Không thể coi là một bước chạy đà

Trong số các loài vật, loài chim ó khá đặc biệt bởi một thói quen mà chỉ duy nhất chúng mới có: phải có một đoạn đường để chạy đà chúng mới bay lên được. Vì thế, nếu bạn nhốt chúng trong một cái lồng có kích thước khoảng 2m x 2,5m và không hề có nóc, chúng vẫn không cách gì thoát ra được. Thông thường, chúng cần một đoạn chạy đà khoảng 3-4m để bay lên từ mặt đất.

Đối với con người, giai đoạn chuẩn bị trong phần lớn mọi việc cũng rất quan trọng. Ví như trong một cuộc đàm phán với đối tác, nếu như bạn không tìm hiểu trước họ là ai, họ có những điểm mạnh, điểm yếu nào thì sẽ khó lòng giành phần thắng, hoặc nếu có cũng sẽ bị hạn chế những ưu thế của mình. Đó gọi là “biết mình biết ta trăm trận trăm thắng”. Để đạt kết quả tốt trong một kỳ thi, đòi hỏi một sự chăm chỉ luyện tập từ nhiều tháng, thậm chí từ nhiều năm trước (như kì thi đại học). Cũng có thể gặp ở một số sinh viên kiểu “tự hào” như thế này: với môn học đó, tôi chỉ cần dành hai buổi ôn tập trước khi thi là có thể vượt qua dễ dàng. Hẳn rồi, nếu như trong quá trình học bạn đó thật sự để tâm, cố gắng học hỏi. Ngược lại, kiến thức không được ôn luyện từ trước mà chỉ học để thi thì buổi thi hôm đó bạn có thể không trượt, nhưng chắc chắn trên trường đời sau này, bạn sẽ không thể có được điểm số cao! Nhân một lần trò chuyện với vị đạo diễn nổi tiếng, ông chia sẻ, để một vở diễn thành công đòi hỏi người diễn viên phải luyện tập đều đặn mỗi ngày. Không thể ỷ lại vào năng khiếu trời phú hay sự quen thuộc, ứng đối tài tình dưới ánh đèn sân khấu mà có thể khỏa lấp đi những sai phạm mắc phải vì thiếu cẩn trọng, thiếu sự rèn luyện. Cũng vì lý do này, đối với một vở diễn trước khi được công chiếu hay một chương trình “có tầm”, buổi tổng duyệt luôn là thời khắc quan trọng để kiểm tra lại toàn bộ êkip thực hiện. “Bước chạy đà này góp một phần không nhỏ vào thành công của chương trình chính thức sẽ diễn ra sau đó”, vị đạo diễn nhấn mạnh. Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng chuyện “sống thử” ngày nay cũng là bước chạy đà để đôi nam nữ đó đi đến một cuộc hôn nhân hạnh phúc sau này (nếu như hợp nhau) hoặc là chia tay sớm để tránh đau khổ về sau. Theo PGS.TS Mai Quỳnh Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người, thì “sống thử” là cách gọi không chính xác. Đó là cuộc sống chung không hôn thú, không phải là “thử” mà là thật. Nên dĩ nhiên không thể coi đây là bước chạy đà cần thiết cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc. L. N

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=18661&menu=1434&style=1