Không sợ sai lầm, chỉ sợ phạm sai lầm mà không sửa chữa

LTS: Liên quan đến vụ án “tham ô tài sản” tại Trung tâm Mắt Bình Thuận, sau khi báo SK&ĐS đăng tải các ý kiến, bài viết của các nhà văn hóa, luật gia… xung quanh vụ án, chúng tôi tiếp tục nhận được các ý kiến, bài viết của chuyên gia và bạn đọc.

LTS: Liên quan đến vụ án “tham ô tài sản” tại Trung tâm Mắt Bình Thuận, sau khi báo SK&ĐS đăng tải các ý kiến, bài viết của các nhà văn hóa, luật gia… xung quanh vụ án, chúng tôi tiếp tục nhận được các ý kiến, bài viết của chuyên gia và bạn đọc.

Sau khi theo dõi và đọc bài báo Văn hóa phạt trên số báo 175 ra ngày 1/11/2011, tôi thấy có rất nhiều băn khoăn sau vụ án “tham ô tài sản” tại Trung tâm Mắt Bình Thuận.

Trước hết, là người tham gia trực tiếp nhiều hoạt động xã hội hóa nên tôi rất trân trọng các hoạt động xã hội hóa tại Trung tâm Mắt Bình Thuận. Tôi thật sự xúc động vì Trung tâm Mắt Bình Thuận được thành lập từ tháng 4/2007 với cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, trang thiết bị cũ, chưa được đầu tư, đặc biệt là các trang thiết bị kỹ thuật cao. Với nhiệm vụ được giao là giải phóng mù lòa cho nhân dân trong tỉnh, nhưng kinh phí để phục vụ cho việc mổ mắt lại không có và không được cấp. Dù với tình hình khó khăn trên, trong 2 năm (2007 - 2008), Ban giám đốc và cá nhân BS. Đặng Thị Linh đã có nhiều cố gắng vận động các nhà hảo tâm để mổ, chăm sóc mắt cho người dân với số tiền hơn 2,6 tỷ đồng để mua trang thiết bị và đã khám mắt cho gần 30.000 trường hợp, mổ sáng mắt cho gần 3.000 người nghèo. Những việc làm đầy ý nghĩa và nhân văn này cần phải được biểu dương vì nếu không có nỗ lực của tập thể trung tâm và cá nhân BS. Đặng Thị Linh thì không có được kết quả đó. Từng đấy số phận của những người được khám và trả lại ánh sáng có giá trị gấp rất nhiều lần số tiền mà theo cơ quan điều tra nêu ra là sai phạm.

Đảng, Nhà nước ta với chính sách rất nghiêm minh và xét rõ công và tội. Nếu người có lỗi thì bao giờ cũng xem xét công để châm chước, để người mắc phải lỗi thấy được việc mình làm đúng và chưa đúng để khắc phục và quan trọng hơn, để người bị xét xử phải tâm phục, khẩu phục.

Trở lại vụ án BS. Đặng Thị Linh, các cơ quan pháp luật tỉnh Bình Thuận cần phải điều tra, xét xử cẩn trọng vì đứng trước sinh mạng chính trị của một con người. Trong xét xử không nhìn thấy điểm sáng mà nhìn thấy toàn điểm đen mà qua phản ánh của các phương tiện thông tin và dư luận cho thấy, vụ án còn nhiều khuất tất và chưa rõ ràng thì việc xét xử ở đây chưa công tâm. Vì sao hơn một thế kỷ qua, người dân vẫn thích xem các bộ phim, vở kịch và tuồng về Bao Công xử án, bởi vì người dân trong bất cứ giai đoạn nào cũng cần và trông chờ vào những người cầm cân nảy mực xét xử một cách công bằng và có tâm để xử đúng.

Là một nhà văn hóa, tôi đề nghị các cơ quan pháp luật khi điều tra, xét xử vụ án tại Trung tâm Mắt Bình Thuận theo trình tự giám đốc thẩm cần hết sức cẩn trọng trước vận mệnh một con người. Cần nhìn thấy rõ công của BS. Đặng Thị Linh và quan trọng hơn trong quá trình xét xử, nếu thấy sai thì sửa vì Bác Hồ đã dạy “Chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ phạm sai lầm mà không quyết tâm sửa chữa”.

GS. HOÀNG CHƯƠNG - Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và

Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, Chủ nhiệm tạp chí Văn hiến Việt Nam

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/20111102101411366p0c61/khong-so-sai-lam-chi-so-pham-sai-lam-ma-khong-sua-chua.htm