chủ quan, nên không dễ triển khai một cách suôn sẻ. Đó là việc đáp ứng các yêu cầu quy định của nhà tài trợ và của Nhà nước, trên cơ sở xác định tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật, thẩm định, thống nhất phương thức hợp tác, cách làm việc giữa các bên, thu xếp vốn đối ứng…; đặc biệt, việc chuẩn bị triển khai dự án là rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến công tác giải phóng mặt bằng - vốn luôn nổi cộm, nan giải đối với hầu hết dự án, là thách thức đối với không ít dự án có sử dụng ODA. Vì vậy, nhiều dự án ODA rơi vào cảnh giải ngân chậm, từ đó phát sinh thêm nhiều hệ lụy như đội vốn công trình, tăng chi phí quản lý, lãng phí về thời gian và trên hết là mất lòng tin của nhà tài trợ. Đơn cử, mức vốn ODA đã ký trong 9 tháng đầu năm nay đạt 4,9 tỷ USD, gấp 1,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá trị giải ngân chỉ đạt 81,4% cùng kỳ, và đây là một diễn biến trái chiều.

Nói vậy để thấy rằng, việc thu hút vốn đã khó, nhưng sử dụng vốn thế nào cho hiệu quả còn khó hơn. Đặc biệt, không thể chấp nhận thực tế chậm giải ngân như một sự đương nhiên. Từ thực tế này, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung cải thiện chất lượng quản lý, thắt chặt kỷ cương; chủ động hợp tác với nhà tài trợ để thống nhất về thủ tục, kịp thời giải quyết những vấn đề vướng mắc nảy sinh, đặc biệt là cần có sự chuẩn bị thật kỹ về mặt bằng để sẵn sàng tiếp nhận, triển khai dự án.

Kính Lúp

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/852472/khong-the-la-su-duong-nhien